Một số ý kiến về đào tạo bậc học Tiến sĩ

|

Tiến sĩ là bậc học cao trong khoa học. Việc đào tạo tiến sĩ chắc chắn là phải qua nhiều bậc học, có nhiều nguyên tắc và chuẩn mực công phu. Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học và thông tuệ về tri thức nên có một truyền thống đào tạo tiến sĩ qua nhiều thập kỷ.

Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội còn lưu giữ 82 bia tiến sĩ vinh danh 1.307 tiến sĩ thuộc 82 khoa thi từ 1442 đến 1779. Đó là những hiền tài, nguyên khí của quốc gia như Thân Nhân Trung đã nói. Ngày nay chỉ nhắc đến tên nhiều tiến sĩ đã thấy cảm phục về tài năng và đức độ như Chu Văn An (1370), Trương Hán Siêu (1371), Ngô Sĩ Liên (1442), Lê Quý Đôn (1775), Ngô Thì Nhậm (1775),... Bước sang thế kỷ 20, Trường đại học Đông Dương không có nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ. Sau năm 1945 và trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, việc đào tạo tiến sĩ chưa có điều kiện thực hiện. Nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ tập trung vào thời kỳ đổi mới khi các trường đại học mở rộng quy mô đào tạo các bậc học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Như có một phù phép đặc biệt chỉ trong vòng trên ba thập kỷ mà số lượng tiến sĩ đã có trên hai chục nghìn.

Số lượng không đi đôi với chất lượng. Chất lượng tiến sĩ không đáp ứng được với yêu cầu của xã hội. Việc thanh niên đua nhau vào đại học và từ đại học tiến lên làm thạc sĩ và tiến sĩ là một ưu điểm nhưng việc non kém về chất lượng, dư thừa về số lượng dẫn đến chỗ thừa thầy, thiếu thợ, nặng về hư danh hơn là thực chất. Để góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém tôi xin góp một vài ý kiến nhỏ: Một là, việc thi tuyển đầu vào: Trong việc chọn lựa đầu vào có hai hình thức thi và cử. Hiện nay chủ yếu dùng hình thức cử, nghiên cứu sinh nộp một số bài viết, đề cương luận án và hội đồng khoa học chọn. Hội đồng cũng chú ý đến quá trình học tập, các văn bằng cử nhân, thạc sĩ nhưng tất cả các tư liệu, hồ sơ có đủ bảo đảm chính xác thực lực của nghiên cứu sinh? Trong tình hình hiện nay, các bài báo đều có thể nhờ người viết hộ, văn bằng có thể mua càng khó xác định thực chất. Hình thức “cử” có nhiều hạn chế: không đánh giá đúng năng lực của nghiên cứu sinh, có nhiều mối quan hệ chi phối. Trước đây, nhiều thập kỷ việc chọn học sinh đi học nước ngoài cũng dùng hình thức cử về sau lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phải dùng hình thức thi. Việc chọn học sinh vào đại học ở một số địa phương miền núi cũng dùng hình thức cử và kết quả là khi sinh viên ra trường về địa phương cũng khó sử dụng, yếu về chất lượng. Đối với học vị tiến sĩ đầu vào dứt khoát phải thi chuyên môn và ngoại ngữ. Nhiều tiến sĩ và nghiên cứu sinh không biết ngoại ngữ cho nên chỉ luận bàn quẩn quanh hoặc thuê dịch một số chương, đoạn sách nước ngoài để tham khảo. Theo tôi thi chuyên môn và ngoại ngữ cho đầu vào là khâu cơ bản nhất. Đây là hình thức đánh giá trực tiếp năng lực của nghiên cứu sinh chính xác hơn tất cả những hình thức tuyển chọn gián tiếp qua các hồ sơ, văn bằng,...

Hai là về đề tài khoa học đào tạo bậc tiến sĩ. Hiện nay tình trạng phổ biến nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội nhiều đề tài quá hẹp, bé nhỏ, không mang tầm vóc của một đề tài luận án tiến sĩ. Về việc này báo chí đã nêu lên nhiều dẫn chứng cụ thể. Đề tài luận án tiến sĩ phải có sự đánh giá chung của những hội đồng cấp cao có trách nhiệm. Các trường có thể đề nghị nhưng không phải là quyết định cuối cùng. Ở một số nước phương Tây đều có quy chế và kinh nghiệm về vấn đề này.

Ba là việc hướng dẫn luận án tiến sĩ nên quy định như thế nào? Các giáo sư, phó giáo sư có quyền hướng dẫn tiến sĩ nhưng phải có quy định cụ thể. Hiện nay, có tình trạng một phó giáo sư mới được công nhận học hàm một vài năm đã được hướng dẫn bốn tiến sĩ. Trình độ thầy trò không chênh lệch nhiều cho nên công việc hướng dẫn chắc chắn là kém hiệu quả. Cũng nên quy định phó giáo sư được công nhận mấy năm mới có quyền hướng dẫn tiến sĩ và được hướng dẫn bao nhiêu người. Giáo sư hướng dẫn phải thuộc chuyên ngành khoa học cùng với đề tài luận án. Có tình trạng cán bộ thuộc chuyên ngành nước ngoài hướng dẫn chuyên ngành trong nước.

Bốn là về hội đồng đánh giá kết quả của luận án. Thông thường có hai hội đồng bảo vệ ở bộ môn và hội đồng bảo vệ ở quốc gia. Cần tránh tình trạng chỉ mời tham dự hội đồng những người thân quen, có quan hệ gần gũi. Bộ Giáo dục và Đào tạo có sáng kiến khi dùng hình thức phản biện kín. Điều đáng tiếc dễ xảy ra là nghiên cứu sinh đều biết ai phản biện kín cho mình. Theo một số giáo sư nghiên cứu việc thi cử ngày xưa đều nhận thấy từng khâu được thực hiện rất chặt chẽ, nghiêm túc. Các bài viết của các sĩ tử ở khâu cuối đều được chép lại để người chấm không nhận ra mặt chữ của người thân quen. Đề tài luận án, ngày bảo vệ nên được công bố trước một thời gian để nhận ý kiến phản hồi nếu có.

Điều thứ năm là trường nào được xem là đủ cơ sở để tổ chức đào tạo tiến sĩ. Trong tình hình số lượng giáo sư và nhất là phó giáo sư phát triển nhiều nên việc chấp nhận điều kiện cho một cơ sở có đủ điều kiện đào tạo tiến sĩ khá dễ dàng. Đây cũng là một khâu cần được quan tâm.