Trăn trở phương án giá tại các chợ truyền thống

|

Các chợ truyền thống tại TPHCM đang bước vào mùa kinh doanh sôi nổi phục vụ khai giảng năm học mới, cũng như lễ tết sắp tới. Ngoài việc phải ứng phó với thực trạng sụt giảm mãi lực, các tiểu thương cũng rất quan tâm đến mức giá dịch vụ diện tích bán hàng. \r\n

Vì hiện chưa có các văn bản pháp lý liên quan làm cơ sở xác định giá, nên “bài toán” phương án giá tại các chợ truyền thống gần như “giậm chân tại chỗ”.

Đợi hơn 8 tháng qua

Cách nay vài tháng, UBND TPHCM ra quyết định phân cấp cho UBND quận huyện ban hành giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn. Theo đó, UBND quận huyện xem xét, ban hành giá dựa trên thẩm định của các đơn vị phòng ban, căn cứ đặc điểm từng chợ trên địa bàn và quy định của pháp luật hiện hành.

Với chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ ban hành phương án giá cụ thể, còn với chợ đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước sẽ ban hành phương án giá tối đa. Thế nhưng, tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP vừa diễn ra cách nay ít ngày, đại diện một số chợ như Hóc Môn (huyện Hóc Môn), Bình Tây (quận 6)… cho biết, phương án giá chợ vẫn đang trong thời gian đợi duyệt.

Bà Lê Thị Sang, Trưởng ban quản lý chợ Bình Tây, nêu vấn đề Luật Đất đai có hiệu từ ngày 1-7-2014, yêu cầu đối với những chợ được giao đất phải đóng tiền thuê đất, nhưng hiện chưa có văn bản pháp lý liên quan để làm cơ sở xác định giá đất. Do vậy, bà con tiểu thương tại chợ vẫn phải chờ.

Bà Ứng Thị Kim Liên, chuyên kinh doanh ngành hàng bánh kẹo tại chợ Bình Tây, phản ánh: “Tính từ thời điểm chợ tái hoạt động sau khi trùng tu khoảng 8 tháng nay, tôi chỉ đóng tiền hoa chi hàng tháng chứ chưa đóng thêm khoản phí nào khác”. Bà Lê Thị Sang cho biết thêm chợ Bình Tây được Sở TN-MT TPHCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 12-2013, thì đến ngày 1-7-2014 Luật Đất đai có hiệu lực.

“Nếu tính tiền thuê đất này vào giá trị diện tích sử dụng bán hàng, sẽ đẩy tiền dịch vụ sử dụng bán hàng trên mỗi mét vuông tăng cao, gây khó khăn cho tiểu thương”, bà Lê Thị Sang nói.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM

Theo thống kê của UBND quận 6, trên địa bàn hiện có 4 chợ thành lập ban quản lý, gồm: Bình Tây, Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tiên. Các chợ này được quận giao tự đảm bảo hạch toán chi thường xuyên cho hoạt động quản lý chợ. 4 chợ khác như An Dương Vương, Hồ Trọng Qúy, Lò Gốm, Tân Hòa Đông được giao cho UBND phường quản lý, xem xét cân đối nguồn ngân sách chi thường xuyên nhằm đảm bảo công tác quản lý chợ, vì qua nhiều lần thực hiện mời gọi đấu thầu khai thác quản lý chợ nhưng chưa có đơn vị nào tham gia. Thêm nữa, địa bàn quận 6 còn có 1 hợp tác xã đấu thầu khai thác, kinh doanh quản lý chợ Phú Định, chịu trách nhiệm tự cân đối nguồn thu - chi.

Sớm chốt giá dịch vụ

Ông Đỗ Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, thông tin thêm, Hóc Môn là chợ truyền thống của huyện hình thành từ năm 1951, được phân cấp là chợ loại 2 do UBND huyện quản lý. Tổng số tiểu thương đang kinh doanh tại chợ là 944 người, số kinh doanh nhỏ lẻ không có sạp là 232 hộ. Tiểu thương kinh doanh tại chợ Hóc Môn đa số là người tại địa phương, chiếm 85%. Ban quản lý các chợ trên địa bàn huyện Hóc Môn thu tiền thuê sạp theo quy định tại Điều 1 Quyết định 24/2007/QĐ-UBND của UBND TP ngày 12-2-2007 về quy định mức thu nộp, quản lý và sử dụng phí chợ trên địa bàn TPHCM. Hiện quyết định này đã hết hiệu lực nên ban quản lý các chợ chỉ thu hoa chi của tiểu thương.

Co.opmart giảm giá hơn 30.000 sản phẩm 
(SGGP).- Tin từ Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op), từ nay đến hết ngày 11-9, toàn bộ hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opmiles, Cheers sẽ áp dụng giảm giá sâu cho hơn 30.000 sản phẩm hàng Việt trong chương trình “Tự hào hàng Việt 2019”. Đáng chú ý vào các ngày cuối tuần giảm giá một số mặt hàng còn 0 đồng khi mua sản phẩm thứ 2, tặng gần 1 triệu áo mưa phiên bản đặc biệt Saigon Co.op 30 năm và tặng điểm thưởng lên đến 300 điểm cho khách mỗi ngày có thẻ thành viên Saigon Co.op…

THANH TẤN


Tương tự, đối với địa bàn quận 6, hiện UBND quận đang triển khai xây dựng phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách (theo chỉ đạo của UBND TP tại văn bản số 2650/UBND-KT ngày 14-6-2018). Còn việc thu phí tại các chợ, cũng giống như trường hợp huyện Hóc Môn, quận 6 vẫn áp dụng theo Quyết định số 24/2007/QĐ-UBND TP.

Trước những bất cập hiện tại, ông Đỗ Thanh Hòa kiến nghị: “Việc xây dựng phương án giá tại các chợ gặp nhiều khó khăn, do chưa có các văn bản pháp lý liên quan để làm cơ sở xác định giá đất. Các trường hợp mua đấu giá ki-ốt, sạp, nhà vệ sinh thời hạn lâu dài; trường hợp ký hợp đồng dài hạn hoặc tiểu thương có đóng góp kinh phí sửa chữa chợ theo hình thức xã hội hoá, nộp thuế kinh doanh... nếu áp dụng phương án giá sẽ đóng phí cao hơn, dễ xảy ra phản ứng không tốt. Do vậy, huyện kiến nghị TP cũng như các cơ quan chuyên trách sớm xem xét để đưa ra phương án giá tốt nhất, hỗ trợ bà con tiểu thương tại huyện Hóc Môn nói riêng, các quận huyện khác trên địa bàn TP nói chung”.

Rà soát nguồn gốc, pháp lý đất tại các chợ

Giải đáp thắc mắc của Ban quản lý chợ Bình Tây, đại diện Sở TN-MT TPHCM chỉ ra rằng, theo Luật Đất đai quy định thì chợ được xác định thuộc đối tượng đất công trình công cộng. Trường hợp đất công trình công cộng được sử dụng với mục đích kinh doanh thì phải thuê đất, trả tiền thuê hàng năm. Trên thực tế, đa số các chợ do ban quản lý chợ quản lý. Mà ban quản lý chợ được xác định là tổ chức, đơn vị sự nghiệp.

Trong khi Luật Đất đai quy định chỉ tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập mới được sử dụng đất công trình sự nghiệp, không có quy định sử dụng đất công trình công cộng. Vì chợ lại là công trình công cộng nên hiện tại Sở TN-MT cũng đã xin ý kiến Bộ TN-MT về vấn đề này nhưng chưa có phản hồi. Thêm nữa, Sở TN-MT cũng đã báo cáo với UBND TPHCM về vướng mắc liên quan đến tiền thuê đất, cũng như tình trạng thuê đất của các chợ trên địa bàn TP.

Thực tế, phần lớn đất của các chợ trên địa bàn TP có nguồn gốc do Nhà nước quản lý, vì TP tiếp quản chợ sau năm 1975, cũng như sau đó có đầu tư trên phần đất để lại. Đối với những chợ như vậy thì đất do Nhà nước quản lý. Mà đối chiếu theo Luật Đất đai, đất do Nhà nước quản lý phải căn cứ vào Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Theo đó, Sở TN-MT cũng kiến nghị UBND TP giao cho các quận huyện rà soát lại nguồn gốc pháp lý đất ở các chợ này, sau đó giao cho Thường trực Ban chỉ đạo 167 TP (Ban chỉ đạo Nghị định 167) quản lý, sắp xếp trên cơ sở quận huyện báo cáo lại nguồn gốc pháp lý đất. Từ đó, Sở TN-MT sẽ có căn cứ để ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.