Tập trung đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

|

Trong những tháng đầu năm 2017, hàng loạt doanh nghiệp tham gia các chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM đã khánh thành nhà xưởng mới, hoặc thực hiện các chương trình ký kết hợp tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị, nâng sức cạnh tranh cho hàng nông sản. 

Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood (gọi tắt là NutiFood) vừa ký kết hợp tác với UBND tỉnh Đắk Lắk đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời ký kết trở thành cổ đông chiến lược duy nhất của Công ty Cà phê Phước An, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk. Tổng vốn đầu tư của NutiFood vào tỉnh Đắk Lắk hơn 1.000 tỷ đồng. 
Theo đó, 2 bên cùng thống nhất các nội dung về phát triển ngành cà phê, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với chủ trương, chính sách của nhà nước, qua đó hỗ trợ tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân. Cụ thể,  NutiFood sẽ đầu tư, ứng dụng công nghệ cao để khép kín quy trình từ cây giống, trồng trọt, thu hoạch, đầu tư nhà máy chế biến, xây dựng thương hiệu để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê ra nước ngoài. 
Tỉnh Đắk Lắk và NutiFood cũng thống nhất tiến hành khảo sát để phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa giống cao sản tại Đắk Lắk. 
Người tiêu dùng chọn mua rau organic tại Co.opmart. Ảnh: CAO THĂNG
Cùng với việc hợp tác đầu tư, NutiFood cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược duy nhất của Công ty Cà phê Phước An - DN đầu tiên của tỉnh này thực hiện thí điểm cổ phần hóa. Trong đó, NutiFood đã mua 25% cổ phần của Phước An và trong tương lai sẽ tiếp tục tham gia các phiên đấu giá để nâng tỷ lệ vốn sở hữu của NutiFood lên 51%. 
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood, 1.000 tỷ đồng chỉ là số vốn ban đầu khi đầu tư vào Đắk Lắk, nếu thuận lợi thì NutiFood sẽ tiếp tục nâng tổng vốn, nhưng trong định hướng, công ty sẽ tập trung nhiều hơn cho việc phát triển tổng đàn bò sữa cao sản để nâng sản lượng sữa tươi cung ứng cho thị trường trong nước. Đối với cà phê, NutiFood sẽ cùng Phước An đầu tư để phát triển mảng xuất khẩu ra thế giới. 
Trước đó, ngày 15-4, Công ty TNHH Ba Huân đã khánh thành Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Nhà máy có quy mô 2ha, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, công suất xử lý 65.000 trứng/giờ.
Tại đây, công ty đã nhập thiết bị xử lý trứng tự động hóa 100% của hãng Moba (Hà Lan), hãng đứng đầu thế giới về các thiết bị xử lý trứng gia cầm qua công đoạn: rửa trứng, sấy khô, chiếu tia UV diệt khuẩn, soi tìm trứng hư, tráng lớp dầu bảo vệ giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào trong trứng; đồng thời in nhãn hiệu và ký hiệu để truy xuất nguồn gốc từng quả trứng (khi cần), cân trọng lượng và đóng hộp thành phẩm.

Xây dựng “lối sống hữu cơ”

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ, diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ trong 5 năm (từ 2010-2015) đã tăng gấp 3,6 lần, từ 19.000ha lên 76.000ha, tập trung tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Lâm Đồng, Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu… Số lượng DN tham gia sản xuất thực phẩm hữu cơ cũng gia tăng, không chỉ mở rộng sản xuất mà còn chuyển sang phát triển chuỗi cửa hàng chuyên doanh. Sản phẩm hữu cơ vừa tiêu thụ trong nước, vừa xuất khẩu sang nhiều thị trường như Nhật Bản, Anh, Đức, Mỹ…
Tuy thị trường thực phẩm hữu cơ được xác định là đầy tiềm năng nhưng lại gặp khó khăn trong việc xây dựng “lối sống hữu cơ” nhằm tạo niềm tin và khả năng thu hút của người tiêu dùng. Nguyên nhân chính do đến nay các đơn vị kinh doanh các sản phẩm hữu cơ đều không có những sản phẩm được chứng nhận chất lượng từ các tổ chức uy tín quốc tế, hoặc có nhưng sản lượng rất hạn chế. Mặt khác, người dân chưa nhận thức rõ ràng về thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch. Giá của sản phẩm hữu cơ cũng cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường, trong bối cảnh chưa rõ ràng nên người tiêu dùng còn e ngại khi sử dụng. 
Theo các chuyên gia, để giải quyết những vướng mắc trên, cần có sự vào cuộc nhiều hơn của các DN, các tổ chức có uy tín cũng như các cơ quan truyền thông quảng bá để sớm hình thành “lối sống hữu cơ”. Đây cũng cách để loại bỏ dần thực phẩm bẩn, kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. 
Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết việc đầu tư ra miền Bắc xuất phát từ yêu cầu của các đối tác có nhu cầu sử dụng trứng sạch ngày càng cao; đặc biệt là các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể. Cách làm này cũng phù hợp với định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch của chính quyền TP Hà Nội, vì tại miền Bắc chưa có các nhà máy được đầu tư quy mô lớn. 
Hiện Công ty TNHH Ba Huân đã hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, bao gồm: Trang trại chăn nuôi gà lấy trứng công nghệ cao, quy mô 18ha với tổng đàn 1 triệu con; Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ tại Tân Uyên - Bình Dương; Nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2ha, công suất 185.000 trứng/giờ tại Bình Chánh - TPHCM; Nhà máy chế biến thực phẩm quy mô 5ha, tổng công suất 50 tấn/ngày tại Đức Hòa - Long An; Trang trại chăn nuôi gà lấy thịt công nghệ cao, quy mô 30ha, tổng đàn 3 triệu con tại Long An.
Cùng với việc đầu tư phát triển vùng sản xuất đối với các mặt hàng đạt chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc, mới đây Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) vừa ký kết phát triển chuỗi sản phẩm hữu cơ với các đối tác trong nước và nước ngoài, đồng thời ra mắt thương hiệu Co.op Organic. Đây cũng là một trong những nhóm giải pháp trong chiến lược phát triển hàng hóa của Saigon Co.op từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. 
Theo Saigon Co.op, trong giai đoạn đầu phát triển dự án, sẽ có 4 nhóm thực phẩm hữu cơ (còn gọi là thực phẩm organic) mang thương hiệu Co.op Organic đạt tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu được đưa ra thị trường, gồm hai loại gạo Jasmine, Japonica; dưa leo, bí đao, cà chua, cải ngọt, cải xanh, rau muống, phi lê cá basa và tôm sú… 4 nhóm thực phẩm này đã được bán tại 7 siêu thị của Saigon Co.op, gồm các Co.opmart Lý Thường Kiệt, Cống Quỳnh, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Đình Chiểu, Phú Mỹ Hưng và Co.opXtra Tân Phong (bên trong Khu phức hợp SC VivoCity TPHCM). 
Giá bán các loại rau organic của Saigon Co.op dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Cụ thể, rau muống, mồng tơi, rau dền, rau lang đồng giá 60.000 đồng/kg, gạo Japinica 60.000 đồng/kg, gạo Jasmine 50.000 đồng/kg, cá basa không đầu 144.000 đồng/kg, tôm thẻ 352.000 đồng/kg, tôm sú từ 376.000 - 452.000 đồng/kg, tùy kích cỡ (size). Các sản phẩm trên được canh tác với diện tích 300ha, không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không thành phần biến đổi gen.
Với việc đầu tư bài bản, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường sẵn sàng bước vào cạnh tranh với các đối tác trong và ngoài nước.