Doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu

|

Liên tục nhiều ngày qua, Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TPHCM (gọi tắt CVĐ) đã đi thực tế tại các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) để khảo sát việc triển khai thực hiện CVĐ. Một trong những thế mạnh tại các DN là tập trung đầu tư để phát triển số lượng, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Tuy nhiên, điểm yếu là chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa tận dụng hết các kênh truyền thông để quảng bá sản phẩm hoặc thương hiệu cho chính DN, dẫn đến khả năng nhận biết và cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường còn yếu.
Cơ hội vàng…

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, khẳng định nhờ hiệu ứng từ CVĐ, công ty đã có rất nhiều thuận lợi trong việc liên kết với các đối tác để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, trong 3 năm gần đây, công ty đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển tổng đàn để cung ứng hơn 300.000 quả trứng gà/ngày. Với sản lượng này, công ty đã tự chủ hoàn toàn nguồn cung đối với mặt hàng trứng gà, chấm dứt tình trạng phải đi gom hàng từ các trang trại khác mới đủ số lượng trứng bình ổn như kế hoạch thành phố giao hàng năm. 
Dây chuyền phân loại trứng gia cầm tại Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt 
                                                                                                                           Ảnh: Uyển Chi
 Riêng về trứng vịt, hiện Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đã liên kết với 2 HTX tại tỉnh Đồng Tháp, cung ứng hơn 60.000 quả/ngày. Hiện công ty đang đàm phán với 3 đối tác mới ở miền Tây nhằm tăng tổng đàn vịt chạy đồng để tự chủ 100% sản lượng trứng cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân TP. Bên cạnh phát triển nguồn hàng, công ty cũng đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra, giám sát quy trình chăn nuôi của các đối tác trong việc sử dụng thuốc kháng sinh, thức ăn nhằm đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng cao. Nhờ đầu tư đúng hướng và tận dụng tốt các cơ hội, đến nay, Vĩnh Thành Đạt đã trở thành một trong những đơn vị chủ lực cung ứng hơn 20 loại trứng gia cầm ra thị trường và chương trình bình ổn thị trường, tạo công ăn việc làm cho các hộ nông dân của TPHCM và các tỉnh, thành khác. 
Tại huyện Củ Chi, Bí thư Huyện ủy Trương Văn Thống cho biết, CVĐ đã giúp huyện định hình lại nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững. Cụ thể, trong tiêu dùng, huyện đã yêu cầu tất cả các trường học phải sử dụng thực phẩm được mua từ hệ thống siêu thị Co.opmart, tuyệt đối không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Huyện cũng đề nghị phía Co.opmart không tính chiết khấu cho người đi mua hàng mà giảm giá trực tiếp vào mỗi sản phẩm nhằm giảm chi phí đóng góp của phụ huynh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh. Theo đó, huyện đang tiến hành nhiều bước để “nói không” với hàng hóa kém chất lượng. Dự kiến, trong tháng này huyện sẽ yêu cầu tiểu thương tại 16 chợ truyền thống phải tham gia bán thịt heo, thịt và trứng gia cầm, rau củ quả truy xuất được nguồn gốc, tiến tới loại bỏ dần các loại thực phẩm không đảm bảo.  Do đặc thù của quận 1 không có thế mạnh về sản xuất và chỉ tiêu dùng hàng hóa nên để thực hiện tốt CVĐ, Quận ủy quận 1 đã tổ chức cao điểm “Tuần lễ bán hàng Việt Nam tại các chợ trên địa bàn quận 1”. Từ đó, ban quản lý các chợ thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chấp hành chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và Quận ủy, thể hiện qua việc treo băng rôn trước mặt tiền chợ, phát loa tuyên truyền vận động, nhắc nhở tiểu thương, thương nhân bán hàng đúng giá niêm yết. Kết quả, có 80% - 90% tiểu thương ở các chợ hưởng ứng CVĐ thực hiện trưng bày, mua bán sản phẩm là hàng Việt. Mặt khác, các tổ chức chính trị, xã hội cũng lồng ghép các nội dung tuyên truyền giới thiệu các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa Việt Nam tới các tầng lớp nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày. Đồng thời, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo an toàn thực phẩm… cũng được tiến hành thường xuyên nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.Quan tâm xây dựng thương hiệu hàng Việt Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, nhưng từ thực tế triển khai CVĐ tại các địa bàn cho thấy, DN Việt vẫn còn nhiều điểm yếu; đặc biệt là công tác quảng bá, tiếp thị hàng hóa của DN trong nước còn rất yếu, dẫn đến khả năng nhận biết về thương hiệu, sản phẩm Việt không cao. Trên thực tế, tâm lý của người tiêu dùng, đặc biệt với giới nữ, nếu họ được nhìn tận mắt quy trình sản xuất thì hiệu ứng tuyên truyền về sản phẩm mang lại rất cao và thiết thực. Trong khi đó, các DN nước ngoài đang làm rất tốt việc tổ chức cho đoàn thể, hội phụ nữ, các tổ chức đến tham quan và dùng thử sản phẩm. Điển hình như trường hợp của nhãn hàng Ajinomoto, Yakult…  Ông Trương Văn Thống, cũng cho rằng, huyện Củ Chi đang nắm trong tay rất nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, cũng như các mặt hàng đặc sản như rau củ quả, hoa lan, bánh tráng, bò tơ; đặc biệt là sản phẩm sữa tươi, rau muống Bình Mỹ với 200ha được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP… Tuy nhiên, điều khiến ông Thống băn khoăn là huyện chưa tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này. “Vừa qua, huyện Ba Vì (Hà Nội) tổ chức chuyến giao lưu với huyện Củ Chi. Tôi rất ngạc nhiên khi Ba Vì mới chỉ phát triển tổng đàn bò hơn 20.000 con, nhưng họ đã kịp đưa ra thị trường mặt hàng sữa tươi và các sản phẩm liên quan mang thương hiệu của chính địa phương này. Trong khi đó, nông dân huyện Củ Chi nuôi tới 75.000 con, chiếm 2/3 sản lượng sữa tươi cung ứng cho thị trường TP nhưng người tiêu dùng vẫn chưa biết đó là sản phẩm của Củ Chi. Đây là điểm yếu của huyện cần phải khắc phục sớm”, ông Thống nói. Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, để người dân yên tâm sử dụng hàng Việt thì chất lượng hàng Việt phải không ngừng hoàn thiện. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân thêm tin yêu hàng Việt. Liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, theo quan điểm của ông Nguyễn Tấn Bỉnh, với mức sống và thu nhập của người dân hiện nay, nếu chúng ta tổ chức sản xuất các loại nông sản đạt chuẩn VietGAP đã là rất tốt. Riêng các trường học cần ưu tiên sử dụng thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Ý tưởng thiết kế các con đường ẩm thực vào cuối tuần là phù hợp và thuận lợi nhưng cần phải tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và du khách. Để hàng Việt có sức sống, tạo sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường, ngoài việc tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, các DN và chính quyền địa phương phải chú trọng hơn nữa đến công tác xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm cho chính các DN. Chỉ như vậy, người tiêu dùng mới nhớ đến sản phẩm, từ đó quyết định hành vi lựa chọn và sử dụng hàng Việt .
Đánh giá sơ bộ kết quả đợt khảo sát, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung nhấn mạnh, CVĐ đã tạo sự lan tỏa mạnh trong cộng đồng DN và người tiêu dùng. Từ CVĐ, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Tuy vậy, CVĐ đã đi qua 8 năm nhưng hiệu quả vẫn còn rất hạn chế. Mức độ người dân hiểu và ưu tiên dùng hàng Việt không tăng mà còn có chiều hướng giảm. Do vậy, TP xác định việc tổ chức triển khai CVĐ phải được thực hiện thường xuyên hơn. Nên có sự nghiên cứu, phân công người có trách nhiệm tổ chức thực hiện CVĐ ở cấp phường để có đầu mối liên hệ.