Thơ Trần Anh Thái

|

Đọc chùm thơ mới của nhà thơ Trần Anh Thái thấy hiện lên rất rõ cảm thức thời gian của người từng trải. Hình như tuổi càng cao thì thời gian đi càng chậm lại, tự tại, ung dung vượt lên những vướng bận bon chen cuộc đời, bình tĩnh đón nhận và thấu hiểu. Như ông già ngồi câu trên bệ đá một buổi chiều đâu đó, ông không câu cá mà câu thời gian đang trôi vào vô cùng, vô tận. Thời gian có thể để lại những vệt nhớ tươi rói của mối tình đầu, hay một dấu chân trĩu nặng in trên cát mịn nơi miền xa thẳm, hoặc hóa vào đất đá, cỏ cây xứ sở làm nên sự trường tồn bất diệt. Vì vậy, thời gian không hề cũ mà luôn mới, như thơ Trần Anh Thái những năm gần đây.

Sinh năm 1955 tại Tiền Hải, Thái Bình; viết văn, làm thơ từ thuở đôi mươi, Trần Anh Thái rất “mạnh” ở trường ca, thể loại mang đến cho ông giải A cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1998-2000, giải thưởng Bộ Quốc phòng (1994-1995), giải thưởng Cuộc thi sáng tác về đề tài Cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930-1975 của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam (2015). Với ông, thơ phải vượt ra ngoài khuôn mẫu, luôn ở tình trạng trên đường, con đường bất tận của cái đẹp.

Chiều chiều

Chiều chiều
Ông già ngồi câu bên bệ đá
Không thấy tiếng cá quẫy mặt hồ phẳng lặng
Lâu lâu chiếc cần giật giật
Rồi lại lặng thinh như cũ
Chiều chiều mặt trời kiên nhẫn lăn vòng chậm rãi
Những ráng vàng lững thững vương qua mặt nước
Chiếc phao câu im lìm bất động
Ông ngồi đấy
Như pho tượng in vào nền trời xanh...
Ngày nào cũng như ngày nào
Chiều chiều ông vác cần câu ra ngồi bệ đá
Thả vào yên lặng mặt hồ yên lặng gương mặt yên lặng
Những tia nắng cuối ngày mờ dần bên kia hàng cây
Chiều chiều những chiếc lá vàng rơi đầy quanh bệ đá
Không có tiếng động nào không gió về xào xạc
Chiều chiều mặt trời chậm chạp tắt dần
Ông thong thả đứng dậy thu lại cuộn dây câu đã cũ
Bóng tối phủ xuống mặt hồ không tiếng cá quẫy...

Cánh đồng quê

Không có cơn gió nào tràn về cánh đồng
Những gốc rạ nằm trơ phơi mình trên đất bùn nứt nẻ
Khóm cúc vàng rực rỡ suốt mùa thu giờ khô cành rụi lá
Ráng chiều nhuộm thẫm một mùa đông trên đồng ruộng úa vàng
Rất xa con đường xưa mờ trong sương mỏng
Tóc em nghiêng vào chiều huyền óng ánh hoàng hôn
Lời bài hát ngân nga giữa mùa màng phập phồng cơn khát
Vệt nắng vàng níu ríu chân em chạy nhảy khắp đồng làng
Em có nhớ cuối con đường thời gian như ngừng chảy
Ta mỏi mòn chờ em sau gốc đa lẻ bóng bên chiều
Và tối tối cạnh lùm rơm sau mùa gặt mới
Khúc khích tiếng cười em thơm nức tuổi trăng tròn
Giấc ngủ chập chờn trong cơn mơ hồn nhiên vụng dại
Ta e ngại cầm tay em chạy khắp cánh đồng đầy hoa cúc nở
Nhấp nhỏm đợi cơn mưa dịu khát cánh đồng
Ta cứ ngỡ bầu trời ngàn năm chỉ một màu xanh thẳm
Trái đất chẳng quay trong mắt trẻ thơ cười
Giờ còn lại đâu đây một nỗi buồn se lạnh
Tất cả chỉ là giấc mơ thầm vụng thuở thiếu thời
Một tiếng nhạn vút qua cánh đồng xao xác gió
Con chim lạc bay đi như vệt khói loang mờ...

Lý Sơn

Một triệu năm một ngàn năm và ba trăm năm trước
Đoàn người ra đi giông tố mịt mùng chằng chịt dấu chân mở đất
Dấu chân hoang sơ lặng in trên mặt cát nhọc nhằn
Trong tiếng gió ầm ào tiếng sóng đập tơi bời vào vách đá
Tôi thấy một Lý Sơn bí ẩn sinh tồn
Tôi chợt nghe đâu đây vọng tiếng người xưa ồn ào sóng đổ
Những thuyền nhân ngực trần cuồn cuộn cánh buồm giông bão
Cuồn cuộn hiểm nguy mê lộ trùng khơi
Bóng họ đổ trùng trùng trên mặt sóng
Thân xác hóa vào đất đá Hoàng Sa
Đã bao người ra đi tên tuổi họ vùi sâu vào lòng biển
Câu chuyện cổ xưa về tổ tiên ngân nga trong tiếng sóng rì rầm
Những gương mặt sạm đen những ánh mắt rực niềm khao khát
Tạc muôn đời trên mặt sóng Lý Sơn
Ôi Lý Sơn ai đã vẽ vào trời xanh bức tranh huyền diệu
Để tôi tan ra mênh mông lồng lộng đất trời
Bao đời đảo đời người lênh đênh con thuyền mộc
Lênh đênh yêu thương cay đắng những phận người
Tôi chợt thấy một Lý Sơn con thuyền lao vào trùng khơi sóng dội
Lao qua hoàng hôn qua ban mai thăm thẳm biển trời
Tôi chợt thấy một Lý Sơn lửa triệu năm còn đang rực cháy
Một Lý Sơn dựng trường thành sóng biển Hoàng Sa...

Minh họa: Phương Liên