Đi tìm văn hóa công sở và trách nhiệm công vụ - Bài 2: Dân vội nhưng “quan” còn… bận

|

Từ phản ánh của người dân về tinh thần trách nhiệm công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan hành chính Nhà nước có thái độ cửa quyền, hách dịch, gây phiền hà cho dân khi dân đến thực hiện các thủ tục hành chính. Chúng tôi đã đi thực tế và chứng kiến, tiếp nhận một số vụ việc mà người dân phản ánh.\r\n

Người dân ngao ngán ngồi chờ trước cửa trụ sở Công an xã Thới Tam Thôn để xác nhận hồ sơ cá nhân

“Chờ có 1 tiếng đồng hồ mà nhiều à!”

9 giờ 15 ngày 3-7, chúng tôi đến trụ sở Công an xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) thấy có gần chục người dân đang ngồi chờ phía trước. “Chị đợi làm giấy tờ gì?”, chúng tôi hỏi. Người phụ nữ trạc tuổi 40 đáp: “Xin giấy tạm trú cho cháu nhập học. Hôm qua đến rồi, nay đến nữa”. Người phụ nữ ngồi cạnh bên góp chuyện: “Làm công nhân, cực, lương chẳng bao nhiêu, nghỉ 1 ngày là mất 500.000 đồng tiền chuyên cần của cả tháng, cộng với 150.000 đồng tiền công ngày đi làm, coi như mất toi 650.000 đồng”. “Chị làm giấy tờ gì mà phải nghỉ 1 ngày?”. “Con bé nhà tôi làm thẻ căn cước, giờ chỉ xác nhận tạm trú, đóng mộc trên tấm hình mà chờ suốt từ sáng tới giờ. Mấy lần vào hỏi, trong chỗ có mấy cô ngồi đó, cứ nói cán bộ đang họp trên hội trường, chờ đấy đi”. Một phụ nữ khác nói về trường hợp của mình: “Tôi xin xác nhận tạm trú, lên ấp thì cán bộ nói gặp ông Khoa, công an khu vực. Gọi điện hỏi ông Khoa thì ổng nói không quản lý địa bàn nữa, gọi cho ông Phương đi. Rồi gọi ông Phương lại nói gặp ông Khoa, cứ “đá” qua “đá” lại, tôi đành lên công an xã hỏi, mà sáng giờ họ cứ nói bận với đang họp, chẳng ai tiếp, giải thích gì”. “Đi vào với tôi xem họ nói gì?”, chúng tôi nói. 

Hai người phụ nữ theo chúng tôi đi vào phía trong, nơi có 2 nữ công an viên đang ngồi tiếp nhận hồ sơ hành chính. “Cô ơi, nay công an xã đi đâu sao không có ai giải quyết hồ sơ, để dân chờ từ nãy giờ?”, chúng tôi hỏi. Người phụ nữ đi cùng nói thêm: “Em đưa lên cho anh Khoa ký giùm chị với, chị chờ hơn 1 tiếng rồi”. “Em không có đưa lên, bây giờ anh Khoa xuống đây ký thì ký. Mà chị chờ có 1 tiếng đồng hồ mà nhiều à”, một nữ công an viên đáp lại. “Ở ngoài kia còn nhiều người chờ lâu lắm rồi cô”, chúng tôi nói. Nữ công an viên đứng phắt dậy, gằn giọng: “Đâu, chỗ nào, ai kêu chờ lâu?”. Nói rồi, nữ công an viên này rời khỏi bàn làm việc, đi nhanh ra phía sau, nơi có gần 10 người dân đang ngồi chờ. Một tay chống nạnh, tay kia chỉ về phía người dân, nữ công an viên gằn giọng, nói: “Ai nói chờ lâu đâu? Có ai khiếu nại gì?”. Không ai dám lên tiếng trả lời. “Xin lỗi, cô tên gì?”, chúng tôi hỏi. Nữ công an viên không nói gì, quay ngoắt đi vào bàn làm việc của mình.

Câu chuyện trên xảy ra ngay tại trụ sở Công an xã Thới Tam Thôn, nhiều người dân chứng kiến hết sức bất bình trước thái độ hách dịch của nữ công an viên. Để làm rõ việc này, chúng tôi trở lại bàn tiếp nhận hồ sơ, trình tấm thẻ nhà báo, đề nghị làm rõ sự việc vừa xảy ra. Nữ công an viên này một mực phủ nhận không nghe tôi hỏi tên gì và từ nãy giờ cũng không nói gì với ai. Nữ công an viên này còn hỏi ngược lại tôi: “Chú đến đây có việc gì?”. “Tôi muốn làm rõ sự việc xảy ra nãy giờ”, tôi trả lời. Chỉ tay sang bàn bên cạnh có một nam công an viên đang ngồi, nữ công an viên này nói: “Đấy, trực ban ngồi kia, chú qua đó mà làm việc”. Khi chúng tôi đưa yêu cầu ra thì cán bộ trực ban này tỏ thái độ không tiếp. “Xin lỗi anh tên gì?”, chúng tôi hỏi. “Để làm gì? Muốn làm việc thì phải có giấy giới thiệu mới làm”, cán bộ trực ban đáp trả. 

Chậm sửa sai

Đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Lạc, Công ty TNHH Môi trường Thọ Nam Sang, đang ngồi chờ nhận quyết định giải quyết khiếu nại trong vụ việc cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của công ty xảy ra cuối tháng 3-2015. Bà Lạc bày xấp hồ sơ ra trình bày với chúng tôi vụ việc mà Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi đã có nhiều sai sót trong quá trình thi hành án vụ án dân sự về xử lý tài sản nợ vay ngân hàng. Theo hồ sơ, Công ty TNHH Môi trường Thọ Nam Sang dùng quyền sử dụng khu đất gần 6.000m2 tại xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) thế chấp một hợp đồng vay vốn ngân hàng. Thế nhưng, khi xử lý khoản nợ vay quá hạn này, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi lại ra quyết định thi hành án toàn bộ tài sản của công ty, gồm nhà xưởng, máy móc thiết bị, nguyên vật tư có giá trị khác (tài sản gắn liền với đất). Sau đó, ban hành các quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản, rồi ra thông báo bán đấu giá tài sản, tổ chức bán đấu giá phần tài sản này, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Bà Lạc khiếu nại các quyết định trên. Gần 2 năm sau, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi mới ban hành các quyết định thu hồi, bổ sung các quyết định thi hành án theo hướng chỉ cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất, trả lại toàn bộ tài sản gắn liền trên đất đã thi hành án sai đối với công ty. “Thiệt hại quá lớn cho công ty chúng tôi từ những quyết định sai trái này của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Củ Chi. Hơn 2 năm qua, công ty phải đóng cửa hoạt động, bản thân tôi đi gõ cửa, khiếu nại khắp nơi đến nay mới được giải quyết”, bà Lạc bức xúc nói. 

Một vụ việc khác tại Chi cục Thi hành án dân sự quận 12 mà chúng tôi tiếp nhận hồ sơ khiếu nại thời gian qua, cũng nói về sự chậm trễ của cơ quan này khi sửa sai các quyết định thi hành án gây thiệt hại cho người dân. Đó là vụ việc của ông Nguyễn Văn Chúc (ngụ phường Hiệp Thành, quận 12), bỗng dưng bị ngăn chặn chuyển dịch căn nhà và khu đất mà gia đình ông đang ở có giá trị hàng chục tỷ đồng. Theo hồ sơ, căn nhà và khu đất này ông Chúc đã đăng bộ, sang tên từ đầu tháng 7-2018, đến cuối tháng 9 thì Chi cục Thi hành án dân sự quận 12 ra quyết định ngăn chặn chuyển dịch để bảo đảm thi hành một bản án dân sự mà người chủ cũ đã bán cho ông đang phải chấp hành. Chỉ đến khi làm thủ tục tách thửa khu đất, ông Chúc mới tá hỏa biết được tài sản của mình đã bị đóng băng, không thể thực hiện giao dịch. Gần 1 năm sau, Chi cục Thi hành án dân sự quận 12 mới nhận ra sai sót của mình và ra các quyết định sửa sai, công nhận chủ quyền hợp pháp căn nhà cho ông Chúc.

Đó là 2 trong nhiều trường hợp liên quan đến trách nhiệm của cán bộ tư pháp khi thực thi công vụ đã không nắm vững luật pháp, ra các quyết định sai trái gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Điều đáng nói là, khi vụ việc phát sinh khiếu nại thì chính cơ quan ra các quyết định sai trái lại chậm trễ trong việc xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật, gây bức xúc cho người dân.

Về các vụ việc theo đơn thư tố cáo, trong quá trình đi thực tế thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp người dân tố cáo các hành vi xây dựng trái phép, cán bộ, công chức tiêu cực ở địa bàn huyện Hóc Môn. Đó là đơn tố cáo của bà Huỳnh Thị S. (ngụ xã Bà Điểm), tố cáo nhà đối diện với nhà bà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; ông Trần Công H. (ngụ xã Xuân Thới Đông) tố cáo nhiều căn nhà trong ấp xây dựng không phép, lấn chiếm cả một đoạn đường; bà Nguyễn Thị K. (ngụ xã Đông Thạnh) tố cáo cán bộ xã, ấp tiêu cực, không xử lý các trường hợp tự ý phân lô, tách thửa, xây dựng không phép… Đơn tố cáo của các hộ dân trên từ tháng 6-2018, nhưng tới nay chưa có cơ quan trách nhiệm nào xử lý và trả lời cho người dân được biết.

Dự án Trạm ép rác kín phường Tân Thới Nhất (quận 12) được triển khai trong khu quy hoạch tái định cư 38ha, ngay trước mặt tiền chung cư Tín Phong, nơi có hơn 500 hộ dân sinh sống. Người dân chỉ được biết dự án này khi đơn vị thi công đưa máy móc đến hiện trường, chuẩn bị khởi công công trình. Cấp ủy chi bộ khu phố và cư dân sinh sống trong chung cư liên tiếp có đơn thư phản ánh đến các cấp chính quyền, đề nghị xem lại dự án. Thay vì tổ chức đối thoại, cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân thì UBND quận 12 ra các văn bản khẳng định dự án được triển khai đúng quy hoạch, đúng quy trình, đúng thiết kế và không ảnh hưởng đến môi trường. Chỉ khi báo chí lên tiếng về những khuất tất của dự án này, UBND quận 12 mới tiến hành họp dân, nghe dân trình bày các kiến nghị và cuối cùng đã ra quyết định đình chỉ dự án. 

Câu chuyện trên cho thấy, nếu ngay từ đầu UBND quận 12 đối thoại, lắng nghe dân và có trách nhiệm xem xét những kiến nghị của dân thì đã không phải hủy bỏ một công trình trị giá hàng chục tỷ đồng từ vốn ngân sách của Nhà nước.

Đi tìm văn hóa công sở và trách nhiệm công vụ - Bài 3: Nở rộ dịch vụ hành chính… tư