Nghề chọn người?
Sau khi tốt nghiệp đại học Khoa Vạn vật học, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) chàng thanh niên Bùi Công Hiển được giữ lại trường, đầu quân vào nhóm côn trùng thuộc bộ môn Động vật không xương sống. Trước đó, luận văn tốt nghiệp đại học của ông năm 1965 nghiên cứu về mọt gạo được đánh giá cao vì có tính ứng dụng và giá trị thực tiễn. Khi đi làm nghiên cứu sinh ở CHDC Đức, ông chọn hướng nghiên cứu về Sinh lý học côn trùng, một hướng nghiên cứu mới ít người quan tâm. Năm 1973, vừa tròn 30 tuổi, ông Bùi Công Hiển bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ tại Trường đại học Tổng hợp Humboldt, Berlin (CHDC Đức), nơi được mệnh danh là chiếc nôi của thiên tài. Một năm sau, ông đoạt giải thưởng Humboldt Preis...
Trở về vào đúng giai đoạn đất nước đối diện với muôn vàn khó khăn, ông vừa phải đảm nhiệm vai trò của người thầy truyền đạt tri thức, vừa phải gánh vác nhiệm vụ chuyên môn phục vụ cho cuộc sống lao động sản xuất thời bấy giờ. Vất vả nhọc nhằn cả một thời khốn khó, nhưng giờ đây khi nhìn lại, vị giáo sư già luôn thấy hạnh phúc bởi đó là chuỗi ngày đầy sôi động với đam mê sống làm việc cống hiến. Ông vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, đặc biệt là Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp khoa học công nghệ...
Cả một thời kỳ dài, dân ta vẫn lưu truyền câu "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm"; để biết nghề dạy học vất vả so với mặt bằng chung trong xã hội. Tuy nhiên, trót say mê nghiên cứu khoa học, dù cuộc sống thường nhật bộn bề khó khăn, GS Bùi Công Hiển vẫn không vì thế mà từ bỏ đam mê. Ông kể về những ngày sôi động: Từ nhu cầu xã hội nghiên cứu theo "đặt hàng", ông và cộng sự tổ chức các chuyến công tác về thực địa để nghiên cứu theo hướng ứng dụng như nhóm côn trùng gây hại (hại kho, phá hoại mùa màng), nhóm côn trùng có giá trị...
Trên chiếc xe đạp cọc cạch, dấu chân "ông giáo" Hiển từng in lại nhiều nơi, từ những vựa lúa đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, các vườn quốc gia. Nhiều nhất là... nhà kho của các hợp tác xã. Ông đi diệt mối, mọt. Vui chuyện, mảng hồi ức nhớ nhớ quên quên về những ngày rong ruổi được ông rủ rỉ kể. Tường, xà nhà rỗng vì mối xông bên trong không phát hiện ra, lúc leo lên cao bị gãy, suýt chết dăm lần bảy lượt trong những chuyến công tác. Những đề tài nghiên cứu khoa học của GS Bùi Công Hiển xuất phát từ nhu cầu đời sống, do chính người dân "đặt hàng", cho nên đều được đưa vào ứng dụng rộng rãi. Đó là những công trình tiêu biểu như Phòng trừ mối và đê đập ở Việt Nam; Xử lý mối ở Vườn quốc gia miền trung Việt Nam; Côn trùng gây hại kho thóc. Về sau ông hoàn chỉnh dần và xuất bản thành sách Một số công trình tiêu biểu đã xuất bản gồm: Côn trùng hại kho (1992), Côn trùng học ứng dụng (2002), Pheromon của côn trùng (2002), Giao tiếp sinh học ở động vật (2009), Côn trùng ở Việt Nam và phòng trừ côn trùng gây hại (2013), Động vật gây hại kho tàng và nhà cửa (2014), Tài nguyên côn trùng ở Việt Nam (2019), Những côn trùng có giá trị ở Việt Nam (2020).
GS, TS Bùi Công Hiển (phải) bên những bức tranh chủ yếu được gắn từ cánh bướm. |
Đấu tranh đòi lại công bằng cho... côn trùng
Việt Nam được đánh giá là đất nước có hệ sinh học, trong đó có cả thế giới côn trùng vô cùng đa dạng, phong phú. Côn trùng đem lại rất nhiều giá trị cho con người, trong nhiều lĩnh vực. GS Hiển dí dỏm: Côn trùng là loài có nghệ thuật "đu dây" đỉnh cao. Con người đối xử với chúng theo cách gì chúng sẽ đáp trả theo cách đó! Côn trùng luôn gắn bó với đời sống con người, nói cách khác, chúng coi con người vừa là thù, vừa là bạn. Phần lớn các loài côn trùng đều góp phần cân bằng hệ sinh thái cũng như mang lại ích lợi cho đời sống con người. Xứ nhiệt đới lắm mưa nhiều nắng, ký ức của ông giáo sư già là chuyến thực địa được chứng kiến những khung cảnh đẹp khó quên như vạt rừng bạt ngàn bướm, hay một góc giăng đầy hoa phong lan... Ký ức ám ảnh đó thúc đẩy ông không chỉ một lần triển khai ý định nuôi bướm để lấy cánh làm tranh, xây dựng dự án giúp nông dân nhân nuôi, sinh kế từ côn trùng như làm cốm dinh dưỡng từ phấn hoa, nuôi ong lấy mật, nuôi sâu chít làm thức ăn... Côn trùng có thể giết chết người, nhưng cũng tạo ra nghề nuôi sống hàng triệu người. Giả thiết nếu không có côn trùng thì trái đất sẽ hôi thối ảm đạm bởi xác chết của động, thực vật chồng chất, thưa thớt mầu xanh vì cây cối không được thụ phấn, không có cảnh mùa màng bội thu hoa trái.
Một điều GS Bùi Công Hiển luôn trăn trở và cảnh báo trong nhiều năm qua là việc sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc khai thác, săn bắt có tính chất tận diệt một số loài côn trùng trong đời sống càng khiến cho nguồn tài nguyên sinh học ngày càng nghèo đi, thậm chí đang kiệt quệ, phá hủy sự đa dạng sinh học. Nguyên tắc của GS Bùi Công Hiển từ xưa đến nay là luôn phổ biến kiến thức đến người dân một cách dễ hiểu và cụ thể nhất. Có như thế người dân mới hiểu, thấu suốt thì tự nhiên làm theo. Những bài nói chuyện tại các địa phương, hay phát biểu trên phương tiện thông tin đại chúng, ông đều tuân thủ nguyên tắc đó. Ông luôn chỉ ra cụ thể, côn trùng mang lại 10 ích lợi cho tự nhiên và 15 ích lợi cho con người như làm thực phẩm, làm đẹp, làm dược phẩm, cải tạo đất, thụ phấn cho cây. Côn trùng gây hại chỉ chiếm 1% trong tổng số hàng nghìn loại.
Nhìn ra các nước khác, vấn đề bảo tồn, nuôi cấy và khai thác côn trùng đã rất phổ biến. Các mô hình nông dân nhân nuôi các loài côn trùng này thành trang trại, thu hoạch, chế biến ra các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, phát triển thành chuỗi giá trị gia tăng. Họ đã hình thành những tập đoàn, công ty lớn về mua bán, chế biến tiêu thụ các sản phẩm từ côn trùng. Nhìn lại nước ta thì hầu như vẫn ở trình độ sơ khai nhất, người dân bản địa khai thác từ tự nhiên rồi mang ra chợ bán, mà người ta mua chủ yếu làm thức ăn chăn nuôi! Khai thác theo lối tận diệt, không gắn với bảo tồn nhân giống đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái tự nhiên. Việc nghiên cứu phát triển để biến côn trùng thành hàng hóa còn quá mờ nhạt, quá xa vời, ít được chú ý. Trong khi đó, một số loài được thổi phồng đẩy lên thành thứ siêu giá trị, thí dụ cụ thể như thị trường mua bán và sử dụng đông trùng hạ thảo hiện nay, rất có vấn đề. "Tôi tiếc lắm, giá như còn sức khỏe và thời gian...", GS Hiển đau đáu.
Vấn đề cốt lõi là cần ươm tạo, xây dựng đội ngũ nhà khoa học kế cận. Chưa bao giờ, nhân lực về ngành côn trùng học lại khó khăn, khan hiếm như hiện nay. Bộ môn Côn trùng học thời GS Bùi Công Hiển còn giảng dạy nhìn lại là thời mạnh nhất với 7 tiến sĩ. Mong mỏi lớn nhất của vị giáo sư già cứ trở đi trở lại, rằng ngành côn trùng học Việt Nam phát triển, được xây dựng quy hoạch và quản lý chặt chẽ... tất thảy đều phụ thuộc nhân tố con người.