Bến Tre tiếp tục đứng đầu Bảng xếp hạng PAPI 2019

|

Nhóm có điểm số trung bình cao gồm 16 tỉnh, dải điểm từ 43,72 đến 44,72 điểm. TPHCM nằm trong nhóm này với 43,79 điểm, tăng hơn mức điểm 42,40 của năm 2018 nhờ tăng điểm ở 4 chỉ số. \r\n

Theo Bảng Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019 vừa được UNDP công bố trực tuyến trưa nay, 28-4, Bến Tre, Đồng Tháp và Quảng Ninh là 3 tỉnh đạt mức điểm tổng hợp cao nhất trên Bảng Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019 (đều có mức điểm trên 46,6 điểm). Không có tỉnh thành nào trong cả nước đạt điểm tối đa (80 điểm).

Trong nhóm điểm cao nhất có 16 tỉnh, thành phố, với dải điểm từ 44,80 đến 46,74 điểm. Trong đó, Bến Tre tiếp tục dẫn đầu với 46,74 điểm. Bến Tre có 7 chỉ số thành phần có điểm ở mức cao nhất, trừ chỉ số chính phủ điện tử có điểm trong nhóm thấp. Tuy nhiên, năm 2018, Bến Tre đạt 47,50 điểm, nghĩa là cao hơn năm liền trước 0,76 điểm. 

Nhóm điểm trung bình cao có 16 tỉnh, dải điểm từ 43,72 đến 44,72 điểm. TPHCM nằm trong nhóm này với 43,79 điểm, tăng hơn mức điểm 42,40 của năm 2018 nhờ tăng điểm ở 4 chỉ số.

Nhóm điểm trung bình thấp có 15 tỉnh, dải điểm từ 42,38 đến 43,70. Thái Bình có điểm cao nhất trong nhóm này.

Nhóm điểm thấp nhất là 16 tỉnh còn lại. Trong đó có Hà Nội với 42,53 điểm, Hải Phòng 41,54 điểm, Hưng Yên 41,25 điểm.

Hà Nội chỉ có 2 chỉ số là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và quản trị điện tử đạt được mức điểm trung bình cao; chỉ số cung cấp dịch vụ công đạt mức điểm trung bình thấp. Các chỉ số còn lại đều rơi vào mức điểm thấp, gồm: công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công và quản trị môi trường.

Thấp nhất trong bảng xếp hạng điểm tổng hợp là Bình Định với 40,84 điểm.

Các kết quả mang tính đại diện quốc gia về những vấn đề người dân quan ngại nhất, bao gồm đói nghèo và mất việc làm và đánh giá của người dân về những ưu tiên cải cách gần đây trong kiểm soát tham nhũng và quản trị điện tử cung cấp góc nhìn hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách khi Việt Nam bước sang giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19.

Trong PAPI 2019, cải thiện lớn nhất được ghi nhận ở lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (có tác động lớn nhất đến mức độ hài lòng của người dân) và nâng cao công khai, minh bạch trong ra quyết định.

Báo cáo PAPI 2019 cho thấy tác động rõ nét của chiến dịch phòng chống tham nhũng lên cảm nhận của người dân về tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Lĩnh vực này cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2019 ở cấp quốc gia và cấp xã phường – với tỷ lệ người dân cho biết tham nhũng giảm ở hai cấp này tăng 5% so với năm 2018.

Tuy điểm của chỉ số kiểm soát tham nhũng đã cải thiện, song các chuyên gia lưu ý vẫn còn tỷ lệ đáng kể (từ 20 đến 45%) người dân cảm nhận tham nhũng còn phổ biến trong một số dịch vụ công. Điều này cho thấy cần tăng cường nỗ lực kiểm soát tham nhũng trong những năm tới.

Trong khi đó, điểm số của lĩnh vực thủ tục hành chính công gần như không thay đổi và thậm chí đi xuống một chút trong năm 2019, dù khu vực doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện và nỗ lực đẩy mạnh quản trị điện tử những năm gần đây để đơn giản hóa thủ tục cho người dân.