Theo Sở Công thương TPHCM, sau 4 tháng triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo (gọi tắt là đề án) đã đạt được những kết quả ban đầu. Đó là 100% sản lượng thịt heo bán tại các hệ thống phân phối hiện đại đã thực hiện tốt việc truy xuất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện đề án như tình trạng miễn cưỡng, đối phó; công tác triển khai tại hệ thống các chợ truyền thống chưa như mong muốn.
Chỉ 123 cơ sở chăn nuôi thực hiện đeo vòng truy xuất
Theo Sở Công thương, tính đến cuối tháng 4-2017, đã có 1.131 cơ sở chăn nuôi tại 8 tỉnh, thành khu vực phía Nam đăng ký tham gia đề án; trong đó, nhiều nhất ở Đồng Nai với 424 cơ sở, Bình Dương 211 cơ sở, TPHCM 42 cơ sở... Tuy nhiên, số lượng cơ sở thực hiện đeo vòng nhận diện thấp hơn rất nhiều so với số đăng ký. Cụ thể, chỉ có 123 cơ sở thực hiện đeo vòng truy xuất nguồn gốc, chiếm tỷ lệ 11%, trong đó có 31 trang trại thuộc các doanh nghiệp (DN) FDI; 49 cơ sở là trang trại chăn nuôi thuộc các tổng công ty, DN, chủ trang trại; 43 hộ chăn nuôi, tổ hợp chăn nuôi.
Trích xuất nguồn gốc thịt heo ngay tại quầy qua điện thoại . Ảnh: THÀNH TRÍ
Đối với cơ sở giết mổ tham gia đề án, có 25 cơ sở tại TPHCM và 3 địa phương (Đồng Nai, Bình Dương, Long An); trong đó TPHCM có 10 cơ sở, Đồng Nai 8 cơ sở… Trong số này, chỉ 10/25 cơ sở giết mổ có kiểm soát, kích hoạt khai báo thông tin nguồn gốc thịt heo.
Số lượng heo đeo vòng do cơ sở chăn nuôi thực hiện đạt 69%, phần còn lại 31% do thương lái thực hiện. Tính chung, đến hết tháng 4-2017, đã có 297.331 con heo được đeo vòng nhận diện đưa vào các cơ sở giết mổ nhưng chỉ có 150.387 heo mảnh (tương ứng 300.774 mảnh heo) được kích hoạt khi xuất ra khỏi cơ sở giết mổ và có vòng niêm phong xe. Như vậy, vẫn còn 146.944 (chiếm tới 49%) con heo khi xuất ra khỏi cơ sở giết mổ không được tiếp tục kích hoạt cập nhập thông tin truy xuất. Thực tế này cho thấy, dù đề án mới được triển khai, song đã xuất hiện tình trạng một số đơn vị tham gia chỉ thực hiện đeo vòng nhận diện để đối phó.
Riêng tại 2 chợ đầu mối là Hóc Môn và Bình Điền, mỗi ngày có khoảng 7.000 con heo tiêu thụ, trong đó chỉ khoảng 3.700 con được kích hoạt thông tin. Trong số đó có 1.400 con heo (chiếm 38%) do các cơ sở chăn nuôi kích hoạt, còn lại 2.300 con heo (62%) do thương lái kích hoạt, cung cấp thông tin. Trưởng phòng Quản lý chất lượng chợ đầu mối Bình Điền Nguyễn Chí Thành cho rằng, nguyên nhân khiến việc thực hiện đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo còn thấp là do thương lái mua heo từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khoảng 80% số heo này chở về chợ Bình Điền là từ tỉnh Long An. Những hộ ở vùng sâu, vùng xa, không có internet hay 3G để kích hoạt các công cụ nhận diện truy xuất nguồn gốc heo.
Kết quả chưa như mong muốn
Bên cạnh việc triển khai đeo vòng nhận diện tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, ban quản lý đề án cũng đồng thời triển khai tại các điểm bán, thông qua việc dán tem truy xuất. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, sau thời gian tích cực chuẩn bị, sở đã triển khai tại 777 cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống phân phối hiện đại ở TPHCM (gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh thực phẩm…). Đến nay, hệ thống này đã vận hành tốt. Người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc thịt heo với đầy đủ thông tin tất cả các chủ thể liên quan đến quá trình nuôi và kinh doanh thịt heo, bao gồm cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nhà sản xuất/phân phối sỉ và điểm bán lẻ. Trung bình mỗi ngày tiêu thụ 1.300 con heo và 100% số heo này được kích hoạt cung cấp thông tin đầy đủ.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM sớm tham mưu cho UBND TP triển khai tem truy xuất nguồn gốc, chú ý tránh trường hợp tem bị lợi dụng mua bán tràn lan. Các chợ đầu mối lên kế hoạch chi tiết thực hiện đề án của TP, trong đó thực hiện lộ trình hạn chế dần việc đưa vào chợ thịt heo không có vòng nhận diện hoặc có vòng mà không có thông tin. Trong thời gian tới, ngoài truy xuất nguồn gốc thịt heo, cần mở rộng việc truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng thực phẩm như thịt và trứng gia cầm các loại. Theo đó, các sở ngành có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tập huấn cho bà con thương lái, đồng thời phối hợp tốt với các địa phương khác trong việc thực hiện đề án. Việc triển khai đề án không chỉ đảm bảo cho người dân được sử dụng nguồn thịt sạch, mà còn là cơ sở để từng bước hướng đến văn minh thương mại.
Để mở rộng và tăng số lượng điểm bán có truy xuất nguồn gốc thịt heo phục vụ người tiêu dùng, Sở Công thương tiếp tục triển khai đề án tại 44 cơ sở kinh doanh ở các tỉnh miền Đông - Tây Nam bộ, gồm hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi Co.opmart, Co.opfood, Satrafood, Aeon Citimart, Aeon Mall Việt Nam, Auchan, Vissan.
Từ kết quả đạt được tại hệ thống phân phối hiện đại, gần đây Sở Công thương tiếp tục triển khai khai thử nghiệm tại 146 gian hàng kinh doanh thịt của Công ty Vissan ở 23 chợ truyền thống tại TPHCM. Đánh giá chung kết quả sau 4 tháng thực hiện, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết tại các kênh phân phối hiện đại tương đối thuận lợi và đạt hiệu quả cao, do hoạt động chăn nuôi, giết mổ và cung cấp thịt heo vào hệ thống đã được chuẩn hóa; đơn vị tham gia là những DN lớn, có uy tín, thương hiệu, thực hiện bài bản, đầy đủ và chuyên nghiệp các quy trình của đề án. Tuy nhiên, cũng do yếu tố này, người tiêu dùng khi mua sắm tại hệ thống thường yên tâm, tin tưởng nên ít có nhu cầu kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, do đó số lượng tem truy xuất sử dụng vẫn còn thấp.
Tại hệ thống phân phối truyền thống, việc triển khai đề án gặp nhiều khó khăn hơn do số đối tượng tham gia hoạt động chăn nuôi, thu mua, giết mổ, phân phối heo và thịt heo rất đông đảo, nhưng đa số là hộ gia đình, tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ. Đó là chưa kể các thương lái không đăng ký kinh doanh, mua bán tự phát, không bị ràng buộc phải tuân thủ các quy trình quản lý chặt chẽ như hệ thống phân phối hiện đại nên thiếu hợp tác, không tích cực đăng ký tham gia. Hầu hết đều có tâm lý chờ đợi, chỉ khi Nhà nước có biện pháp chế tài mạnh, gây ảnh hưởng cụ thể đến việc kinh doanh thì mới thực hiện.
Do vậy, tại các chợ đầu mối, ban quản lý đề án trước mắt phải áp dụng giải pháp thông qua thương lái thực hiện đeo vòng nhận diện để làm cầu nối hướng dẫn và yêu cầu các hộ chăn nuôi đăng ký tham gia đề án. Còn tại các chợ lẻ, đề án phải sử dụng lực lượng các gian hàng của Vissan làm nòng cốt cho tiểu thương và người tiêu dùng làm quen với quy trình truy xuất nguồn gốc, từ đó nhân rộng mô hình.
Tại cuộc sơ kết 4 tháng triển khai đề án tổ chức ngày 5-5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá, dù các sở, ngành chức năng có nhiều nỗ lực thực hiện nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Việc quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm là việc cần làm nhưng lại không dễ triển khai do liên quan đến rất nhiều chủ thể, từ cơ sở chăn nuôi, giết mổ, đến ngành thú y, thương nhân bán sỉ và cả những tiểu thương bán lẻ. Vì vậy, cần có sự kiên trì thực hiện cùng với các giải pháp đồng bộ, có lộ trình, mục tiêu cụ thể mới có được kết quả tốt hơn.