Nâng cao trách nhiệm công vụ

|

Qua theo dõi loạt bài “Đi tìm văn hóa công sở và trách nhiệm công vụ” đăng trên báo SGGP những ngày qua, tôi xin nêu ra đây mấy vấn đề về trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước khi thực thi công vụ theo từng vị trí, chức trách nhiệm vụ được phân công.\r\n

Đổi mới hoạt động công vụ

Công luận nhìn nhận rằng, tiêu cực, thất thoát, sai phạm... phát hiện nhiều, nhất là thất thoát lãng phí, nhưng không chỉ ra được ai chịu trách nhiệm, địa chỉ chịu trách nhiệm. Điều này đúng.

Nguyên nhân là có thể còn nể nang, nơi này nơi kia còn dung túng chưa cương quyết, luật pháp chưa nghiêm minh, có sự can thiệp bao che từ nhiều phía...

Nhưng phải nhìn nhận một thực trạng, bộ máy hành chính của nước ta hiện nay còn chồng chéo về thẩm quyền, phân công phân nhiệm không rõ ràng giữa trên và dưới, giữa trung ương và địa phương, giữa ngành và cấp, giữa các cấp...

Tất cả những rối rắm này đều gây khó khăn cho việc xác định rõ pháp nhân, thể nhân (cán bộ, công chức) nào chịu trách nhiệm. Chế độ trách nhiệm không rõ ràng giữa cá nhân và tập thể cũng là một khó khăn không nhỏ khi quy trách nhiệm cho từng cá nhân, tổ chức. 

Để đổi mới hoạt động công vụ, củng cố và hoàn thiện nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, việc nâng cao trách nhiệm và chất lượng cán bộ, công chức cần chú trọng một số nội dung cơ bản.

Sân trước trụ sở UBND xã Bà Điểm huyện Hóc Môn như một bãi phế liệu, người dân phản ánh nhiều lần vẫn không thấy chấn chỉnh tình trạng nhếch nhác này. Ảnh: HOÀI NAM

Thứ nhất là hoàn thiện thể chế trên cơ sở phân định rõ chức năng quản lý, nâng cao chất lượng cơ chế, chính sách ban hành trong hoạt động quản lý, xác định rõ phân cấp quản lý với phối hợp hoạt động quản lý, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.

Thứ hai là xây dựng cơ chế, chính sách quản lý nhằm xác lập một hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, ổn định, minh bạch, khả thi, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế, hướng tới phân định với từng loại đối tượng quản lý, từ đó đưa ra cơ chế phân cấp quản lý phù hợp với từng vị trí cán bộ, công chức.

Thứ ba là nâng cao đạo đức công vụ gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính. Trong thời gian qua, các quy định của pháp luật về công chức, công vụ đều được xây dựng trên cơ sở những chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là công cụ hữu hiệu nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ tư là kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế đãi ngộ trong hoạt động công vụ.

Đảng ta đã xác định những yêu cầu đối với công tác xây dựng đội ngũ công chức, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước. 

Đột phá cải cách thủ tục hành chính

Trong 5 mục tiêu của Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 nhấn mạnh đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước.

Cải cách thủ tục hành chính là điều kiện cần thiết để tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, tăng cường sự tham gia quản lý nhà nước của nhân dân. Cải cách thủ tục hành chính được coi là khâu đột phá trong cải cách nền hành chính nhà nước, tạo sự chuyển động của toàn bộ hệ thống hành chính.

Một yêu cầu nữa của cải cách hành chính là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, hoàn thiện cơ chế giám sát đối với hoạt động của cán bộ, công chức.

Trong đó, cần đề cao công tác kiểm tra, đánh giá nội bộ của từng vị trí cán bộ, công chức nhằm không ngừng tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; đồng thời nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cần xây dựng quy chế, tổ chức theo dõi kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Tiếp tục sửa đổi quy chế đánh giá cán bộ, công chức theo hướng gắn với kết quả, hiệu quả công việc, thực hiện nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới, lắng nghe và tôn trọng, góp ý dân chủ tập thể.

Và sau cùng là có cơ chế để cho cộng đồng giám sát mọi hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức trong từng hoạt động công vụ, phát hiện tiêu cực, sai phạm là xử lý ngay, không chờ dưới góp, trên quyết như từ trước đến nay.

Đi tìm văn hóa công sở và trách nhiệm công vụ - Bài 2: Dân vội nhưng “quan” còn… bận

Đi tìm văn hóa công sở và trách nhiệm công vụ - Bài 1: Nhếch nhác công sở