Yêu cầu Trung Quốc thả ngay ngư dân và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa

|

Ngày 31-10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ tháng 10.

Tại họp báo, trả lời câu hỏi về quan điểm của Việt Nam trước việc Trung Quốc bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, đồng thời lắp đặt radar trên đảo Tri Tôn (cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và cần Trung Quốc tôn trọng điều này.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt

“Hoàng Sa là của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán với quần đảo Hoàng Sa. Điều này đã được chúng tôi nhắc lại nhiều lần. Việc lực lượng hải cảnh của Trung Quốc bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quyền hợp pháp, chính đáng và cơ bản của ngư dân Việt Nam”, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định; đồng thời, nhấn mạnh, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, thả ngay toàn bộ tàu cá và ngư dân của Việt Nam bị bắt giữ trái phép, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại; chấm dứt không để tái diễn các tình trạng bắt giữ trái phép các tàu cá của ngư dân Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa.

Về việc Trung Quốc triển khai lắp đặt các thiết bị quân sự tại đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định: “Việt Nam hết sức quan ngại về thông tin này và khẳng định việc này hoàn toàn xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.

Cũng tại họp báo, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời câu hỏi về tình hình bảo hộ công dân liên quan đến vụ giải cứu 14 phụ nữ Việt Nam bị bóc lột tại hai ổ mại dâm ở Malaysia và Philippines.

Theo đó, sau khi nhận thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại hai quốc gia nói trên đã làm việc với cơ quan sở tại và có phương án bảo hộ công dân Việt Nam. Hiện, Đại sứ quán Việt Nam đang phối hợp để xác minh thông tin và nhân thân của người liên quan, từ đó có thông tin phương án bảo hộ.

“Chúng tôi khuyến cáo công dân Việt Nam ra nước ngoài làm việc cần thông qua công ty có địa chỉ tin cậy, không nên tin việc nhẹ lương cao mà không có cơ sở”, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao khuyến cáo.

Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm khu vực Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tập trận ở Hoàng Sa

Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm khu vực Sinh Tồn Đông

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ, chấm dứt các chuyến du lịch ra Hoàng Sa

Yêu cầu Trung Quốc không tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa

Phản đối, yêu cầu Trung Quốc bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam