TP Thủ Đức: Hoàn thiện 15 phòng, ban chuyên môn và 1 trung tâm hành chính

|

Căn cứ Nghị quyết 98 của Quốc hội, kỳ họp lần thứ 11 HĐND TPHCM vừa thông qua nghị quyết về cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ các tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức. Liên quan đến vấn đề này, PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng.

Cơ cấu lại, lập thêm nhiều cơ quan chuyên môn

- Phóng viên: Từ Nghị quyết 98 của Quốc hội, bộ máy chính quyền TP Thủ Đức dự kiến sẽ có những điều chỉnh, thay đổi gì?

* Ông HOÀNG TÙNG, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức: Ngay sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, TP Thủ Đức đã triển khai ngay nhiều nội dung. Trong đó, TP Thủ Đức đã được TPHCM thí điểm thành lập Trung tâm An sinh xã hội, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật và Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư. Đến nay, chúng tôi đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo của 3 trung tâm. Bên cạnh đó, HĐND TP Thủ Đức cũng tổ chức lại chức năng, nhiệm vụ của các ban trực thuộc và thành lập Ban Đô thị theo cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 98.

Đặc biệt, TP Thủ Đức vừa được HĐND TPHCM thông qua nghị quyết về cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ các tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức. Chúng tôi tin tưởng, với việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, TP Thủ Đức sẽ có nhiều đột phá trong thực hiện Nghị quyết 98, để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng. Ảnh: VIỆT DŨNG

- Cụ thể bộ máy sẽ được thay đổi ra sao, thưa ông?

* Ngoài thí điểm thành lập 3 trung tâm như đã nói, về tổ chức hành chính, TP Thủ Đức giữ nguyên mô hình tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của 8 cơ quan chuyên môn. Đó là: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Nội vụ; Phòng Tư pháp; Thanh tra; Phòng LĐ-TBXH; Phòng GD-ĐT; Phòng Y tế; Phòng TN-MT.

Có 5 cơ quan chuyên môn sẽ được tổ chức lại và đổi tên do chuyển chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên môn. Các cơ quan này sẽ có tên là: Phòng Tài chính; Phòng Kinh tế - Kế hoạch và Đầu tư; Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Phòng Khoa học - Công nghệ và Thông tin; Phòng Quy hoạch - Xây dựng. TP Thủ Đức cũng sẽ thành lập 3 tổ chức hành chính mới là Phòng Giao thông công chính, Thanh tra Xây dựng, Trung tâm Hành chính công.

TP Thủ Đức trao quyết định cán bộ cho các vị trí chủ chốt tại 3 trung tâm mới thành lập

Về tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập, UBND TP Thủ Đức dự kiến giữ nguyên mô hình tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Đồng thời, thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất trên cơ sở tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức; sáp nhập Trung tâm Văn hóa với Trung tâm Thể dục thể thao thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Thủ Đức.

Thời gian tới, căn cứ Nghị quyết 98, TP Thủ Đức sẽ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các phòng ban chuyên môn và UBND 34 phường để thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền. Việc này nhằm tăng tính chủ động cho các đơn vị và tăng thêm đầu mối giải quyết công việc, hạn chế tình trạng mọi việc đều dồn về UBND TP Thủ Đức như hiện nay, để góp phần đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính”. Ông HOÀNG TÙNG, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức

Một đầu mối để giải quyết thủ tục hành chính

- Việc thành lập 3 tổ chức hành chính mới có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của TP Thủ Đức cũng như trong phục vụ người dân, doanh nghiệp?

* Việc sắp xếp lại chức năng của các cơ quan chuyên môn của TP Thủ Đức không nằm ngoài mục tiêu giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện để phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho TP Thủ Đức. Và việc làm trên cũng nhằm thực hiện hiệu quả những điểm mới trong Nghị quyết 98 để phát triển TP Thủ Đức.

Trong đó, Trung tâm Hành chính công sẽ là đầu mối tập trung giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp tại TP Thủ Đức. Trung tâm Hành chính công sẽ tiếp nhận và đồng thời trực tiếp thụ lý hồ sơ, trả kết quả cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó, sẽ đẩy nhanh tốc độ xử lý thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đô thị.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính tại TP Thủ Đức. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đối với Thanh tra Xây dựng, đây là mô hình hợp nhất giữa thanh tra địa bàn (thuộc Sở Xây dựng) và Đội Trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị (thuộc UBND TP Thủ Đức). Đây sẽ là đơn vị mới, là đầu mối duy nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước toàn diện về trật tự đô thị, trật tự xây dựng cũng như giao thông trên địa bàn. Ưu điểm lớn nhất là khắc phục được tình trạng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các đơn vị như trước đây để tăng hiệu lực quản lý nhà nước trong duy trì trật tự xây dựng, trật tự đô thị.

Còn Phòng Giao thông công chính được thành lập trên cơ sở tách ra từ Phòng Quản lý đô thị. Phòng này sẽ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông vận tải, công chính cũng như các vấn đề liên quan đến hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn. Phòng sẽ cùng Trung tâm Phát triển hạ tầng mới được thành lập trở thành bộ đôi quan trọng trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật.

Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ là đơn vị chuyên nghiệp, minh bạch trong công tác cung cấp, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn nhất. Nhân sự của trung tâm được cơ cấu từ các phòng, ban chuyên môn của TP Thủ Đức. Trước mắt, TP Thủ Đức sẽ có thay đổi về bộ máy tổ chức và phương pháp làm việc, trong đó yêu cầu phải chuyên nghiệp hóa và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để quản trị và cung cấp thủ tục hành chính cho người dân.

- Còn việc tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức để thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất là nhằm giải quyết, tạo điều kiện hoàn thiện, phát triển hạ tầng ở địa phương ra sao, thưa ông?

* Trung tâm Phát triển quỹ đất được thành lập trên nền tảng của Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức. Đây là đơn vị rất quan trọng, bởi trong những năm tới, nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Thủ Đức rất nặng nề. Để phát triển thành phố, việc đầu tiên phải phát triển hệ thống giao thông. Do đó, ngoài nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ đảm đương thêm vai trò tạo quỹ đất sạch để đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, từ đó tạo ra nguồn lực để quay trở lại đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại TP Thủ Đức.

Hạ tầng tại TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

- Nhưng TP Thủ Đức nói riêng và TPHCM nói chung đang thực hiện tinh giản biên chế theo Đề án 591/ĐA-CP của Chính phủ, thì việc thành lập thêm một số cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập có làm bộ máy tăng thêm?

* TP Thủ Đức đã tính toán rất kỹ lưỡng vấn đề này. Dù thành lập thêm một số đơn vị hành chính nhưng số lượng biên chế thay đổi không đáng kể. TP Thủ Đức sẽ sử dụng, điều động biên chế hiện có. Ngoài ra, một số bộ phận sẽ được tăng cường nhân sự từ TPHCM để thực hiện các nhiệm vụ được UBND TPHCM giao theo Nghị quyết 98.

- Tổ chức hành chính ở TP Thủ Đức:

+ Tiếp tục giữ nguyên mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của 8 cơ quan chuyên môn: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Nội vụ; Phòng Tư pháp; Thanh tra; Phòng LĐ-TBXH; Phòng GD-ĐT; Phòng Y tế; Phòng TN-MT.

+ Sẽ tổ chức lại, đổi tên 5 cơ quan chuyên môn, với tên mới là: Phòng Tài chính; Phòng Kinh tế - Kế hoạch và Đầu tư; Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Phòng Khoa học - Công nghệ và Thông tin; Phòng Quy hoạch - Xây dựng.

+ Sẽ thành lập 3 cơ quan mới là Phòng Giao thông công chính, Thanh tra Xây dựng, Trung tâm Hành chính công.

- Đơn vị sự nghiệp công lập:

+ Đã thí điểm thành lập Trung tâm An sinh xã hội, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật và Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư.

+ Dự kiến tiếp tục giữ nguyên mô hình tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.

+ Sẽ thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất trên cơ sở tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức

+ Sáp nhập Trung tâm Văn hóa với Trung tâm Thể dục thể thao thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao.