Khắc phục sự trì trệ, đơn giản hóa thủ tục

|

Mục tiêu cao nhất của công tác cải cách hành chính (CCHC) là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN). Lãnh đạo TPHCM luôn coi sự hài lòng này là thước đo cho nỗ lực CCHC của từng cơ quan, đơn vị. Báo SGGP ghi nhận ý kiến, góp ý của một số người dân, DN cũng như kỳ vọng, mong muốn về công tác CCHC tại TPHCM.\r\n

Người dân đi làm thủ tục tại quận Bình Tân

- Bà NGUYỄN LÊ NGÂN, phường An Lạc, quận Bình Tân:

Cần cải thiện ứng dụng số mượt mà hơn

Là người từ địa phương khác đến TPHCM sinh sống và làm việc, đến nay tôi có hơn 5 năm ở quận Bình Tân - nơi có dân số đông và không ngừng gia tăng. Điều này đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về dân cư, giải quyết các thủ tục hành chính cần tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện để đáp ứng, giải quyết tốt hơn yêu cầu của người dân, DN.

Tôi cho rằng cần đẩy mạnh giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 và tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua các ứng dụng. Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng, áp dụng các ứng dụng này; và quận Bình Tân có ứng dụng “Bình Tân công dân số” rất tiện lợi cho người dân. Tuy nhiên, hầu hết các ứng dụng hiện nay chưa vận hành trơn tru trên thiết bị di động, thậm chí bị “treo máy” trong quá trình truy cập. Vì vậy, tôi mong các cơ quan chức năng tiếp tục cải thiện, nâng cấp các ứng dụng này để phục vụ người dân, DN tốt hơn.

- Ông STEVE BÙI, Chủ tịch Tập đoàn Delta E&C:

Cần đẩy mạnh số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính

Thời gian qua, TPHCM đã có nhiều tiến bộ trong CCHC. Rất nhiều thủ tục đã được giải quyết trực tuyến, người dân và DN làm thủ tục đã bớt gặp nhiêu khê, phiền hà so với trước đây. Tuy vậy, tôi cho rằng nhiều thủ tục cần rút ngắn hơn, thời gian trả lời DN cần nhanh hơn, nhất là thủ tục về thuế, bảo hiểm xã hội, đầu tư… Đặc biệt, tôi đề nghị TPHCM cần đẩy mạnh số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính, nhưng đồng thời phải chú trọng bảo mật thông tin của DN. Đối với DN, nhiều thông tin rất quan trọng, có thể tác động rất lớn đến hoạt động, đến kết quả sản xuất kinh doanh. Do vậy, cần tránh lộ lọt thông tin, tránh để thông tin lan tràn với những đánh giá không 
đúng về DN.
- Ông ĐINH VĨNH CƯỜNG, Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam và quốc tế (VIENC), Chủ tịch Tập đoàn 365Group:

Kiên quyết xóa bỏ nạn “chi phí không chính thức”

Năm 2022 bước vào phục hồi và phát triển kinh tế - là cơ hội để chứng minh nỗ lực, quyết tâm của chính quyền TPHCM trong công các CCHC, cải thiện môi trường đầu tư.

Tôi mong muốn TPHCM chú trọng cải cách thủ tục hành chính liên quan phục vụ công tác đầu tư của các tổ chức, DN. Trong đó, cần đảm bảo yêu cầu có thời hạn giải quyết thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ; xác định rõ tổ chức, cá nhân thực hiện chức trách trong xử lý hồ sơ; có sự tham gia đóng góp ý kiến của các tổ chức, DN; giám sát của cơ quan chính quyền, có chế tài xử lý vi phạm.

Hiện nay, “chi phí không chính thức” đang là rào cản, là “nút thắt” cản trở đối với dòng vốn đầu tư, tác động đến tâm tư, khát vọng, nguồn lực tham gia phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cần phải được xóa bỏ triệt để và nhanh chóng, nhằm khơi thông và phát huy tốt hơn các nguồn lực từ DN và người dân. Các DN rất mong muốn thành phố đẩy nhanh hơn nữa tiến độ CCHC, khắc phục sự trì trệ trong các cơ quan quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo nguyên tắc “một cửa”, “một dấu” một cách thực sự, tránh tình trạng “một cửa nhưng nhiều khóa”. Đặc biệt, cần đơn giản hóa thủ tục hải quan. Các quy định về thủ tục hải quan cần được sửa đổi và công bố công khai theo hướng đơn giản, tạo điều kiện cho các DN; biết tiếp thu, xử lý các ý kiến đóng góp hoặc khiếu nại của DN và khắc phục các hiện tượng phiền hà, tiêu cực.

- Ông TRẦN QUANG TUẤN, cán bộ hưu trí phường Bến Nghé, quận 1:

Cải thiện thu nhập cho cán bộ công chức
Quận 1 là địa bàn tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin vào CCHC, rất nhiều thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực đã được phục vụ trực tuyến mức độ 3, 4. Qua tìm hiểu, tôi biết quận 1 là địa phương không quá đông dân như một số nơi khác, nhưng có nhiều cơ quan, DN trú đóng nên lượng người có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại quận rất cao. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào CCHC chỉ là giải quyết phần nổi, vì chỉ giải quyết giảm bớt khâu tiếp dân, còn khâu giải quyết hồ sơ do cán bộ thực hiện vẫn rất nặng. Từ đó dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng, vẫn có những phiền hà nhất định.

Tôi cho rằng, ngoài việc ứng dụng công nghệ thông tin, cần cải cách ngay trong mỗi cán bộ, công chức. Để làm được điều đó thì phải có chế độ, chính sách phù hợp. Không thể cứ yêu cầu cán bộ phải tăng tốc, nỗ lực, làm thêm giờ… nhưng thu nhập lại không được cải thiện. “Trách nhiệm luôn song hành với quyền lợi”, đó là điều luôn phải đảm bảo để việc CCHC được đồng bộ từ phương tiện đến con người.