Cảnh báo, nhắc nhở giúp cán bộ tránh khuyết điểm, sai phạm

|

Thời gian qua, nhiều cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao vướng vào lao lý là do không thường xuyên được cảnh báo, nhắc nhở nên đã không nhận diện ra nguy cơ, dẫn đến mắc sai lầm, khuyết điểm. Mặt khác, có vi phạm từ nhiệm kỳ trước nhưng không được phát hiện, xử lý từ sớm để thành sai phạm lớn… Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Văn Giang (ảnh), nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành lãnh 11 năm tù do nhận hối lộ

“Vỗ vai” để nhắc nhở, cảnh tỉnh

PHÓNG VIÊN: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm, thậm chí tham nhũng, tiêu cực, theo ông, đâu là nguyên nhân chủ quan?

*PGS-TS NGUYỄN VĂN GIANG: Trong vụ việc ở tỉnh Đồng Nai, cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhận hối lộ rồi tác động cho doanh nghiệp trúng thầu xây Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 148 tỷ đồng, xảy ra từ nhiều năm trước. Hay như ở Bình Dương, liên quan đến các lô đất của nhà nước không được phép chuyển nhượng và vi phạm, diễn ra từ năm 2006 nhưng mãi đến năm 2012, 2014, 2016 mới phát hiện.

PGS-TS NGUYỄN VĂN GIANG

Khi đó, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương nhận được những thông tin chính thức và tiến hành kiểm tra mới phát hiện. Từ những vụ việc cụ thể đó cho thấy, cơ chế kiểm soát quyền lực trong nội bộ Tỉnh ủy chưa chặt chẽ, minh bạch.

Nội bộ Tỉnh ủy “không ai đủ khả năng” có thể kiểm tra, phát hiện, kể cả UBKT Tỉnh ủy, cho nên mới có những quyết định không đúng chủ trương vẫn được thông qua. Cụ thể như ở Bình Dương, chủ trương chuyển nhượng đất là của Bí thư Tỉnh ủy, trong khi cấp ủy (mà đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy) lãnh đạo, chỉ đạo, thì làm sao UBKT kiểm tra, phát hiện sai phạm được. Đó là nguyên nhân chủ quan.

Trên thực tế có khá nhiều sai phạm tương tự, vậy bài học kinh nghiệm cần rút ra là gì?

* Thực tế cho thấy, từ các trường hợp các cựu lãnh đạo Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Trần Văn Nam hay Đinh La Thăng và nhiều trường hợp khác, khi phát hiện để xử lý thì đã phạm tội rồi. Sai phạm nhỏ đã không được phát hiện, chấn chỉnh ngay từ đầu, dẫn đến hậu quả để lại rất lớn. Có đồng chí sau đó đứng trước tòa lại nói: “Nếu người lãnh đạo cấp trên và cơ quan kiểm tra của Đảng có kiểm tra, nhắc nhở sớm thì đâu đến nỗi như thế này” (?!). “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, song thực tế đó cho chúng ta nhiều bài học. Đó là về công tác cán bộ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và cả công tác kiểm tra, giám sát cũng như vấn đề kiểm soát quyền lực.

Nhớ lại khi đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, thỉnh thoảng đồng chí gọi lãnh đạo ban ngành, địa phương vào phòng làm việc riêng và vỗ vai nói: “Tôi nghe dư luận nói anh đang có chuyện này, chuyện kia, anh xem lại có đúng không. Nếu đúng thì chủ động xử lý đi”. Câu chuyện người đứng đầu cơ quan tổ chức của Đảng trước đây đã có phương cách lãnh đạo, giám sát, quản lý cán bộ thuộc quyền mình, chủ động khi nghe dư luận đã gọi cán bộ liên quan đến vỗ vai, hỏi chuyện như thế, hiện nhiều nơi, nhiều người vẫn nhớ. Nhờ cách thân tình, chân thành của lãnh đạo cấp trên mà nhiều cán bộ đã dừng lại, tránh được sai phạm, khuyết điểm.

Kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa

Vậy, theo ông, những giải pháp cần thực hiện để khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo là gì?

* Trong công tác cán bộ phải có quy định về cơ chế cụ thể, nhất là trong cơ chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo. Trung ương đã có một số quy định mới, như người đứng đầu cấp ủy không được đưa ra ngay từ đầu các đề xuất, phương án của mình trong các cuộc họp của ban thường vụ, mà phải để ban thường vụ đưa ra bàn trước. Bởi khi người đứng đầu cấp ủy đưa ra phương án thì khả năng sẽ không ai dám ý kiến gì nữa. Hay quy định là người đứng đầu cấp ủy không được phép ký vào các dự án kinh tế, để tránh những tình huống đã xảy ra ở tỉnh Hà Giang, Ninh Bình, Khánh Hòa… Tóm lại là phải có quy định về cơ chế lãnh đạo, để bảo đảm phòng ngừa, không cho cán bộ lạm quyền.

Còn trong công tác kiểm tra của Đảng cần có những quy định gì để bảo đảm phát hiện từ sớm, từ xa khuyết điểm, sai phạm của lãnh đạo, thưa ông?

* Trước tiên, trong phương thức lãnh đạo của Đảng phải chú ý đến tính công khai và tạo điều kiện bảo vệ cán bộ làm đúng, phòng tránh cái sai. Muốn thế phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, nhắc nhở từ sớm đối với cán bộ. Đồng thời phải có cơ chế kiểm soát quyền lực thực sự, kiểm soát thật tốt. Làm được như vậy sẽ giúp bảo vệ cán bộ.

Đồng thời, cần kiểm tra thường xuyên, theo định kỳ 6 tháng hay 1 năm, thực hiện đồng bộ trên tất cả các cấp ủy Đảng. Thông qua đó, những điểm chưa đúng hay sai sót sẽ được nhắc nhở ngay. Có như vậy mới cảnh tỉnh sớm, để cán bộ tự dừng lại trước những sai phạm, khuyết điểm của mình.