Dấu ấn xây dựng NTM ở Hưng Yên
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 117 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 80,7%). Bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã, tăng 0,9 tiêu chí so với năm 2017, không còn xã nào dưới 15 tiêu chí.
Với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm 2018, Hưng Yên đã huy động được hơn 4,6 nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Theo đó, các đơn vị đã bố trí được 142 tỷ đồng thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản… Hội viên phụ nữ trong tỉnh đã hiến hơn 8,6 nghìn m2 đất, ủng hộ hơn 1,3 nghìn ngày công lao động, hơn 3,6 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, xây dựng được 876 đoạn đường hoa phụ nữ. Hội Nông dân tỉnh tổ chức hơn 200 buổi tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới cho hơn 15 nghìn lượt người; 100% đơn vị Đoàn thanh niên các cấp đăng ký công trình thanh niên góp phần xây dựng nông thôn mới...
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 117 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 80,7%). Bình quân toàn tỉnh đạt 18,6 tiêu chí/xã, tăng 0,9 tiêu chí so với năm 2017, không còn xã nào dưới 15 tiêu chí.
Với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm 2018, Hưng Yên đã huy động được hơn 4,6 nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Theo đó, các đơn vị đã bố trí được 142 tỷ đồng thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản… Hội viên phụ nữ trong tỉnh đã hiến hơn 8,6 nghìn m2 đất, ủng hộ hơn 1,3 nghìn ngày công lao động, hơn 3,6 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, xây dựng được 876 đoạn đường hoa phụ nữ. Hội Nông dân tỉnh tổ chức hơn 200 buổi tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới cho hơn 15 nghìn lượt người; 100% đơn vị Đoàn thanh niên các cấp đăng ký công trình thanh niên góp phần xây dựng nông thôn mới...
Tính đến hết năm 2018, Hưng Yên có 127 xã đạt tiêu chí trường học; 136 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; 139 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn... Giáo dục - y tế - văn hóa - môi trường ở nông thôn phát triển; an ninh quốc phòng ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hiện đã có 16 xã trong tỉnh đăng ký phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và khu dân cư kiểu mẫu.
Phong trào thi đua xây dựng NTM ở Hưng Yên đã từng bước đạt được những hiệu quả tích cực, theo đó, huyện Mỹ Hào là huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Tính đến tháng 12/2018, Mỹ Hào đã hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện NTM, 100% số xã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Một số tiêu chí đạt 100%, như hệ thống giao thông, thủy lợi với hơn 70 km đường huyện và xã được trải nhựa, đường trục các thôn xóm, nội đồng đều được cứng hóa; hệ thống kênh mương nội đồng được quy hoạch, xây dựng đồng bộ và cứng hóa; hệ thống điện được cải tạo và xây dựng với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới của toàn huyện là hơn 3 nghìn tỷ đồng; trong đó, vốn tín dụng, đóng góp của doanh nghiệp và người dân chiếm hơn 80%. Hệ thống công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, chỉnh trang và xây mới. 100% số xã hoàn thành lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân vùng sản xuất nông nghiệp… Hiện trên địa bàn huyện có gần 200 dự án đầu tư được phê duyệt, trong đó có 150 dự án đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 20 nghìn lao động. Các khu công nghiệp: Dệt may Phố Nối, Thăng Long II, Minh Quang, Minh Đức... đang ngày càng có sự phát triển mạnh mẽ.
Các làng nghề truyền thống của huyện như: Làng nghề sản xuất mộc dân dụng mỹ nghệ Hòa Phong, làng nghề tương Bần, làng nghề tái chế nhựa Phan Bôi... được bảo tồn và phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân trong huyện. Ngoài ra, huyện đang thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao giai đoạn 2016-2020 làm điểm thực hiện tại xã Hòa Phong; triển khai Đề án chăn nuôi chất lượng cao, dự án chăn nuôi gà an toàn sinh học. Đã hình thành 3 vùng thâm canh cao gồm: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô 400 ha tại các xã Xuân Dục, Hòa Phong, Phan Đình Phùng; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tại các xã: Cẩm Xá, Hòa Phong, Hưng Long, Ngọc Lâm. Vùng sản xuất hoa, cây cảnh tại xã Nhân Hòa và thị trấn Bần, Yên Nhân. Đây là các mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa tạo nhiều sản phẩm giá trị lớn, nhằm tăng thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh Mỹ Hào, các địa phương khác trong tỉnh cũng đang tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng NTM với nhiều dấu ấn trong cách triển khai xây dựng NTM của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Hiện Hưng Yên đã phát động và triển khai phong trào“Khu dân cư 3 không”gắn với xây dựng NTM với nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ tuyên truyền: Không tệ nạn xã hội, không ô nhiễm môi trường, không lãng phí, hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang… Phong trào này đã đi vào cuộc sống, làm chuyển biến trên nhiều mặt ở khu vực nông thôn của tỉnh, được các địa phương trong tỉnh hưởng ứng và nhân rộng.
Tại thôn Thiết Trụ, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, ngay sau khi được chọn điểm về xây dựng “Khu dân cư 3 không” gắn với xây dựng NTM do Uỷ ban MTTQ tỉnh phát động, Ban Công tác Mặt trận đã phối hợp với các trưởng, phó thôn, các chi hội, phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào thi đua xây dựng “Khu dân cư 3 không” nhằm thực hiện tốt các nội dung, 19 tiêu chí về xây dựng NTM. Theo đó, các nội dung trong quy ước của làng đều đã được cán bộ, nhân dân tự giác thực hiện. Đến nay, trong việc cưới đã không còn tình trạng mời cỗ tràn lan, ăn uống linh đình; không dùng thuốc lá trong đám cưới... Các đám tang duy trì tốt công tác tổ chức lễ viếng đơn giản và nhiều hủ tục lạc hậu khác đã dần được xoá bỏ…
Từ việc lan tỏa mạnh mẽ phong trào xây dựng “khu dân cư 3 không”, toàn tỉnh đã có hơn 700 khu dân cư không phát sinh tội phạm; gần 800 khu dân cư không phát sinh người nghiện ma túy và người nhiễm HIV. Tại nhiều địa phương đã xây dựng được những mô hình như Câu lạc bộ phòng chống ma túy, mô hình tự quản bảo vệ an ninh trật tự, giáo dục thanh niên nói không với ma túy và tệ nạn xã hội và được quy ước chặt chẽ trong tiêu chí xây dựng làng văn hóa.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, MTTQ các cấp đã phối hợp vận động nhân dân xây dựng hơn 350 bãi chôn lấp và gần 100 điểm tập kết rác thải nông thôn; gần 900 khu dân cư thành lập được tổ vệ sinh môi trường với trên 3.500 người. Các mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí vận chuyển và xử lý rác thải.
Phong trào “Khu dân cư 3 không” ở Hưng Yên thực sự là một luồng sinh khí mới tiếp sức cho chương trình xây dựng NTM và mang đậm dấu ấn về văn hóa vùng đồng bằng Bắc bộ. Qua triển khai thực hiện phong trào này đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đông đảo nhân dân, làm thay đổi diện mạo đời sống văn hóa, tạo môi trường sống văn minh, lành mạnh.
Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên đang nỗ lực tiếp tục triển khai sâu rộng, nhân rộng phong trào đến tất cả các địa phương trên toàn tỉnh, qua đó góp phần đưa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thực sự đi vào cuộc sống.
Quyết tâm xây dựng tỉnh NTM vào năm 2020
Hưng Yên xác định việc hoàn thành xây dựng xã, huyện nông thôn mới không phải là mục tiêu cuối cùng, mà đây sẽ là nền tảng để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả cao và bền vững; từ đó, tiếp tục phấn đấu xây dựng các xã nông thôn mới kiểu mẫu, có thêm các huyện đạt chuẩn NTM... đồng thời tiến tới xây dựng tỉnh NTM. Năm 2019, tỉnh đề ra mục tiêu có thêm 3 huyện là: Yên Mỹ, Kim Động và Phù Cừ hoàn thành các tiêu chí huyện NTM; 100% số xã đạt chuẩn NTM; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 xã hoàn thành nội dung xã NTM kiểu mẫu và 2 khu dân cư kiểu mẫu.
Đặc biệt, để hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Hưng Yên được công nhận là “Tỉnh nông thôn mới”, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở và nhân dân đang nỗ lực, đề ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành theo đúng kế hoạch. Theo đó, một số nhiệm vụ trọng tâm đang được tỉnh triển khai, cụ thể:
- Tập trung nguồn lực cho những xã chưa đạt chuẩn NTM, hoàn thiện từng bước tiêu chí huyện NTM và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí ở những xã đã được công nhận đạt chuẩn; tiếp tục chỉ đạo rà soát quy hoạch theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đảm bảo phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển các ngành nghề truyền thống, dịch vụ của địa phương, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, tạo sự gắn kết, liên hoàn, thông suốt; tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng, nguyên vật liệu để làm đường giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường ra đồng, vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp cao; ưu tiên đầu tư hoàn thiện tiêu chí Giao thông tại 02 xã chưa đạt chuẩn để đến năm 2020 có 100% số xã hoàn thành tiêu chí Giao thông.
- Rà soát lại quy hoạch hạ tầng thương mại nông thôn để điều chỉnh, bổ sung kịp thời; đưa ra khỏi quy hoạch đối với các trung tâm thương mại, chợ không thực sự cần thiết; tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, xây dựng chợ vùng, chợ đầu mối ở nông thôn đảm bảo việc trao đổi hàng hóa được thuận lợi; tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh tại 12 xã còn lại đến năm 2020 có 100% số xã hoàn thành tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông mở rộng đầu tư các hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp.
- Tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy; các chương trình, đề án, dự án của UBND tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đổi mới tổ chức sản xuất, góp phần tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo nghề, phát triển ngành nghề và làng nghề truyền thống; tuyên truyền để người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế, phấn đấu đến năm 2020, có trên 92% số dân tham gia. Tiếp tục tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân nông thôn; phát triển phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Phấn đấu từ nay đến năm 2020, có thêm 12 xã đạt tiêu chí về Văn hóa, nâng tổng số xã đạt tiêu chí Văn hóa là 100%. Tích cực tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vận động người dân, các cơ sở sản xuất, các làng nghề, doanh nghiệp xây dựng, cải tạo môi trường, cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp. Phấn đấu đến năm 2020, có thêm 31 xã đạt tiêu chí, nâng 100% số xã đạt tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm.
Với những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể cho từng lĩnh vực cùng sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, Hưng Yên sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, trở thành một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn “tỉnh nông thôn mới”./.
Với những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể cho từng lĩnh vực cùng sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, Hưng Yên sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, trở thành một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn “tỉnh nông thôn mới”./.
Gia Linh