Sau 3 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) quan hệ thương mại Việt Nam - EU vươn lên tầm cao mới với nhiều điểm sáng. Ở mức tăng trưởng hai con số, quan hệ thương mại vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt khai thác.
Ba năm thực thi Hiệp định EVFTA có nhiều điểm sáng trong quan hệ thương mại
Có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA cam kết loại bỏ hoặc giảm thuế quan cho hầu hết hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và EU, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. EVFTA cũng có quy định rõ ràng về xuất xứ hàng hóa, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong thương mại, mở ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận công nghệ và kiến thức tiên tiến từ EU.... Đánh giá về Hiệp định EVFTA, các chuyên gia cho rằng việc thực thi EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho các bên tham gia.
Thực tế trong ba năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực (1/8/2020 - 1/8/2023) dẫu gặp phải nhiều biến động do đại dịch Covid-19, song quan hệ kinh tế - thương mại đã thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - EU với mức tăng trưởng hai con số. Theo Bộ Công Thương, trong 3 năm, Việt Nam đã xuất sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa. Trong đó, từ 1/8 đến 31/12/2022, xuất khẩu 15,62 tỷ USD, tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2019. Năm 2021, xuất khẩu sang EU 40,12 tỷ USD, xuất siêu 23,23 tỷ USD. Năm 2022, xuất khẩu sang EU đạt 46,8 tỷ USD, xuất siêu 31,4 tỷ USD. 10 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt 36.2 tỷ USD.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sau 3 năm nhìn chung đã cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU. Nhiều mặt hàng đã khá thành công trong việc tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định. Các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên một tỉ đô la Mỹ vào thị trường EU trong suốt ba năm qua bao gồm: Điện thoại và linh kiện, máy vi tính, giày dép, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may, cà phê, sắt thép và hải sản. Hầu hết các mặt hàng này đã có mức tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là sắt thép với mức tăng trưởng hơn 844% trong năm 2021 so với năm 2020 và hơn 634% trong năm 2022 so với năm 2020. Tuy nhiên, mặt hàng điện thoại và linh kiện đã ghi nhận sự giảm sút lần lượt là 9,5% vào năm 2021 và 15,7% vào năm 2022 so với năm trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguyên liệu đầu vào trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đóng cửa vì Covid -19 và căng thẳng giữa Nga và Ukraine gây ra khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp Việt không chỉ phát huy hiệu quả lợi thế từ Hiệp định EVFTA để tăng xuất khẩu sang EU mà còn tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA để nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên liệu từ các nước châu Âu phục vụ cho quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu, từ đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU,
Ngoài ra nhìn vào tỷ lệ hàng hóa được cấp C/O đi EU, có thể thấy, tỷ trọng hàng hóa được hưởng ưu đãi nhờ đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa đều tăng theo từng năm. Theo Bộ Công Thương, tính trong 2 năm thực thi EVFTA (từ ngày 1/8/2020 đến 31/7/2022), khoảng 18,7 tỷ USD hàng xuất khẩu được cấp C/O mẫu EUR.1 đi 27 nước EU, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội cắt giảm thuế quan trong EVFTA.
Kết quả khảo sát hơn 500 doanh nghiệp trên cả nước trong Báo cáo “Việt Nam sau 2 năm thực thi EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Viện FNF cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu tương đối hoặc hiểu rõ về EVFTA cao hơn đáng kể so với các FTA khác, với khoảng 40% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đã tận dụng tốt một số lợi ích, trong đó có lợi ích xuất khẩu do EVFTA mang lại.
EU và Việt Nam là 2 thị trường có đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại, đầu tư song phương mang tính bổ sung mạnh mẽ, ít lĩnh vực cạnh tranh đối đầu. Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU, là đối tác thương mại lớn thứ 8 của EU trong châu Á và là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN. Ngược lại, EU liên tục là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Đáng lưu ý, sau 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ châu Âu với giá thành hợp lý hơn, khi thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm từ châu Âu vào Việt Nam đang giảm theo lộ trình đến 0% theo cam kết của Hiệp đinh EVFTA. Giá nhiều sản phẩm nông sản từ châu Âu như: Rau củ quả, sữa và ngũ cốc đã giảm, nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Ngoài ra, giá nhiều mặt hàng nhập khẩu như: Máy móc, thiết bị từ châu Âu cũng bắt đầu giảm theo lộ trình giúp cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao quá trình sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu sang EU như: Dệt may, da giày và lĩnh vực vận chuyển đã tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động Việt Nam. Người lao động cũng có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu mới từ EVFTA.
Theo Bộ Công Thương, 3 năm đi vào thực thi, Hiệp định EVFTA cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra trong việc thúc đẩy quan hệ tổng thể giữa hai bên. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng lên và Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU. EVFTA giúp nhiều nhà nhập khẩu EU biết tới các nhà cung ứng Việt Nam hơn…
Tiếp tục tận dụng tối đa lợi ích từ EVFTA
Châu Âu là một thị trường khó tính với tiêu chuẩn hàng hóa rất khắt khe, thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường liên minh 27 quốc gia thành viên vẫn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 2%. Đây cũng là khu vực đi đầu thế giới trong các nỗ lực chuyển dịch xanh và trung hòa phát thải. Đặc biệt, trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) - Gói các sáng kiến chính sách xanh đã bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế của EU và tác động trực tiếp tới hàng hóa nhập khẩu vào EU, trong đó có hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đối với nhóm hàng xuất khẩu chủ lực: Chè, cà phê, thủy sản...
Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp hướng tới một nền sản xuất mang tính bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của các thị trường nước ngoài. Tiềm năng đang trải rộng đối với nhiều ngành
Để đón cơ hội mới, tận dụng hết những cơ hội từ EVFTA mang lại và đạt được các mục tiêu, cam kết đặt ra trong Hiệp định EVFTA trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp như:
Đối với cơ quan quản lý
Cơ quan Nhà nước tiếp tục tổ chức các chương trình hỗ trợ cải thiện năng lực cạnh tranh, tập trung vào các vấn đề ưu tiên của doanh nghiệp như nâng cao chất lượng sản phẩm, đào tạo kỹ năng quản lý cho lãnh đạo và chuyên môn cho người lao động, và cải thiện công nghệ. Đồng thời, thiết lập các diễn đàn hoặc kênh kết nối đối tác, chắp mối kinh doanh giữa doanh nghiệp ở Việt Nam và đối tác.
Tiếp tục thúc đẩy, tạo kết nối giữa tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình thực thi EVFTA, bao gồm các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và các hiệp hội nhằm hình thành một chuỗi có sự hỗ trợ lẫn nhau.
Xây dựng những cơ chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng tốt hơn những cơ hội từ Hiệp định đem lại, từ việc tổ chức sự kiện để xúc tiến thương mại giữa hai bên, hay tổ chức những hoạt động để kết nối giữa doanh nghiệp hai bên để có được thông tin thông suốt hơn và kết nối với doanh nghiệp lớn, mang tính ổn định lâu dài giữa hai bên.
Đối với doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp thu kiến thức và nâng cao hiểu biết về các tiêu chuẩn và quy định của EU để tận dụng tối đa lợi ích từ hiệp định EVFTA. Theo đó, doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao quản lý, chất lượng nhân lực, đổi mới công nghệ, xây dựng và phát triển thương hiệu, cũng như thiết lập chiến lược kinh doanh dài hạn tại thị trường này. Đặc biệt, doanh nghiệp cần nghiêm túc nghiên cứu và thực hành các tiêu chuẩn xanh của EU để tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trong EVFTA từ đó đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Tăng cường hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là thông qua các hiệp hội, để chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và mở rộng mạng lưới phân phối, khả năng cạnh tranh. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tăng độ nhận diện thương hiệu và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác tại nước nhập khẩu.
Doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, học hỏi và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ môi trường cao mà EU yêu cầu và đa dạng hóa nguồn tiêu thụ. Các doanh nghiệp cần bám theo xu thế tiêu dùng và tăng cường khả năng sáng tạo, đồng thời tương tác trực tiếp, liên tục, nhanh chóng với khách hàng./.
Theo Hiệp định EVFTA, vào thời điểm 01/8/2020, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO./.
|
Trang Nguyễn