Gỡ khó, giúp hợp tác xã phát triển

|

Sau 4 năm Luật Hợp tác xã (HTX) 2012 chính thức có hiệu lực, bên cạnh những ưu việt giúp khuyến khích phát triển mô hình HTX kiểu mới, luật này cũng đã và đang bộc lộ một số hạn chế nhất định. 

Theo đại diện các HTX phản ánh, rất cần các giải pháp tháo gỡ kịp thời để giúp HTX vượt qua thách thức trước mắt, phát triển một cách lâu dài, bền vững. Dưới đây là phần ghi nhận của phóng viên Báo SGGP về những vấn đề liên quan.
Ông TRẦN NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TPHCM:
Triển khai mô hình HTX tạo vốn
Quỹ trợ vốn xã viên HTX (CCM) thuộc Liên minh HTX TPHCM được thành lập vào năm 2002, quy mô vốn ban đầu do các HTX, thành viên HTX, người lao động trong tổ hợp tác đóng góp. Ban đầu CCM đăng ký vốn điều lệ 10 tỷ đồng, sau đó UBND TPHCM chỉ đạo Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP cho vay 50 tỷ đồng không lãi suất, kéo dài trong 3 năm. Sau 1 năm hoạt động hiệu quả, UBND TP cho CCM vay tiếp 50 tỷ đồng nữa, kéo dài thời hạn vay lên 10 năm. Sau đó, số nợ này CCM đã trả xong. Đến năm 2011, CCM làm đề án vay thêm (trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn) 150 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Hiện số nợ này còn lại 90 tỷ đồng. Tổng vốn hiện nay của CCM là 750 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 300 tỷ đồng của thành viên, còn lại là tài sản không chia. 
Khách hàng tham quan, mua sắm tại một siêu thị ở TPHCM
Vào thời điểm thành lập, CCM chưa có khung pháp lý đối với quỹ nên UBND TP quyết định đây là loại hình đặc biệt. Hiện CCM huy động được số tiền nhàn rỗi trong dân cư rất lớn, của trên 200.000 người. Trong đó, khoảng 97.000 người góp vốn, hơn 70.000 người đang có dư nợ. CCM huy động quỹ tiết kiệm từ xã viên và dùng số tiền này cho những xã viên khi cần đến vay lại. Mới đây Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ 1-8-2017, quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ. Trong đó, dự án tài chính vi mô được hiểu là tổ chức chuyên cho vay các món nhỏ lẻ từ 50 triệu trở xuống cho các thành viên nghèo, cận nghèo cũng như đối tượng vừa thoát nghèo hoặc những doanh nghiệp siêu nhỏ. Như vậy, đối tượng của quỹ trợ vốn CCM sẽ gồm HTX và xã viên nghèo; thế nhưng HTX chưa hẳn là tổ chức siêu nhỏ để thuộc diện ưu tiên vay vốn như quy định. Vì vướng mắc này, CCM đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước nhưng cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. 
Cũng theo Quyết định 20, quy định trong vòng 2 năm kể từ ngày 1-8-2017 nếu chương trình, dự án tài chính nào hoạt động có đối tượng khách hàng thuộc diện tài chính vi mô nhưng không chuyển qua tổ chức tài chính vi mô thì buộc phải giảm quy mô vốn xuống dưới 75 tỷ đồng, dư nợ dưới 50 tỷ đồng. Theo quy định này, nếu CCM không chuyển đổi thành tổ chức tài chính thì phải giảm quy mô vốn. Thử hỏi, quy mô CCM đang ở mức 750 tỷ đồng nhưng giảm xuống còn 75 tỷ đồng thì số tiền còn lại CCM sẽ phải làm gì? Như vậy, mô hình HTX tạo vốn chính là yếu tố phù hợp, cần thiết trong bối cảnh hiện tại cho CCM.
Ông TRẦN HOÀNG AN, Giám đốc HTX Nông nghiệp Evergrowth (Sóc Trăng):
Gỡ rào cản quy định vốn đầu tư
HTX Evergrowth hiện có hơn 2.300 xã viên tham gia (chủ yếu thuộc 3 huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Châu Thành), trong đó khoảng 98% hộ xã viên là đồng bào Khmer. Tổng đàn bò sữa của xã viên HTX Evergrowth có khoảng 6.100 con, cung cấp trung bình 26 tấn sữa tươi/ngày, vào cao điểm cung cấp hơn 36 tấn sữa tươi/ngày nhưng thị trường vô cùng bấp bênh. 
Hiện tại, Evergrowth đủ khả năng thành lập công ty TNHH cung cấp thức ăn chăn nuôi cho bò sữa, theo hướng dẫn của Nghị định 193 hướng dẫn thi hành Luật HTX. Như vậy, Evergrowth đã đạt được bước đầu, chuẩn bị lên phương án chế biến sữa thì lại bị vướng luật. Cụ thể HTX được phép đầu tư nhưng không vượt quá 50% vốn điều lệ. Vốn điều lệ của Evergrowth hiện là 17 tỷ đồng nhưng chỉ khai thác được 7,5 tỷ đồng. Cụ thể, Evergrowth cần 40 tỷ đồng để đầu tư thì phải tăng vốn điều lệ lên trên 80 tỷ đồng mới đáp ứng quy định là điều bất khả thi. Các xã viên đều nghèo, huy động tiền không dễ dàng. Trước đây, người dân muốn tham gia trở thành xã viên HTX sẽ đóng 300.000 đồng, còn nay là 1 triệu đồng, phải đóng 6 lần tương ứng 6 tháng (do dân nghèo, không đủ tiền đóng 1 lần), nên làm sao huy động vài chục tỷ đồng được. 
Theo tôi, cách làm hữu hiệu và khả thi nhưng vẫn đảm bảo quy định HTX đầu tư không quá 50%, đó là thay vì quy định đầu tư không quá 50% vốn điều lệ thì luật nên “nới lỏng” bằng cách cho phép đầu tư không quá 50% trên tổng vốn, tổng tài sản HTX có được (từ vốn điều lệ cộng với vốn huy động nhà xưởng, tài sản khác…). Giới hạn về vốn đầu tư đang “ngáng chân” HTX; vì vậy, nếu gỡ được nút thắt này sẽ thúc đẩy HTX phát triển. 
Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ tích cực hỗ trợ HTX
Trước những kiến nghị của các HTX liên quan đến hàng loạt vướng mắc trong Luật HTX 2012, ông Phùng Quốc Chí, Phó Cục trưởng Cục phát triển HTX thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ KH-ĐT), khẳng định với phóng viên Báo SGGP, bộ luôn đồng hành, sát cánh cùng bà con xã viên phát triển kinh tế. Bộ KH-ĐT sẽ xem xét từng ý kiến, đề xuất chi tiết của các HTX để đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét và mong sớm ra nghị quyết gỡ những vướng mắc nêu trên. 
Trong 3 năm (từ 2013 đến cuối 2016), cả nước có 5.641 HTX thành lập mới, riêng năm 2016 có 2.030 HTX thành lập mới, tăng gần gấp đôi so với thời điểm năm 2013. Đông Bắc, Bắc Trung bộ là 2 vùng có số lượng HTX thành lập mới nhiều nhất của cả nước, chiếm khoảng 55%.