Báo động chất lượng môi trường tại các đô thị lớn

|

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 do Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố mới đây cho thấy, cùng với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và hiện trạng thực tế ô nhiễm môi trường đã gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, thiệt hại về kinh tế cũng như các vấn đề của xã hội. Đối với khu vực đô thị lớn, tác động chủ yếu là do ô nhiễm không khí, nước và chất thải rắn.

Tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ khiến các đô thị lớn đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường . Ảnh: Huy Anh
Sức ép từ đô thị hóa 
Báo cáo nêu rõ, hiện trạng thực tế là tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tại nhiều địa phương nhưng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp, đặc biệt là các đô thị lớn nên đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến môi trường. Số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng nhanh, nhiều phương tiện đã hết niên hạn vẫn được sử dụng, đã và đang thải vào môi trường lượng lớn bụi và khí thải.
Cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các đô thị nước ta vẫn đang tiếp tục gia tăng cả về số lượng và quy mô, song chất lượng môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thống kê đến tháng 12-2016, cả nước có 795 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,2%. Trong đó có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 41 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và 626 đô thị loại V. Hiện đô thị Việt Nam có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng và chênh lệch nhiều về đặc điểm địa lý giữa các khu vực. Vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị đang là sức ép lớn, gây ra tình trạng quá tải trong sử dụng hạ tầng. Ngoài ra, phần lớn các đô thị đều thiếu hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ đất cây xanh, công viên rất thấp.
Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng các khu đô thị mới; nâng cấp, thi công mới các tuyến giao thông cũng khiến môi trường không khí tại nhiều đô thị bị ô nhiễm bụi nặng. Nước thải đô thị hầu như chưa được xử lý, hoặc chỉ xử lý được một phần nhỏ, xả thải trực tiếp ra các ao hồ, kênh rạch, sông nội thành… gây ô nhiễm môi trường nước mặt. Mặc dù công tác thu gom, xử lý chất thải rắn ngày càng được tăng cường, nhưng vấn đề quản lý và xử lý chất thải rắn ở nhiều đô thị vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nhiều đô thị với hệ thống tiêu thoát nước đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, cải thiện, cùng với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai… khiến vấn đề úng ngập vào mùa mưa ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Ngoài ra, đô thị Việt Nam cũng đang nổi lên một số vấn đề môi trường nổi cộm như sự suy giảm mực nước dưới đất đang trở nên phổ biến; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường còn thấp. Vấn đề quy hoạch đô thị theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù ở cấp quốc gia và địa phương đã xây dựng và phê duyệt các quy hoạch phát triển đô thị, nhưng việc phát triển đô thị còn mang tính tự phát, chưa được kiểm soát chặt chẽ, trong khi hệ thống hạ tầng không đồng bộ và đã quá tải. Trước thực trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các giải pháp ưu tiên như: cải thiện nâng cấp hệ thống thoát nước tại các đô thị; từng bước triển khai quy hoạch phát triển đô thị đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả; đồng thời kiểm soát chặt chẽ và giảm thiểu các nguồn phát tán bụi, khí thải ra môi trường; đẩy mạnh huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường đô thị.
Ô nhiễm bụi ở mức báo động
Một số vấn đề “nóng” khác được báo cáo đưa ra là ô nhiễm bụi luôn ở ngưỡng cao tại các đô thị lớn, thậm chí nhiều nơi đang ở mức báo động. Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết hiện các khu đô thị đang phải đối mặt với áp lực ô nhiễm từ hoạt động giao thông vận tải, hoạt động công nghiệp trong nội đô, hoạt động dân sinh, xử lý rác thải và nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào. Các hoạt động này đã phát tán lượng bụi lớn vào môi trường khiến các đô thị và vùng lân cận bị ô nhiễm ngày một nghiêm trọng.
Số liệu quan trắc giai đoạn từ năm 2012 đến 2016 cũng cho thấy, mức độ ô nhiễm bụi tại các đô thị vẫn ở ngưỡng cao, chưa có dấu hiệu giảm trong suốt 5 năm qua. Điển hình, tại một số khu vực nội thành, nội thị ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, số ngày trong năm có nồng độ bụi PM10 (bụi thô) và PM 2.5 (bụi mịn) vượt ngưỡng cho phép của Quy chuẩn Việt Nam, chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng số ngày trong năm. Ở các đô thị lớn, bụi lơ lửng (TSP) vượt quá giới hạn của Quy chuẩn Việt Nam từ 1,5 đến 2 lần. Tại các công trường xây dựng khu đô thị mới, sửa chữa đường giao thông diễn ra tình trạng ô nhiễm cục bộ với mức độ ô nhiễm bụi rất cao. Báo cáo cũng cho biết, bụi mịn tồn tại rất lâu trong khí quyển, khả năng phát tán xa và đi sâu vào phổi. Vì thế, bụi mịn có thể gây ra bệnh hen suyễn, làm gia tăng ung thư phổi, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ. Thực trạng nhiễm bụi đang ở mức báo động nên nhiều ý kiến cho rằng cần được quan tâm, giải quyết, có những nghiên cứu cụ thể hơn vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân. 
Sau khi công bố, báo cáo này được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi tới các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển của đất nước một cách bền vững; đồng thời, gửi đến các tổ chức chính trị xã hội, trường đại học, viện nghiên cứu và tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ triển khai cơ chế theo dõi, đánh giá kết quả tham khảo, vận dụng những khuyến  nghị của báo cáo; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cho các báo cáo chuyên đề vào những năm tiếp theo.