Vì sao bức tranh quê đang thiếu linh hồn?

|

Những làng quê bao đời này vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống thuần Việt nhưng chỉ trong một thời gian ngắn tất cả bỗng dưng thay đổi, đảo lộn với tốc độ chóng mặt, gây ra sự méo mó, lai tạp. Đâu là căn nguyên?

Đô thị hóa nông thôn diễn ra tự phát

Nhiều kiến trúc sư, chuyên gia nhận định cơn lốc đô thị hóa và sự chuyển đổi phương thức, cơ cấu sản xuất đã khiến kiến trúc nông thôn đang bị phá vỡ. Trước đây nông thôn theo mô hình tự cung tự cấp, mọi hoạt động sản xuất hay sinh hoạt đều gói gọn trong phạm vi làng xã. Nhưng giờ đã khác, tỷ trọng nông nghiệp, nghề truyền thống giảm, các loại hình dịch vụ tăng nhanh, dân số tăng nhanh, phạm vi sinh hoạt cộng đồng không còn bó hẹp sau lũy tre làng mà điện thoại, ti-vi, internet đã phổ biến, mở ra những không gian mới. Những yếu tố đó đã dần phá vỡ cấu trúc làng truyền thống.

Theo KTS Ngô Doãn Đức, từ chỗ làng truyền thống vốn được cấu trúc hướng nội - khép lại thì ngày nay là hướng ngoại - mở ra, xu hướng nhà cửa bám theo đường giao thông, nhà chia lô xuất hiện... đã phố hóa nhiều đường làng. Kéo theo đó, nhà xây mới ở nông thôn không có thiết kế gắn liền với việc xây cất tự phát, không có hướng dẫn, phép tắc nên nhiều nơi lộn xộn, chắp vá.

Trước kia người dân “sống giữa làng”, chỉ những người nghèo hèn mới sống ở nơi “đầu đường xó chợ”. Nay thì nơi đó lại trở nên có giá hơn nhiều so với đất giữa làng vì có thể kinh doanh buôn bán. Cuộc sống đã mang hơi hướng thị dân nhiều hơn, nhà cửa khang trang mọc lên nhiều nhưng rất ít nhà đẹp. Mọi người dân đua nhau xây nhà, mục đích nhiều khi để phô diễn cái tôi của mình mà không tuân theo một nguyên tắc thẩm mỹ nào. Mấy năm trước có mốt nhà như cái bánh gato: cái gì gắn được, đắp được lên thì cứ bừa phứa, càng nhiều chi tiết, hoa văn càng tốt. Sau đó lại có phong trào kiến trúc Pháp, rồi mái vòm Ả Rập, mái Thái... tràn lan. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra một cách tự phát, thiếu sự kiểm soát không cẩn thận sẽ trở nên nham nhở, lưng chừng, là một cái đuôi của đô thị, tạo ra những hệ lụy ghê gớm.

Bên cạnh đó, quỹ đất nông thôn ngày một ít đi trong khi dân số tăng nhanh. Nông thôn ngày càng chật chội, nhà ống, nhà phân lô mọc lên san sát như một cách thích nghi với không gian nhỏ hẹp. Có người nói, nhà chia lô là sản phẩm tất yếu của quá trình đô thị hóa, cũng có người cho rằng, đó là hệ quả của quá trình phát triển tự phát. KTS Nguyễn Phúc Đức chia sẻ: “Cho dù đó có là xu hướng, là hệ quả thì cuối cùng vẫn là một bức tranh quê đang vẽ lại, sạch đẹp nhưng thiếu vắng linh hồn”. Một bức tranh vẽ lại, rất vội vàng, cẩu thả làm mất đi những giá trị kiến trúc truyền thống cả nghìn năm tưởng chừng như rất bền vững. Ông Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Kiến trúc Nhiệt đới vẫn nhớ chuyến dẫn một đoàn chuyên gia Nhật Bản trong dự án “Quỹ nhà dân gian” đi thực địa vùng nông thôn Bắc Ninh, Hà Tây cũ năm 1993. Trong chuyến đi ấy người Nhật rất thú vị trước lối kiến trúc mở của nhà truyền thống Việt Nam bởi phù hợp và cân bằng với khí hậu nhiệt đới. Đó là nhà ngoảnh mặt hướng nam đón gió mát, quay lưng hướng bắc tránh giá rét, những hàng hiên ngày ngồi hưởng gió, tối ngóng trăng thanh, những hàng rào bằng dâm bụt, găng hay ô rô xanh mướt, những góc sân gạch đỏ có cây mít che bóng mát, có cây rơm làm nguồn nguyên liệu chất đốt, những cái ao để điều hòa không khí, thả cá. Thế nhưng chỉ mấy chục năm sau, những ngôi nhà ngói ngoảnh mặt hướng nam, có hàng hiên và hàng rào xanh ấy đã gần như biến mất.

Bộ mặt kiến trúc nông thôn mất dần bản sắc và phát triển theo chiều hỗn loạn, nguyên nhân này cũng đến từ vấn đề quy hoạch. Hơn 10.000 xã trong cả nước đã quy hoạch xong nông thôn mới, nhưng đa phần rập khuôn, không bản sắc, không có tính ngành nghề đặc thù, không có sự liên kết xã với huyện, với tỉnh. Đa số chỉ quy hoạch chi tiết ở trung tâm xã với các công trình như điện, đường, trường, trạm, trụ sở ủy ban, sân vận động... mà bỏ quên các làng xóm, khu dân cư. Các bản quy hoạch chưa đi sâu vào yếu tố then chốt là văn hóa để có điểm tựa cho phát triển.

Bên cạnh đó, rất nhiều làng hay vùng nông thôn có giá trị lịch sử cần được bảo tồn nhưng không được quan tâm đúng mức. Ở cả hai vấn đề bảo tồn và phát triển thì kiến trúc nông thôn đều thiếu vắng. Người dân loay hoay tự giải quyết mọi vấn đề theo cách nhìn và cách nghĩ của họ. Những bản quy hoạch nông thôn được lập dường như chỉ mang tính “phủ kín” mà còn quá nhiều vấn đề bất cập. Làm quy hoạch nhưng điều tra khảo sát lại thu thập cơ sở khoa học theo kiểu lấy số liệu như thống kê có bao nhiêu ngôi nhà, phân theo cấp xây dựng như thế nào... mà thiếu hẳn những thống kê, đánh giá tỉ mỉ tập quán sống, vận dụng tự nhiên như thế nào, đối với tổng thể (từ hướng gió, hướng nhìn, cách sắp đặt không gian), quy mô và hình thức kiến trúc các công trình ra sao. Gần như tất cả những dữ liệu cần thiết đó bị bỏ trống.

Rất nhiều diện tích đất nông nghiệp đã chuyển thành khu công nghiệp, khu giãn dân... Mỗi khu như thế chỉ rộng vài nghìn m2, được chia cho các hộ xây nhà theo lô và cứ thế mọc lên những khu dở quê dở phố.

Kiến trúc nông thôn đang bị phá vỡ. Ảnh | NGUYỄN LONG GIANG

Kiến trúc nông thôn đang bị lãng quên, bỏ mặc

Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kiến trúc nông thôn méo mó, xô lệch được KTS Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) chỉ rõ: “Việc xây dựng ở nông thôn đang thiếu sự kiểm soát chặt chẽ. Về nguyên tắc khi một công trình được xây dựng lên, tồn tại một cách kiên cố thì đều tác động đến môi trường, cảnh quan khu vực kể cả ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của người dân. Bởi thế, bắt buộc phải kiểm soát, không thể đơn giản hóa đến mức là dân muốn xây cứ để họ tự xây. Kinh nghiệm các nước khá giống nhau, quản lý chặt kiến trúc ở nông thôn nhưng lại không quá phức tạp, phiền nhiễu. Không ai dám tự dưng xây dựng nhà ở, vì như thế chính quyền sẽ đến kèm theo một “trát” phạt luôn và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Bắt buộc muốn xây dựng phải đăng ký và có người của chính quyền xuống hướng dẫn tận nơi, nhà phải làm thế này, thế kia, đồng ý thì ký vào cam kết. Ai mà làm sai, vừa bị phạt, vừa cho dừng thi công xây dựng. Công tác quản lý kiến trúc của chúng ta ở địa phương còn hạn chế, cán bộ hiểu biết về ngành xây dựng, kiến trúc rất ít”.

Ở nông thôn, quy định luật pháp về xây dựng chưa áp dụng hoặc không có khả năng thực thi, trong khi đó những thiết chế văn hóa, quy ước cộng đồng lại dần không còn giá trị - điều này tạo ra một khoảng trống cho tình trạng xây dựng tự phát, thiếu quản lý và tính định hướng. Nông thôn ở các nước muốn xây nhà bắt buộc phải có bản vẽ, phải được sự đồng ý của chính quyền cơ sở dựa trên mật độ xây dựng, tầng cao, lối kiến trúc còn Việt Nam thì người dân cứ tự ý làm. Họ có thể sao chép một mái vòm kiểu Nhà hát Lớn ở Hà Nội, một cánh cổng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ thấy được trên ti-vi về dựng lên ở làng mà không cần sự phê duyệt của cơ quan quản lý địa phương. Quần cư nông thôn - nơi vẫn chiếm khoảng hơn 70% dân số vẫn đang có những khoảng trống về quản lý như vậy.

KTS Thu Hạnh đưa ra một nguyên nhân khác: “Thực tế là kiến trúc nông thôn và người nông dân đang bị bỏ mặc. Chúng ta chỉ tập trung vào những chỉ số phát triển kinh tế ở nông thôn hoặc theo kiểu “điện - đường - trường - trạm” mà bỏ quên cái cốt lõi của nông thôn là cấu trúc làng, không gian làng. Người dân không được định hướng, hướng dẫn nên xây nhà thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cuộc sống hiện đại, vừa bảo đảm giữ được nét kiến trúc truyền thống, không phá vỡ cảnh quan làng xã”.

Nhiều người cho rằng cảnh quan, diện mạo nông thôn đang bị méo mó, xô lệch có một phần trách nhiệm của giới kiến trúc sư bởi một thời gian khá dài ngoảnh mặt, quay lưng, bỏ quên “thị phần” nông thôn. Phần lớn các ngôi nhà ở nông thôn đều xây kiểu tự phát, sao chép mà không hề được thiết kế một cách bài bản của các kiến trúc sư, dẫn tới mất dần bản sắc, mất đi những giá trị kiến thúc truyền thống. Trong khi đó, có thể thấy kiến trúc nông thôn hiện nay không được hướng dẫn cả về mặt quy hoạch lẫn thẩm mỹ. Không có một cơ quan, một cuốn sách nào hướng dẫn người nông dân xây nhà làm sao để phù hợp điều kiện kinh tế, ít tốn kém mà lại đẹp; chưa có tổ chức, cá nhân nào giới thiệu một mô hình làng đẹp thôn quê. Tìm ra mẫu nhà đẹp phù hợp đã khó, thuyết phục người dân làm theo càng khó hơn.

Có một thực tế phải thừa nhận khi cuộc sống đã đổi khác người nông dân rất khó sống trong ngôi nhà xưa. Nhà xưa bằng tre gỗ, lợp ngói thường xuyên mối mọt, dột, nay làm nhà bê-tông không còn nỗi lo ấy. Nhà xưa tiện nghi không khép kín, nhà tắm ở giếng, vệ sinh phải đi ra góc vườn. Nhưng ngày nay, phải có nhiều phòng riêng biệt, khép kín không thể sống chung gần chuồng lợn, chuồng bò... Ngôi nhà xưa không thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hiện đại bây giờ.

Xã hội nông thôn đang định hình lại, đang biến đổi với nhiều ngổn ngang mâu thuẫn mà kiến trúc đã thể hiện rõ điều đó như phần nổi của tảng băng.