Cao Bằng: Tín dụng chính sách xã hội góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương

|

Cao Bằng: Tín dụng chính sách xã hội góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương

Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao phía Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 333 km. Là tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp, các khu vực dân cư bị chia cắt bởi địa hình đồi núi hiểm trở, đời sống Nhân dân các dân tộc trên địa bàn còn nhiều khó khăn (đặc biệt vùng dân tộc thiểu số ít người), tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Tỉnh còn cao so với khu vực. Theo đó, nguồn vốn tín dụng chính sách tại tỉnh Cao Bằng đã trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương...

Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Cao Bằng đã chủ động tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD HĐQT) NHCSXH tỉnh bám sát Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, HĐQT NHCSXH, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam và nội dung chương trình công tác đã lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) trên địa bàn Tỉnh, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.


Kiểm tra mô hình hộ vay vốn tín dụng CSXH nuôi ong lấy mật

Theo đó, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng luôn chú trọng, tích cực triển khai thực hiện các Chương trình tín dụng chính sách đến với người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn Tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên cho khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Đến nay, về cơ bản các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu, đủ điều kiện đều đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội.

Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng: Tính đến 31/5/2024, tổng nguồn vốn của NHCSXH Chi nhánh tỉnh Cao Bằng đạt 4.504.232 triệu đồng, tăng 120.975 triệu đồng so với tháng trước và tăng 359.557 triệu đồng so với năm 2023; Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt gần 613 tỷ đồng, bằng 13,61%/tổng nguồn vốn. Doanh số cho vay từ đầu năm 2024 đạt 841.881 triệu đồng với 11.539 lượt khách hàng vay vốn; Doanh số thu nợ đạt 382.061 triệu đồng, bằng 45,38% doanh số cho vay. Số hộ còn dư nợ 61.636 hộ; Dư nợ bình quân đạt 72,9 triệu đồng/hộ. Tổng dư nợ cho vay 19 Chương trình tín dụng đạt 4.492.470 triệu đồng, tăng 119.760 triệu đồng so với tháng trước và tăng 359.821 triệu đồng so với năm 2023, hoàn thành 56,7% kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2024.


Hoạt động của Tổ giao dịch lưu động NHCSXH huyện Bảo Lạc tại xã Huy Giáp

Nguồn vốn tín dụng CSXH đã giúp cho 11.539 lượt khách hàng được vay vốn, với số tiền là 841.881 triệu đồng, nguồn vốn cho vay tạo việc làm cho 9.237 lao động; hỗ trợ xây dựng 2.040 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ 16 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để trang trải chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ 150 hộ nghèo được vay vốn để làm nhà theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP; hỗ trợ 47 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động, 12 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn phát triển sản xuất...

Từ những kết quả nêu trên, nguồn vốn tín dụng CSXH đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hạn chế tín dụng đen trên địa bàn, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị tại địa phương.


Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp sức phát triển kinh tế hộ gia đình tại tỉnh Cao Bằng

Bên cạnh đó, để huy động nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, trong những năm qua cùng với nguồn vốn của Trung ương chuyển về, hằng năm tỉnh Cao Bằng luôn cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh thực hiện các giải pháp huy động nguồn vốn nhàn rỗi, tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với tinh thần tương thân, tương ái, tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH; chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ, Liên đoàn Lao động và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cùng cấp tổ chức Chương trình “Tuần lễ gửi tiền tiết kiệm, chung tay vì người nghèo”, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân trên địa bàn gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH để tăng cường nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội.


Giao dịch khách hàng tại xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm
 

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy và chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng đã thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động tín dụng CSXH, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng CSXH; đặc biệt, tập trung các nguồn lực cho tín dụng CSXH để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Kết quả, tổng doanh số cho vay từ khi có Chỉ thị số 40 đến ngày 31/5/2024 đạt 8.921 tỷ đồng, với 211.575 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Tính đến ngày 31/5/2024, có 61.636 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn tín dụng chính sách, với tổng dư nợ 4.492 tỷ đồng, bình quân một hộ vay 72,9 triệu đồng, tăng 47,7 triệu đồng so năm 2014. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại địa phương đạt 4.504 tỷ đồng, tăng 2.858,4 tỷ đồng so năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 17%; Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt gần 613 tỷ đồng, bằng 13,61%/tổng nguồn vốn. Hiệu quả sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho gần 44 nghìn hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho gần 39 nghìn lao động; hỗ trợ 298 người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài...


Nhờ có chính sách hỗ trợ vay vốn TDCSXH, nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS tỉnh Cao Bằng đã có điều kiện
xây dựng nhà khang trang

Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình tín dụng CSXH đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn Tỉnh giảm từ 42,53% xuống còn 22,06%; năm 2021 có 5.043 hộ thoát nghèo với tỷ lệ giảm nghèo 4,03%; năm 2022 giảm 5.969 hộ nghèo với tỷ lệ giảm nghèo 4,29%; năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn Tỉnh giảm 4,23%, góp phần xây dựng 17/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới, ngăn chặn tệ nạn “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn.


Đồng chí Nguyễn Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW


Trên cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan kết quả thực hiện Chương trình tín dụng CSXH tại tỉnh Cao Bằng, cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thấy sức sống, sự lan tỏa sâu rộng của tín dụng CSXH đã tác động tích cực và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Cao Bằng. Đây đồng thời là căn cứ, minh chứng quan trọng để UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục xác định tín dụng CSXH là một trong những giải pháp thiết thực để thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Phạm Tuấn Hưng
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng