“Chưa cân đối giữa dạy chữ và dạy người”

|

“Dạy chữ là trang bị kiến thức. Còn khái niệm dạy người phải hiểu rộng hơn, không nên chỉ giới hạn trong phạm vi giáo dục đạo đức, lối sống mà còn bao hàm cả trang bị kỹ năng sống, hiểu biết về khoa học xã hội để từ đó hình thành, rèn luyện và phát triển nhân cách cho học sinh. Hiện tại, chúng ta đang thiên về dạy chữ mà chưa quan tâmđúng mức tới dạy người, hay nói cách khác là chưa cân đối giữa hai mục tiêu ấy” - GS, TSKH Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Xin được bắt đầu cuộc trò chuyện bằng việc mổ xẻ môi trường giáo dục quan trọng đầu tiên là nhà trường. Theo ông, ở đó, thực trạng “mất cân đối” vừa đề cập thể hiện rõ rệt nhất ở khâu nào?

Bên cạnh một số nội dung đã làm được, chương trình, SGK giáo dục phổ thông ở một số khâu còn thiếu tính khoa học, chưa bảo đảm tính liên thông, thống nhất, tích hợp một cách khoa học giữa các cấp học, môn học, còn coi nặng việc “dạy chữ” hơn là “dạy người”, mất cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Khối lượng kiến thức trong chương trình, sách giáo khoa quá nhiều, dẫn đến sự “quá tải”. Nội dung chương trình chưa hướng tới mục đích chính là dạy người nên tuy nhà trường có quan tâm nhưng cách thực hiện, cách lựa chọn nội dung cũng như xác định thời lượng cần thiết dành cho nó đều chưa thỏa đáng. Thay vì truyền thụ kiến thức là chủ yếu, chúng ta phải hướng tới mục tiêu phát triển năng lực học sinh. Đó cũng là định hướng mà chương trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang hướng tới.

Hoạt động của các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường luôn được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách học sinh. Nhưng trong thực tế dường như hiệu quả đạt được chưa cao, thưa ông?

Phải khẳng định là hoạt động này chiếm vai trò rất quan trọng trong quá trình “dạy người”. Thế nhưng, hiệu quả đạt được không mấy khả quan, bởi phương thức sinh hoạt chưa chuyển biến kịp với môi trường xã hội mới cởi mở và đa chiều thông tin hơn, với đối tượng học sinh bây giờ tự do, chủ động hơn, thể hiện cái tôi và cá nhân hơn.

Vì thế, muốn thu hút được sự quan tâm và nhiệt tình tham gia của các bạn trẻ, phương thức sinh hoạt phải đổi mới, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của các em. Có như thế,những sinh hoạt tập thể, những hoạt động ngoại khóa, những thông điệp truyền tải kỹ năng sống mới có thể đạt hiệu quả mong đợi.

Với nội dung chương trình hiện nay, số đông than phiền về tính hình thức của một tiết học đạo đức (hoặc giáo dục công dân) duy nhất cho một tuần. Không có giáo viên bộ môn chuyên trách, chương trình nặng về trang bị kiến thức vĩ mô, thiếu hấp dẫn và khiến học trò rất khó tiếp thu?

Theo tôi được biết, ở các lớp dưới, môn đạo đức thiên về cung cấp những bài học về chuẩn mực đạo đức truyền thống cho học trò.

Càng lên lớp trên, nội dung môn học GDCD hướng tới cung cấp những hiểu biết nhất định về pháp luật, cấu trúc Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng quốc tế và các mối quan hệ xã hội... Xuất phát từ nhu cầu của đời sống, những kiến thức bổ trợ cần thiết sẽ được sắp xếp, tích hợp thêm vào nội dung môn học này. Nhưng để đạt hiệu quả, những nội dung tích hợp ấy cần phải cân nhắc rất kỹ để phù hợp, nhuần nhuyễn với yêu cầu và nội dung bài học. Vì vậy, trong quá trình thiết kế lại nội dung SGK mà chúng ta đang thực hiện, không những nội dung hai môn học nói trên cần đổi mới mà ngay cả những bộ môn khoa học xã hội cũng phải góp phần vào việc hình thành và phát triển nhân cách học sinh một cách hợp lý, thiết thực và hiệu quả hơn.

Trên hết, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không hoàn toàn đồng nhất với môn học đạo đức hay GDCD. Đạo đức cần được rèn luyện và đánh giá thông qua thực tiễn. Học sinh được xếp loại đạo đức bằng hạnh kiểm. Môn GDCD được đánh giá bằng điểm số. Lẽ dĩ nhiên, hai môn học này, cho dù chỉ có 1 tiết/tuần đều góp phần quan trọng vào quá trình hình thành nhân cách, đạo đức cũng như lối sống cho học sinh, nhưng chỉ như vậy thôi thì không đủ. Để “dạy người”, ngoài sự giáo dục của nhà trường còn phải có sự chung tay, góp sức của gia đình và cả xã hội, vốn là hai thành tố quan trọng không kém.

Ông cũng đã từng khẳng định rằng vai trò của gia đình rất quan trọng trong quá trình giáo dục đạo đức giới trẻ. Thế nhưng, có một thực tế là khi xảy ra điều gì thì đối tượng đầu tiên bị đổ lỗi luôn là nhà trường. Ông nghĩ gì về điều đó?

Trong gia đình, nếu bố mẹ mải mê kiếm sống, lơ là quản lý, giáo dục con cái; nhà trường chưa chú trọng đến “học lễ”, còn xã hội nhan nhản những chuyện xấu được phơi bày sẽ tác động rất lớn vào tâm lý của thanh thiếu niên. Tất cả sẽ ngấm dần và ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của giới trẻ. Thường thì, khi xảy ra chuyện gì trong lứa tuổi đến trường, chúng ta lại đổ hết tại nhà trường.

Tôi nghĩ rằng khả năng, phạm vi của nhà trường có giới hạn. Vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức cho giới trẻ là rất quan trọng. Gia đình có uy quyền hơn và có khả năng tác động, quản lý trực tiếp đối với giới trẻ. Đặc biệt ở Việt Nam, ảnh hưởng cũng như vai trò quyết định của bố mẹ thấy rõ trong từng bước đi của trẻ. Thực tế đó cũng đòi hỏi trách nhiệm ngày càng cao của các bậc phụ huynh trong quá trình nuôi dạy con cái. Bởi nhà trường, xã hội tuy đều cùng gánh vác trọng trách này, nhưng nếu con trẻ không thành người, gia đình chính là nơi phải chịu đựng toàn bộ hậu quả. Nếu các bậc cha mẹ quan tâm hơn đến giáo dục đạo đức cho con em mình thì sẽ góp phần tích cực cho việc hình thành nhân cách các em. Và nếu nhà trường và gia đình có sự gắn kết chặt chẽ, có sự phân công rạch ròi trong quản lý, giáo dục các em thì chắc chắn chuyện đổ lỗi qua lại sẽ không còn.

Xã hội cùng gia đình - nhà trường tạo nên thế chân kiềng vững chắc trong việc dạy người. Nhưng có ý kiến cho rằng, tình trạng bạo lực học đường và cùng số lượng tội phạm vị thành niên gia tăng trong thời gian gần đây có nguyên do chính từ ảnh hưởng tiêu cực ngoài xã hội?

Bạo lực học đường là hiện tượng xấu xa nhất, tiêu cực nhất đang có chiều hướng gia tăng trong lớp học, trên giảng đường hiện nay. Thực trạng đó có phần nguyên nhân từ môi trường sư phạm trong nhà trường không còn mô phạm như trước kia. Thêm nữa, môi trường xã hội thường thấy chuyện bạo lực khiến giới trẻ bị ảnh hưởng. Ngay cả trong gia đình cũng tiềm ẩn những nguyên nhân thúc đẩy bạo lực bùng phát, như cấu trúc gia đình bị phá vỡ, bố mẹ ly hôn, bạo hành con trẻ... Nhưng theo tôi, môi trường xã hội có tác động lớn nhất tới việc gia tăng hành vi bạo lực. Kỷ cương xã hội còn lỏng lẻo, chế tài xử phạt chưa nghiêm, mọi người chưa hình thành nếp sống coi pháp luật là thượng tôn..., tất cả đã dẫn đến thực trạng đáng buồn này. Làm trong sạch lại và giảm thiểu tối đa bạo lực trong môi trường xã hội là chuyện không chỉ một sớm một chiều nhưng chúng ta phải nỗ lực phấn đấu để đạt được vì tương lai con em chúng ta.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bạo lực học đường là hiện tượng xấu xa nhất, tiêu cực nhất đang có chiều hướng gia tăng trong lớp học, trên giảng đường hiện nay.