Nông sản có giá cao nhờ liên kết

|

Nhiều năm qua, nông sản thường có điệp khúc “được mùa, mất giá” do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nông dân thiếu liên kết, không áp dụng khoa học kỹ thuật. Điều này cũng khiến nhiều công ty lúng túng trong việc thu mua sản phẩm do thiếu vùng nguyên liệu. Nhận thấy điều này, nhiều công ty đã hợp tác với nông dân đầu tư công nghệ để tạo vùng nguyên liệu.\r\n

Giá cao giữa “tâm bão” rớt giá

Đến với khu vườn sầu riêng tại xã Tam Bình (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi ghi nhận có nhiều nhà vườn trúng mùa, được giá. Đoàn xe tải nhộn nhịp ra vào chở sầu riêng đi tiêu thụ. Từng sọt sầu riêng vừa được cắt từ vườn mang ra trước nhà để cân bán cho thương lái.

Ông Nguyễn Văn Ước (ở ấp Bình Hòa Đông, xã Tam Bình) vui mừng cho hay, có được thành quả như hôm này chính là nhờ kỹ sư của Tập đoàn Lộc Trời đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên vườn cây sầu riêng cho trái tăng năng suất, chất lượng.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp có kỹ sư đến hướng dẫn kỹ thuật, nhờ vậy sầu riêng bán ra tăng cao hơn 10% - 15% so với năm trước, đổi lại, nông dân chỉ mua phân bón của tập đoàn.

Nhờ thành quả mùa vụ đầu tiên, sang năm thứ 2, nhiều nhà vườn đã liên kết thành lập hợp tác xã để phát triển bền vững toàn vùng, tăng năng suất, giảm chi phí phân bón… Tiếng lành đồn xa, nhiều công ty khác nghe thông tin vùng ấp Bình Hòa Đông sản xuất tốt nên cũng tìm đến ký kết hợp đồng với nông dân thu mua ổn định.

Ông Nguyễn Thanh Vũ (cũng ở ấp Bình Hòa Đông) phấn khởi kể: “Đặc thù mô hình sản xuất ở các tỉnh ĐBCSL là nhà dân nằm trong khu vườn. Ngoài nâng cao kỹ thuật, nông dân còn học được cách bảo vệ môi trường như xây nhà kho, hố tự phân hủy sản phẩm và bỏ vỏ thuốc… Mỗi khi cây bị bệnh, nông dân gọi điện nhờ công ty hỗ trợ thì có kỹ sư xuống ngay lập tức. Cứ thế, mọi người đều gọi họ là kỹ sư “3 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm”.

Vụ mùa cà phê 2018-2019, giá cà phê Việt Nam chạm đáy thấp nhất trong 10 năm trở lại đây do hạn hán và mất mùa khiến sản lượng cà phê thu hoạch tại nhiều nơi bị giảm phân nửa. Dẫu vậy, trong bối cảnh giá cà phê Arabica có giá khoảng 60.000 đồng/kg  nhưng nông dân ở nông trại Cầu Đất Farm (tỉnh Lâm Đồng) vẫn được hỗ trợ giá thu mua trên 100.000 đồng/kg.

Đó chính là nhờ sự liên kết của nông dân với Công ty The Coffee House (TCH). Tại nông trại Cầu Đất Farm, kỹ sư của TCH tận tình hướng dẫn từng nông dân kiểm soát các tiêu chuẩn của quá trình chăm bón, của từng khâu sơ chế. Cũng trong năm 2018, TCH tiếp tục mở rộng chương trình thu mua cà phê ở tỉnh Gia Lai với giá gần gấp đôi giá thị trường.

Tiếp tục mở rộng vùng

Luôn định hướng sản xuất cà phê an toàn, chất lượng cao, ông Nguyễn Hải Ninh, CEO TCH, xác định, kế hoạch năm 2019 sẽ tăng năng suất từ 10% - 15% so với năm ngoái. Tăng tỷ lệ thu mua đầu vào với mục tiêu tăng gần 100% nguyên liệu hạt chất lượng cao.

“Năm nay, TCH sẽ kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy trình sơ chế tại các nông hộ nhằm mang lại chất lượng hạt cà phê cao nhất, hướng đến hạt cà phê hảo hạng. Hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho các nông hộ khi hình thành mô hình canh tác trên quy mô lớn. Tiếp tục có chính sách thu mua tốt hơn thị trường cho nông dân. Song song đó, TCH làm việc với chuyên gia trong và ngoài nước trong khâu trồng trọt, cung ứng giống cà phê đặc sản của thế giới để nhân rộng kỹ thuật về Việt Nam”, ông Nguyễn Hải Ninh cho hay.

 Kỹ sư Nguyễn Thanh Tâm (thứ ba từ phải sang) hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng cây, đảm bảo môi trường

Kỹ sư Nguyễn Thanh Tâm, Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ, đặc thù các tỉnh ĐBSCL thường xuyên nhiễm mặn nên định kỳ 3 tháng, kỹ sư của tập đoàn sẽ đi từng hộ kiểm tra tổng quan khu vườn rồi hướng dẫn dự trữ nước, cách ngăn ngừa xâm ngập mặn.

Để khu vườn sầu riêng đạt năng suất cao, trước khi vào mùa vụ, nông dân được hướng dẫn tỉa cành sâu, xới đất, thời điểm và liều lượng bón phân hợp lý sau khi thu hoạch. Nhằm xác định thời điểm rải vôi, liều lượng bón phân, kỹ sư sẽ dùng máy đo lại độ pH của đất, sau đó bón phân và bắt đầu xử lý để cây ra bông.

“Nguyên tắc cây sầu riêng phải bón lượng phân vừa đủ để tránh tình trạng cháy rễ. Nếu phân bón đúng liều lượng, cây sẽ có “tuổi thọ” thu hoạch đến 20 năm, thay vì chỉ 10-12 năm. Ngoài việc tăng năng suất, sản lượng và chất lượng, với cách chăm sóc này nông dân đã góp phần bảo vệ môi trường và hạ giá thành sản xuất”, kỹ sư Nguyễn Thanh Tâm phân tích.

Theo Bộ NN-PTNT, nhiều vùng nông sản với diện tích phân tán, nhỏ lẻ nên gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật và kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Nếu quy mô sản xuất lớn có thể áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác như:  rải vụ thu hoạch, ghép cải tạo thay thế giống; tỉa cành tạo tán, tưới nước tiết kiệm, thụ phấn bổ sung; quy trình nhân và sản xuất từ cấy mô, quy trình công nghệ tác động giai đoạn ở cận và sau thu hoạch, xử lý hóa chất khắc phục hiện tượng ra quả; sử dụng đèn tiết kiệm điện, kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ, cải thiện tăng đậu quả và chống rụng quả non…