Còn nhiều dư địa để phát triển
Nhìn nhận một cách khách quan, chủ trương “đi vững trên cả hai chân” đã được các cấp quản lý hoạch định từ lâu. Đầu năm 2020, vị trí cùng vai trò quan trọng của du lịch nội địa đã một lần nữa được xác định rõ trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2020 theo Quyết định 147/QĐ-TTg. Chiến lược đặt ra những mục tiêu cụ thể như: thu hút 120 triệu lượt khách du lịch nội địa vào năm 2025 và tăng lên 160 triệu lượt vào năm 2030; thu từ du khách nội địa đạt đến 810 tỷ đồng năm 2025 và 1.440 tỷ đồng năm 2030.
Trước đó, Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 nêu rõ: “Ngành du lịch cần có chính sách phù hợp khuyến khích thị trường du lịch nội địa phát triển”. Luật Du lịch năm 2017 cũng quy định: “Phát triển đồng thời du lịch nội địa và du lịch quốc tế”. Và cuối tháng 6/2021 vừa qua, Dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 đã được xây dựng theo hướng đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ để ngành du lịch phục hồi sau khi dịch bệnh được đẩy lùi. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán để cân bằng lại thị trường khách quốc tế và nội địa, có tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên và lộ trình thực hiện.
Nhìn lại quãng thời gian từ năm 2011 đến hết năm 2019, lượng khách nội địa tăng tích cực với tốc độ bình quân 15%/năm, nguồn thu từ khách du lịch trong nước chiếm khoảng 41-44% trong cơ cấu tổng thu và đóng góp quan trọng vào tổng doanh thu của toàn ngành với mức tăng trưởng bình quân đạt khoảng 20,5%/năm. Tuy nhiên ở thời điểm trước đại dịch, ngành du lịch vẫn dồn sự quan tâm nhiều hơn cho thị trường quốc tế nên thị trường trong nước bị coi nhẹ hơn là thực trạng đáng buồn nhưng dễ hiểu.
Thế nhưng, đang băng băng trên đà tăng trưởng vượt bậc (với 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt hơn 32 tỷ USD, đóng góp trực tiếp 9,3% GDP và lan tỏa gián tiếp tới gần 18% GDP) vào năm 2019, con tàu du lịch Việt Nam đột ngột bị đại dịch Covid-19 “hãm phanh”. Có thể nói, ngành công nghiệp không khói nước nhà chưa bao giờ đứng trước khó khăn và thử thách lớn lao đến thế.
Thiệt hại ước tính 23 tỷ USD, 40-60% lao động bị mất việc hoặc cắt giảm ngày công, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. Nhờ những nỗ lực phòng, chống dịch khá hiệu quả, du lịch cả nước đã phục hồi một phần vào cuối năm 2020 nhưng mức độ rất chậm và hạn chế. Trong năm 2020, Việt Nam chỉ đón 3,7 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa chỉ đạt 47 triệu lượt (giảm 42,3% so với năm 2019), tổng thu đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng (chỉ bằng năm 2013). Và tổng thu từ khoảng 16,5 triệu lượt khách du lịch trong ba tháng đầu năm 2021 chỉ đạt gần 72 nghìn tỷ đồng, giảm phân nửa so với cùng kỳ năm 2020.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cũng cho thấy, nếu dịch bệnh được kiểm soát và toàn thế giới dần nới lỏng hạn chế đi lại vào cuối năm 2021 thì cũng phải mất từ hai năm rưỡi tới bốn năm để du lịch quốc tế trở lại với cột mốc đã đạt được năm 2019. Nhiều chuyên gia cho rằng, du lịch là ngành đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng cũng là ngành có khả năng phục hồi mạnh mẽ nhất khi đại dịch đi qua.
Và khi chưa thể nhanh chóng mở cửa đón khách quốc tế, việc nhanh chóng phải cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường nội địa là cái đích mà ngành du lịch Việt đang hướng tới. Bởi không chỉ đầy tiềm năng với xấp xỉ 100 triệu dân, không chỉ sở hữu mức độ sẵn sàng đi du lịch rất cao cả trong và ngay sau đại dịch, hàng chục triệu khách hàng trong nước buộc phải thay đổi phương thức du lịch từ ra nước ngoài (outbound) sang khám phá điểm đến trong nước cũng là một nguồn cung dồi dào, không thể bỏ lỡ.
Thay đổi để sống còn
Đại dịch đã làm thay đổi tận gốc rễ xu hướng du lịch toàn cầu. Cũng theo báo cáo tháng 1/2021 của UNWTO, 92% người được khảo sát chọn du lịch nội địa hay khoảng cách gần, 68% đặt an toàn và bảo đảm sức khỏe lên cao nhất, 28% mong đợi những trải nghiệm trách nhiệm với môi trường, 61% ưu tiên hoạt động ngoài trời và gần gũi với thiên nhiên... Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch CLB du lịch bền vững VGREEN nhận định: “Tính bền vững sẽ trở thành động lực và tiêu chuẩn mới cho hoạt động du lịch. Các cộng đồng nhỏ sẽ dần đóng vai trò lớn hơn.
Khách du lịch sẽ ưu tiên chất lượng hơn là số lượng. Tư vấn du lịch sẽ trở nên đặc biệt cần thiết. Khoảng cách gần, chuyến đi ngắn ngày được ưa chuộng và vì thế, du lịch đường bộ sẽ tăng trưởng mạnh, thay vì hàng không như trước đây. Với du khách nội địa, giao dịch trực tiếp với các nhà cung ứng dịch vụ du lịch mà không cần thông qua cầu nối doanh nghiệp lữ hành, hướng tới du lịch từng phần hoặc dịch vụ lẻ hơn là chương trình trọn gói, sử dụng môi trường số để tự khai thác thông tin - tìm kiếm và đặt dịch vụ, ưu tiên loại hình dịch vụ nghỉ ngơi - chăm sóc sức khỏe và du lịch sinh thái... là những xu hướng chủ đạo”.
Bởi thế, có thể coi Covid-19 là cú hích buộc ngành công nghiệp không khói nước nhà phải nhanh chóng thay đổi, nếu muốn đón đầu và phục vụ tốt nhất những đề bài mới mẻ đó. Khi xu hướng du lịch của du khách thay đổi nhanh chóng vì tác động của đại dịch, việc tập trung đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; tăng cường liên kết, đa dạng hóa, khác biệt hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến; đầu tư cho các mảng áp dụng công nghệ số để phù hợp với yêu cầu đặt ra ngày càng cao của thị trường... đã trở nên đặc biệt cấp thiết với các doanh nghiệp khai thác dịch vụ, lữ hành. Và đó cũng là những gì mà các đơn vị đang chạy đua triển khai, đang nỗ lực thay đổi để sống còn trong một năm rưỡi ngừng trệ không mong muốn.
Là người chèo lái Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Y Yên chia sẻ kinh nghiệm “cần chủ động thay đổi để đáp ứng xu hướng du lịch sau đại dịch”. Ông cho biết, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế” của Chính phủ, Saigontourist đã sớm xác định lại thị trường, lấy du lịch nội địa làm mũi nhọn, xác định đối tượng khách tập trung vào người Việt và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Tập trung đầu tư phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng, đẩy mạnh hợp tác và liên kết vùng giữa các địa phương cùng điểm đến trong chiến lược hợp tác phát triển du lịch nội địa, thiết lập cơ chế nội bộ về ứng phó và xử lý các tình huống khẩn cấp phát sinh do ảnh hưởng dịch bệnh toàn cầu... là những giải pháp đã triển khai, để tập trung khai thác thị trường nội địa một cách hiệu quả trong tình hình mới.
Để cụ thể hóa những đầu việc ấy, công ty tập trung khai thác mảng du lịch nội địa dành cho khách lẻ, gia tăng thị phần bằng các tour linh hoạt, mở rộng các tour nội vùng, cải tiến tour cho khách quốc tế trước đây thành hành trình Ta đi tour Tây... Với nhóm khách hàng doanh nghiệp, hình thức du lịch MICE truyền thống được làm mới kết hợp với mô hình caravan (xe tự lái) để bảo đảm an toàn trong mùa dịch cũng được du khách ủng hộ tích cực.
CLB VGREEN cũng nhanh chóng xây dựng hàng loạt hành trình caravan hấp dẫn, nhằm giúp du khách đa dạng hóa trải nghiệm trên những cung đường phía bắc đẹp như mơ, với những điểm đến đậm đặc sắc màu văn hóa bản địa. Hanoitourist liên tục cho ra đời những tour trải nghiệm văn hóa - lịch sử với thời lượng ngắn, chi phí thấp nhưng rất hấp dẫn quanh địa bàn Thủ đô như Khám phá Hoàng thành Thăng Long, Khám phá những công trình kiến trúc Pháp cổ...
Hiệp hội Du lịch phối hợp cùng Sở VH, TT&DL của ba tỉnh Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam tung ra gói sản phẩm mới “Miền di sản diệu kỳ” (Amazing Central Heritage) với ba hình thức khám phá ẩm thực - nghỉ dưỡng - sinh thái. Công ty Viettour thì chọn hướng phát triển loại hình du lịch MICE để phục vụ đối tượng du khách nội địa, khi đối tượng tiềm năng của MICE luôn có chỉ số chi tiêu cao hơn, số lượng khách cao hơn và sử dụng dịch vụ cao cấp hơn du khách thông thường.
Còn các thành viên của Hiệp hội Golf Việt Nam chọn hướng đi phát triển mô hình du lịch golf vốn được dự báo bùng nổ trong thời gian tới. Không chỉ đứng ra đăng cai những giải golf du lịch, các đơn vị này còn phát triển mô hình sân golf 3D để các golfer trên khắp thế giới có thể sử dụng để chơi trong nhà nhằm khai thác tối đa danh hiệu “Điểm đến golf tốt nhất thế giới” mà Việt Nam sở hữu năm 2019... Tóm lại, khác biệt hóa, độc đáo hóa sản phẩm để tạo điểm nhấn không thể trộn lẫn là cách thức đang được các đơn vị du lịch áp dụng, để tăng lợi thế cạnh tranh trong khai thác từng phân khúc thị trường cụ thể.
Ngoài ra, đầu tư chuyển đổi số, áp dụng công nghệ hỗ trợ cho các kênh liên lạc, kênh bán hàng và hậu mãi, chăm sóc khách hàng cũng được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Saigontourist đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao tặng giải thưởng “Công ty có khách đặt tour trực tuyến nhiều nhất” nhờ phát triển ứng dụng thông minh Saigontourist Travel trên cả hai hệ điều hành IOS và Android cũng như phát hành bộ thẻ thành viên với ba hạng mức mang đến cho khách hàng nhiều quyền lợi cũng như phần thưởng hấp dẫn tích lũy sau mỗi hành trình.
Công ty VPus chọn cách tổ chức những giải chạy trực tuyến theo mô hình O2O (online to offline) ngay trong mùa dịch, nhờ đó có thể phục vụ số lượng khách hàng ảo cao gấp vài chục lần khách thật. Không chỉ có vậy, công ty còn năng động phát triển và ra mắt phần mềm Vticket.vn - nơi khách hàng có thể tự do trải nghiệm, chọn lọc và đặt vé du lịch, sự kiện cùng voucher với giá hấp dẫn. Đây có thể coi là cái chợ chung, nơi mọi doanh nghiệp có thể đặt gian hàng và cùng nhau bán sản phẩm của riêng mình đến tận tay khách hàng, theo một cách thức đơn giản và thuận tiện nhất.