Có những văn bản hướng dẫn ban hành chậm hơn 35 tháng

|

Năm 2023, có 32 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong đó, văn bản chậm nhất là 35 tháng 24 ngày, một số văn bản chậm từ 22 đến 25 tháng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội năm 2023 vừa được Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tại phiên họp chiều 22-4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Theo báo cáo, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan của Quốc hội năm 2023 đã thực hiện theo đúng quy định. Trên cơ sở kết quả giám sát, các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức làm việc với đại diện các cơ quan ban hành văn bản để trao đổi, đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục việc chậm ban hành, chưa quy định đầy đủ nội dung được giao quy định chi tiết; biện pháp xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.

Quang cảnh phiên họp

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giám sát của một số cơ quan vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, chủ động, kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục những thiếu sót, sai phạm trong việc ban hành văn bản và báo cáo kết quả xử lý văn bản đến UBTVQH theo quy định; thời gian gửi báo cáo còn chậm...

Nêu rõ kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát trong các báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật, ông Bùi Văn Cường cho biết, năm 2022, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành đã ban hành thêm được 15 văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng từ năm trước; sửa đổi, bổ sung 6 văn bản để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, vẫn còn 33 nội dung quy định chi tiết thi hành của 9 luật, 1 pháp lệnh chưa được ban hành và 5 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung không bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung; chưa bãi bỏ hoặc ban hành văn bản thay thế 11 văn bản đã hết hiệu lực.

Năm 2023, về cơ bản, nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đều bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội phát hiện 6 văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật và 7 văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hoặc còn những vướng mắc, bất cập, có thể tạo ra kẽ hở trong công tác quản lý cần được rà soát, hoàn thiện. Có văn bản còn nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, chưa có sự thống nhất giữa các văn bản luật, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

Các thành viên UBTVQH dự họp chiều 22-4

Đáng lưu ý, vẫn còn nhiều văn bản quy định chi tiết được ban hành chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Cụ thể, trong số 325 văn bản được giám sát, có 32 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong đó, văn bản chậm ít nhất là 14 ngày, văn bản chậm nhiều nhất là 35 tháng 24 ngày, một số văn bản chậm từ 22 đến 25 tháng.

Ngoài ra, có 83 điều, khoản thuộc 24 luật, 1 pháp lệnh, 5 nghị quyết giao quy định chi tiết nhưng chưa ban hành văn bản. Danh sách các cơ quan chậm ban hành gồm: Chính phủ: 24 điều, khoản của 10 luật; Thủ tướng Chính phủ: 2 điều, khoản của 2 luật; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: 12 điều, khoản của 2 luật; Tòa án nhân dân tối cao: 10 điều, khoản của 3 luật, pháp lệnh; Bộ Y tế: 12 điều, khoản của 4 luật; Bộ Xây dựng: 9 điều, khoản của 2 luật; Thanh tra Chính phủ: 8 điều, khoản của 1 luật; Ủy ban Dân tộc: 8 điều, khoản của 1 luật; Văn phòng Chính phủ: 8 điều, khoản của 1 luật; Bộ LĐTB-XH: 7 điều, khoản của 3 luật; Bộ Ngoại giao: 7 điều, khoản của 2 luật; Bộ TT-TT: 4 điều, khoản của 4 luật; Bộ Công thương: 2 điều, khoản của 2 luật…