Tháo gỡ vướng mắc về chuyển đổi đất: Giá nhà có thể giảm 20%

|

Ngày 26-11, hơn 200 doanh nghiệp và các chuyên gia đã tham dự hội nghị đối thoại “Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan” do Bộ Xây dựng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức tại Hà Nội và 63 điểm cầu trên cả nước. Thông tin cuộc đối thoại cho thấy, nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đầu tư, xây dựng.\r\n

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, đã đưa ra một báo cáo khá toàn diện về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường sau khi khảo sát từ thực tế hoạt động của hơn 2.000 doanh nghiệp (DN) và phản hồi của hơn 10.000 DN đang hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Báo cáo đã chỉ ra 2 nhóm thủ tục gây khó khăn nhiều nhất cho DN là nhóm thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và nhóm thủ tục quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tỷ lệ DN gặp trở ngại với 2 nhóm thủ tục này lần lượt là 50% và 48%. 

Tiếp theo đó, tỷ lệ DN gặp khó khăn trong các nhóm thủ tục liên quan đến thẩm định, thẩm duyệt cũng ở mức cao, trên 40%. Bà Nguyễn Minh Thảo, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương, cho rằng, thời gian cấp phép xây dựng còn phiền hà. Hiện theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thủ tục cấp phép xây dựng (tính từ thủ tục phòng cháy chữa cháy đến cấp phép, không bao gồm quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, quy hoạch) tại Việt Nam là 166 ngày, dài gấp 2 - 3 lần so với các nước khu vực. 

Tại hội nghị, nhiều DN, chuyên gia cũng cho rằng, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng chưa được phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương. Còn có sự khác biệt giữa quy định và thực thi, trong khi tinh thần, thái độ hỗ trợ DN của cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước chưa tốt. Nhiều thủ tục giao dịch trực tuyến còn mang tính hình thức, chưa thực chất khi một số bộ ngành chỉ đưa thủ tục lên hệ thống dịch vụ công, không thực sự quan tâm việc triển khai trong thực tế. Một số DN cũng kiến nghị Bộ Xây dựng rút ngắn thời gian, thủ tục triển khai đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Hiện các thủ tục cho các dự án này kéo dài 2-5 năm, làm tăng chi phí và đội giá thành. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thị trường hầu như có rất ít dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ trong thời gian qua. Các cơ quan quản lý cũng nên thay nội dung miễn tiền sử dụng đất thành không thu tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở xã hội, vì để được miễn, cần có quy trình định giá, thẩm định, làm thủ tục rất phức tạp, kéo dài thời gian. Một thông tin cũng rất đáng chú ý là hiện cả nước có 400 dự án nhà ở, trong đó TPHCM đang có 174 dự án đang vướng mắc về quy định chuyển đổi từ đất khác sang đất xây dựng nhà ở. Nếu tháo gỡ được những khó khăn nêu trên, giá nhà ở có thể giảm tới 20% so với giá hiện hành.

Ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị, bên cạnh việc tập trung các nỗ lực cải cách vào các thủ tục nêu trên, cần xây dựng một bộ chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của việc thực hiện thủ tục hành chính đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường ở cấp tỉnh. Việc chỉ rõ địa phương nào DN gặp thuận lợi hay khó khăn sẽ giúp chính quyền địa phương có thông tin để lựa chọn các giải pháp cải cách phù hợp. Bộ chỉ số cũng giúp cho các DN, nhà đầu tư có thông tin hữu ích để dữ liệu cho quá trình thực hiện thủ tục tại mỗi địa phương, có thêm chỉ báo quan trọng trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư. 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của các DN và khẳng định, dư địa cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng còn rất lớn. Thời gian tới, Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đề xuất những giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn.