Kiểm soát phát thải khí nhà kính trong giao thông

|

TPHCM là một trong những thành phố trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Bên cạnh đó, là trung tâm kinh tế của cả nước với các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, giao thông nhộn nhịp nên TPHCM cũng là nơi phát thải khí nhà kính (KNK) nhiều nhất cả nước. 

Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp để thích ứng, giảm thiểu tác động của BĐKH, đồng thời từng bước kiểm soát KNK.
Phát triển giao thông đô thị phải dành quỹ đất phát triển mảng xanh 
                  để cải thiện môi trường không khí             Ảnh: Huy Anh
 Giao thông phát thải chiếm 45%

Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), TPHCM phát thải KNK trong năm 2013 tương đương với tổng lượng phát thải của cả quốc gia New Zealand, gần bằng nửa lượng phát thải của thành phố Tokyo (Nhật Bản). Cụ thể, lượng phát thải KNK đo được ở TPHCM khoảng 38,5 triệu tấn CO2, chiếm 16% của cả nước, trong khi chỉ chiếm 9% dân số. Đồng thời, lượng phát thải KNK của TPHCM đang dẫn đầu và cao hơn nhiều lần so với các thành phố khác trong mạng lưới C40 - nhóm 91 thành phố lớn chịu nhiều tác động của BĐKH. Theo JICA, có đến 45% lượng phát thải do các hoạt động đến từ giao thông (gần 18 triệu tấn CO2/năm) gây ra. Với sự phát triển của nền kinh tế, lượng xe máy ngày càng gia tăng và trở thành nỗi lo của xã hội với lượng khói thải ra môi trường. Qua thống kê tương đối, TPHCM hiện có khoảng 7 triệu xe gắn máy (tức gần một nửa dân số thành phố đang sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại) cùng với hơn 600.000 ô tô đã thải ra lượng khí độc hại lớn, góp phần vào sự xuống cấp của chất lượng không khí và gia tăng những lo ngại về sức khỏe con người.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh (nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM) cho rằng, do không gian buồng cháy của động cơ rất nhỏ hẹp và thời gian cháy chỉ vài phần ngàn của một giây trong một chu kỳ sinh công nên sự cháy không thể xả ra hoàn hảo như trong điều kiện bình thường và trong buồng cháy của động cơ, lượng nhiên liệu đưa vào buồng đốt sẽ không bao giờ cháy trọn vẹn, vì thế rất nhiều khí độc đã thải ra môi trường như CO2, CO, NO, SO2, SO3, các loại hạt bụi than và bồ hóng (CmHn). Các loại sản phẩm cháy của hỗn hợp nhiên liệu trong động cơ xe cơ giới thải ra chiếm đến 70% nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở các đô thị hiện nay. Không khó lý giải nếu ô nhiễm không khí nhanh chóng trở thành vấn nạn tại TPHCM. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, nồng độ bụi trong không khí tại các nút giao như Cát Lái, An Sương, vòng xoay Phú Lâm, vòng xoay Hàng Xanh... có thông số đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3 - 5 lần, nồng độ khí CO2, NO2 trung bình/ngày ở nhiều số nút giao thông lớn đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 1,5 lần. 

Cần giải pháp đồng bộ 

Ông Hà Minh Châu, Phó Chánh văn phòng BĐKH TPHCM, cho biết để giảm phát thải KNK trong lĩnh vực giao thông, TPHCM đã và đang triển khai dự án phát triển xe buýt chạy bằng khí CNG do Sở Giao thông Vận tải TPHCM thực hiện. Theo đó, TPHCM đã đầu tư mới 21 xe buýt CNG phục vụ tuyến buýt số 27, bắt đầu vận hành từ tháng 8-2016. Và đến năm 2020, toàn bộ xe buýt sẽ được thay mới. Đối với xe buýt CNG sẽ giúp thành phố giảm phát thải KNK và giảm các thành phần ô nhiễm không khí khác như bụi PM, CO. Không chỉ góp phần giảm thải KNK khi sử dụng, loại xe này còn mang lại nhiều lợi ích khác nữa như người dân có thể nhìn thấy đội xe buýt an toàn, sạch sẽ hơn, từ đó sử dụng xe buýt nhiều hơn. Ngoài ra, còn giúp hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch (dầu diesel), tăng sử dụng nhiên liệu sạch, giảm chi phí nhiên liệu, cải thiện điều kiện năng lượng và chuyển giao công nghệ. 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết hợp với tăng cường hiện đại hóa các phương tiện giao thông công cộng là biện pháp hữu hiệu để giảm lượng khí thải do giao thông gây ra. Tuy nhiên, để bảo đảm môi trường giao thông thân thiện, cần đồng bộ giữa phát triển giao thông với hệ thống thoát nước, cây xanh và giảm thiểu bê tông hóa trong quá trình xây dựng. Giao thông đô thị rất cần các vành đai xanh, một mặt tạo cảnh quan đô thị thân thiện, mặt khác trở thành bộ lọc không khí vô cùng hữu hiệu cho môi trường đô thị. Quy hoạch địa bàn cư trú phù hợp với các vùng kinh tế nhằm triển khai ứng dụng giao thông công cộng thích hợp để hạn chế bớt số phương tiện xe gắn máy. Về việc này, ông Ngô Kim Định, Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, muốn hướng tới giao thông xanh tại các đô thị lớn, chúng ta cần phải đẩy mạnh phát triển các loại hình giao thông công cộng. Hiện hệ thống công cộng ở các đô thị của Việt Nam mới chỉ có xe buýt và taxi hoạt động. Thị phần đảm nhận của vận tải hành khách công cộng còn rất thấp, dưới 10% nhu cầu đi lại. Mặt khác, cũng phải đẩy mạnh khuyến khích người dân  sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch; tăng cường kiểm soát khí thải phương tiện khi tham gia giao thông.