Chợ truyền thống giảm mãi lực: Nhiều tiểu thương ngưng kinh doanh

|

Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã khảo sát thực tế tại nhiều chợ truyền thống và làm việc với UBND các quận huyện nhằm đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh của hệ thống chợ, công tác triển khai quy hoạch, đầu tư phát triển và quản lý chợ trên địa bàn TPHCM.\r\n

Một trong những vấn đề nổi cộm tại các chợ hiện nay là tình trạng tiểu thương ngưng kinh doanh và công tác quản lý chợ còn nhiều lúng túng. 

Khó chồng khó

Theo ông Trần Quang Bá, Phó Chủ tịch UBND quận 3, địa bàn quận hiện có 4 chợ truyền thống, gồm: Vườn Chuối, Bàn Cờ, Nguyễn Văn Trỗi và Bùi Phát.

Hầu hết các ngôi chợ này đều được xây dựng theo hình thức bán kiên cố, hoạt động kinh doanh đan xen giữa nhà lồng và các con đường xung quanh chợ nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Luật Phí và lệ phí, các khoản phí và lệ phí nay chuyển theo cơ chế giá, quận yêu cầu các ban quản lý (BQL) chợ chuyển sang thu phí bằng hóa đơn thay cho biên lai thu phí.

Tuy nhiên, theo Công văn số 2650 của UBND TPHCM, trong thời gian chờ xây dựng mức giá mới, BQL các chợ vẫn thực hiện thu giá dịch vụ diện tích bán hàng tại chợ theo Quyết định số 07/2007 (được xây dựng từ Quyết định 24/2007 QĐ-UBND và không có tính thuế VAT trên giá thu trên hóa đơn), do vậy BQL gặp khó khăn trong việc kê khai thuế cũng như nguồn để nộp thuế. 

Đáng lưu ý, khi xây dựng các khoản phí và lệ phí theo cơ chế giá đã phát sinh rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn, tại chợ Bàn Cờ hiện có 926 hộ kinh doanh (bao gồm khu vực nhà lồng và các hẻm xung quanh), trong số đó chỉ có 180 sạp nằm trong diện tích được công nhận, do vậy việc tính thuế giữa các sạp được công nhận và các sạp xung quanh là quá khó.

“Việc xây dựng giá dịch vụ dựa trên diện tích bán hàng tại chợ, bao gồm tiền thuê đất sẽ rất cao so với mức thu hiện nay, tăng từ 9 - 12 lần. Trong tình hình kinh doanh tại các chợ ngày càng giảm sút, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của tiểu thương, do vậy cần có lộ trình để thực hiện”, ông Trần Quang Bá kiến nghị.

Đi vào cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng ban BQL chợ Vườn Chuối, cho biết chợ có 11 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng và 495 hộ tiểu thương kinh doanh cá thể, nhưng hiện chỉ có 443 hộ kinh doanh, còn 52 hộ đã ngưng kinh doanh dài hạn.

Trước tình hình các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích ngày càng phát triển mở rộng xung quanh chợ, cộng với chợ tự phát, dù đã được giải tỏa nhưng thực tế vẫn tồn tại với hình thức thu nhỏ nên mãi lực kinh doanh tại chợ luôn trong chiều hướng giảm dần.

Tại chợ chỉ có ngành hàng kim hoàn, vải sợi, tạp phô và thực phẩm tươi sống là còn kinh doanh tập trung, các ngành hàng khác đều xen kẽ nhau, đặc biệt là ngành hàng quần áo có nhiều hộ kinh doanh xen kẽ và nằm rải rác ở các dãy sạp.

Thực trạng này đang dần phá vỡ việc quy hoạch, sắp xếp ngành hàng tại chợ theo Nghị định 02 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. 

Mua bán tại chợ Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: THÀNH TRÍ 

Tương tự, chợ Nguyễn Văn Trỗi được thiết kế với 715 quầy sạp trong khu vực nhà lồng, nhưng chỉ có 594 sạp mở cửa bán hàng, số sạp cho thuê làm kho và bỏ trống lên tới 203 sạp vì nhiều nguyên nhân, trong đó lý do “bỏ sạp” là vì mãi lực quá thấp.

Thời gian các sạp ngưng kinh doanh từ năm 2007 đến nay. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu tại chợ; hiện có khoảng 20 sạp không thu được bất cứ khoản nào.

Đề xuất cơ chế, chính sách phát triển chợ

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu HĐND TPHCM quan tâm, đó là vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ. BQL đã thực hiện rất nhiều biện pháp để giám sát, ngăn chặn tình trạng bày bán các mặt hàng kém chất lượng, không đạt ATTP, nhưng kết quả còn rất hạn chế.

Trong quá trình giám sát, BQL cũng phát hiện các trường hợp bán hàng có sử dụng hàn the, chất cấm nhưng lại không thể ra quyết định xử phạt mà phải nhờ các cơ quan chức năng khác như phòng y tế hoặc trung tâm y tế dự phòng tiến hành test mẫu lại, rồi mới xử lý.

Đại diện ngành y tế quận 3 băn khoăn, việc kiểm tra ATTP tại thời điểm TPHCM chưa thành lập BQL ATTP được thực hiện sát sao và hiệu quả hơn nhiều so với hiện nay. Việc rút cán bộ thú y về BQL ATTP TPHCM khiến bộ phận này bị co cụm lại, không đủ lực lượng để tham gia các đợt kiểm tra cao điểm.  

Để làm rõ những khó khăn, vướng mắc tại các chợ, bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, cho rằng việc thu phí tại chợ đã được đề cập từ lâu, đến nay đã phân cấp cho các quận huyện, nhưng theo phản ánh là đang bị vướng ở phần tiền sử dụng đất.

Vậy Sở TN-MT TP có cấp quyền sử dụng đất cho riêng từng sạp hay chung cho cả chợ? Đề nghị các quận báo cáo chi tiết hơn về các khoản thu của từng chợ, đánh giá xem khoản thu này liệu có đủ bù đắp cho bộ máy của BQL và đóng góp ra sao cho ngân sách TP?

Đặc biệt, đối với các tiểu thương tạm ngưng kinh doanh cũng cần có sự đánh giá, phân tích, nếu họ nghỉ quá lâu thì việc sử dụng đất sẽ được tính ra sao để không lãng phí tài sản, dẫn đến thất thu về mặt ngân sách.

Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, nhìn nhận cùng với các loại hình thương mại hiện đại, hệ thống chợ truyền thống vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống người dân.

“Sau đợt khảo sát thực tế và làm việc với các quận huyện, ban sẽ cùng các sở ngành xây dựng Chương trình Lắng nghe và trao đổi vào tháng 9-2019, với chủ đề “Hoạt động kinh doanh hệ thống chợ trên địa bàn TPHCM, thực trạng và giải pháp”. Kết quả của đợt làm việc và Chương trình Lắng nghe và trao đổi sẽ là cơ sở để chúng ta phân tích, làm rõ những thuận lợi và hạn chế, vướng mắc từ đó đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm quản lý tốt hơn về hoạt động kinh doanh của hệ thống chợ trong thời gian tới”, ông Triệu Đỗ Hồng Phước cho biết.