Về ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương

|

Về ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương

“Dù ai đi ngược về xuôi
 
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”
 
Câu ca dao đó không ai biết có tự bao giờ nhưng bao đời nay đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân đất Việt. Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày lễ trọng đại của đất nước, là một lễ hội lớn mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam, là dịp để người dân Việt tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc, các bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc từ ngàn đời.
 
Với niềm tin thành kính này, từ hàng nghìn năm qua, hết thế hệ này qua thế hệ khác, người Việt ở vùng Đất Tổ - nơi có Đền Hùng linh thiêng và nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước, cùng đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài, đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thể hiện sự biết ơn với vị thủy tổ, mong Ngài phù hộ cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Nét tiêu biểu và đậm đà bản sắc nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được thực hiện vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cũng được tổ chức đồng loạt cùng ngày trên khắp mọi miền của đất nước cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
 

                                                           
                                                                           Toàn cảnh Đền Hùng                                                                                                                                       Ảnh: Nguồn Internet

 
Các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian đều khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của cả nước, có lẽ hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam, đó là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tiến trình lịch sử luôn là yếu tố nội sinh của văn hóa dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi.
 
Hiện cả nước có khoảng 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có gần 330 cơ sở thờ cúng Hùng Vương. Bên cạnh đó còn có rất nhiều nơi, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng thờ cúng Hùng Vương. Đây là niềm tự hào, tự tôn c ủa một dân tộc trải qua trên hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước mà có được.
 
Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi, đã từng xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước. Niên hiệu Thiên Phúc nguyên niên tức năm 986 dưới triều Lê Đại Hành, có bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền, còn gọi là Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền. Đây là lần đầu trong lịch sử xuất hiện tài liệu ghi chép một cách tường tận, chi tiết về 18 đời Vua Hùng, sau được sao lại vào năm Khải Định thứ 4 (1919). Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”
 
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính phủ lâm thời đã cử cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước lên dự Giỗ Tổ năm đầu tiên (1946). Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn rất quan tâm đến giáo dục các thế hệ con cháu hướng về cội nguồn dân tộc. Ngày 18/9/1954, Bác từ Thái Nguyên sang Đền Hùng nghỉ lại một đêm, sáng ngày Bác gặp các chiến sĩ Sư đoàn 308 trước khi về tiếp quản Thủ đô, Bác căn dặn bộ đội: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng  nhau giữ lấy nước”. Về sau, nhiều đồng  chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hàng trăm đoàn quốc tế và Việt kiều đã lên thăm Đền Hùng.
 
Do tính chất quan trọng của khu di tích, năm 1963 Bộ Văn hóa đã xếp hạng di tích quốc gia; năm 1967 Chính phủ quyết định xếp hạng khu rừng Đền Hùng là rừng cấm quốc gia. Từ năm 1969, Nhân dân quyên góp xây dựng công quán, Nhà nước đầu tư xây dựng Bảo tàng Hùng Vương, đường điện, đường giao thông, hệ thống nước, sửa chữa đền miếu, trồng rừng cây sinh cảnh, tổ chức bảo vệ khu di tích và rừng cấm, tổ chức 4 cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia. Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành tâm thức, lẽ sống của người Việt Nam chúng ta. Hàng năm, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng quy mô hơn, dài ngày hơn và với nội dung phong phú hơn.
 
Ngày 06/01/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định nhà nước về các ngày lễ lớn, trong đó ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch là ngày Quốc lễ.
 
Năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO  thì “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đạt được tiêu chí quan trọng đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị của di sản. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện rõ lòng tôn kính đối với tổ tiên, thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa. Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học, điều đó đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại.
 
Theo quan niệm của cha ông ta, ngày 10/3 âm lịch hàng năm là thời điểm cho những con Rồng cháu Tiên về trẩy hội tại Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) để ghi nhớ công ơn dựng nước giữ nước của các vua Hùng cũng như thể hiện niềm tự hào, tự tôn của dân tộc Việt Nam - một dân tộc anh hùng yêu chuộng hòa bình và chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất kì một thế lực ngoại xâm nào.
 
Năm 2020, trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh Covid-19, ban tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cho biết năm nay chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội với tinh thần đơn giản, gọn nhẹ nhưng cần đảm bảo trang nghiêm, thành kính và an toàn.
 
Cụ thể, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ có hai hoạt động chính gồm lễ giỗ Đức quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương Tổ mẫu Âu Cơ vào mùng 6/3 (ngày 29/3), lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3 (ngày 2/4).
 
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ dâng hương năm nay sẽ không tổ chức đoàn rước kiệu từ sân hành lễ, không truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình, hạn chế đại biểu tham dự nhằm tránh tập trung đông người.
 
Trước thời điểm diễn ra lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã phối hợp cùng khu di tích lịch sử Đề Hùng tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc, bố trí các khu kiểm soát thân nhiệt, tiến hành phát khẩu trang, rửa tay sát khuẩn cho các đại biểu và nhân dân đến hành lễ.
 
Ngoài ra, Sở Y tế cũng có phương án thu gom, xử lý khẩu trang sau khi sử dụng theo quy định.
 
Nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại các khu di tích và các xã vùng ven, Công an tỉnh Phú Thọ cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã xây dựng phương án và chủ động đối phó./.
P.V (Sưu tầm)