Là một biên kịch, đương nhiên tôi có những quan hệ với các đạo diễn. Một phần vì quan hệ công việc trực tiếp nhưng phần nhiều là do sự mến mộ và hợp sở thích của nhau nên dẫn đến sự thân tình. Đạo diễn Trần Mỹ Hà là một người trong số đó. Mặc dù không làm việc cùng nhau, ông lại ở tít tận phương nam nhưng mỗi khi có dịp gặp gỡ, bao giờ Mỹ Hà cũng là sự lựa chọn được ưu tiên hàng đầu của tôi.
Trong nghề làm phim, đạo diễn đảm nhiệm vai trò quan trọng số một. Một bộ phim dù là phim điện ảnh hay video, truyền hình được hoàn thành bởi rất nhiều thành phần nhưng đạo diễn vẫn là người quyết định. Bởi thế khi phim công chiếu hoặc phát sóng người ta quen gọi phim của đạo diễn A hay B mà ít nhắc đến những thành phần khác và những thành tựu của bộ phim đó nếu là phim xuất sắc thì người thụ hưởng nhiều nhất lẽ đương nhiên phải là đạo diễn. Nói điều này có chút dài dòng để tôi muốn lý giải tại sao các đạo diễn ở xứ ta luôn có kiểu cách khác người. Có thể ở họ có những phẩm chất đặc biệt nhưng theo tôi phần lớn là do thói quen nghề nghiệp mang lại. Cái sự được trọng thị đã khiến một số đạo diễn chọn cho mình một cách thể hiện cố tỏ ra khác biệt. Mỹ Hà không thế. Ai đã có dịp gặp gỡ vị đạo diễn quê gốc Bình Thuận nhưng phần lớn thời gian lại sống ở Đà Lạt này đều dễ dàng nhận thấy vẻ mộc mạc chân chất và rất khiêm tốn của ông trong cái vỏ kiêu bạc tự thân chứ không hề cương cưỡng lên gân.
Năm 1995, trong cuộc vận động sáng tác ba năm 1993-1995 của Nhà xuất bản Kim Đồng, tôi được gặp nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Chị là một nhà văn đồng thời là đạo diễn, diễn viên và trên hết là một nhà biên kịch xuất sắc. Trước đấy, chị là biên kịch của bộ phim điện ảnh nổi tiếng "Hải Nguyệt" mà Mỹ Hà là đạo diễn. Chuyện trò tôi được biết cặp biên kịch, đạo diễn đình đám này từng có thời gian là bạn bè thân thiết của nhau. Ngưỡng mộ Nguyễn Thị Minh Ngọc, tôi càng quý mến Mỹ Hà.
"Hải Nguyệt" là một bộ phim nhựa nổi như cồn cả về chất lượng nghệ thuật cũng như doanh thu phòng vé của một bộ phim nhà nước, sinh ra ở cái thời điện ảnh tư nhân phát triển mạnh mẽ. Thập niên 90 đã xuất hiện tình trạng phim nhà nước được gọi là phim đặt hàng rất khó cạnh tranh với mảng phim tư nhân nhưng "Hải Nguyệt" đã vượt qua được thực trạng ấy. Đây là phim nhựa đầu tay và cũng là duy nhất của đạo diễn Mỹ Hà. Chỉ riêng việc phát hiện và chọn diễn viên Hồng Ánh, một tài năng lớn của điện ảnh Việt phát lộ từ phim này đã đủ cho thấy Mỹ Hà có cặp mắt xanh điện ảnh như thế nào.
Tôi thật sự ấn tượng với Mỹ Hà sau một loạt phim truyền hình của Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) mà ông biên chế ở đó trong vai trò đạo diễn. Những phim video và truyền hình của ông đều là những phim ăn khách và trường tồn với thời gian. Những "Ông cá hô", "Blouse trắng", "Hàn Mặc Tử", "Chuyện ngã bảy"... đều được đồng nghiệp và khán giả đánh giá cao. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không hề biết lý do vì sao Mỹ Hà chỉ làm một phim nhựa duy nhất. Ông vốn kín tiếng nên hiếm khi tâm sự những chuyện tương tự. Có lần tôi gặng hỏi, Mỹ Hà chỉ ầm ào trong cuống họng mấy từ hay dùng với tôi, "tào lao, tào lao".
Phim của Mỹ Hà giành được hầu hết mọi giải thưởng của điện ảnh, từ Bông sen Vàng của Liên hoan phim Việt Nam đến các giải Cánh diều và Liên hoan truyền hình toàn quốc nhưng hiếm có đạo diễn nào như Mỹ Hà, luôn nhắc tới tác phẩm của mình với một sự tiếc nuối có phần mặc cảm. Ông không có thói quen hãnh diện với những thứ mình có. Với tôi, đó cũng là nét lãng tử của Mỹ Hà.
Tại sao lại gọi Mỹ Hà là một lãng tử? Cái chất lãng tử của Mỹ Hà phát tiết ở ngay vóc dáng. Một gã liền ông vâm váp, to lớn, mặt vuông chữ điền đầy chất gai góc, ngang tàng và in hằn dấu vết sóng gió cuộc đời. Râu tóc bạc trắng phơ phất một cách tự phát vô tổ chức và nhờ đám râu tóc này người lạ hiếm ai đoán được tuổi thực của ông. Kỳ thực tuổi của Mỹ Hà luôn ít hơn nhiều diện mạo khuôn mặt.
Lần đi dự đám cưới nhà thơ Bùi Thanh Tuấn tận xứ Mường, Hòa Bình gần chục năm trước, gia chủ bố trí tôi cùng Mỹ Hà và nhạc sĩ Trương Quý Hải ngồi cùng mâm với mấy bậc cao niên nhà gái. Một cụ già ngắm Mỹ Hà rồi hỏi, "chẳng hay năm nay cụ được nhiêu tuổi". Mỹ Hà tỉnh bơ, "cụ đoán tôi bao nhiêu". "Hẳn cụ phải thọ tám chục". Mỹ Hà vuốt vuốt râu lạnh te, "cảm ơn cụ, tôi xêm xêm ngưỡng ấy". Cụ kia cười sung sướng, "vậy chúng ta cùng một trang lứa", hai người cụng ly đầy phấn khích. Tôi và Trương Quý Hải cười ngất. Mỹ Hà, thời điểm đó kém dăm năm mới đầy sáu chục!
Cái sự lãng tử tôi gắn cho Mỹ Hà còn nằm cả ở tính cách của ông. Dường như số phận đặt ra cho ông sự chậm rãi mặc định, trong cả cuộc sống thường nhật hay làm phim. Để viết chân dung ông bạn, tôi hỏi một người bạn là lãnh đạo Hãng phim TFS, rằng Mỹ Hà có làm phim tư nhân hay không? Vị kia cười ngất, Mỹ Hà làm sao nổi được việc đó và cũng chẳng ai giao cho ông làm. Tính Mỹ Hà cẩn trọng và chắc chắn trong công việc. Ông là người biết tiết chế cảm xúc dù bản thân cực mê đắm nghiệp làm phim. Những chọn lựa từ kịch bản đến diễn viên và khâu tác nghiệp hiện trường được Mỹ Hà thực hiện kỹ lưỡng, bài bản. Người như thế thật khó có thể ào ào vào phim như những đạo diễn khác thật.
Trong những cuộc tao ngộ bạn bè, có một Mỹ Hà khề khà không quản thời gian để ngồi thù tạc. Ông trầm tính, ít nói càng không hay thể hiện nhưng nhiệt tình, không nề hà nếu làm được điều gì đó cho bạn bè. Biết tôi vào TP Hồ Chí Minh, Mỹ Hà có thể di chuyển hàng chục cây số, bất kể giờ giấc để tiếp đón. Có lần biết tôi có bệnh gan và tiểu đường, Mỹ Hà chở tôi vào quán của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu, diễn viên thủ vai Sáu Dương trong phim "Ông cá hô" và đang theo một ông thày ở Bình Phước chữa trị bệnh gan. Không chỉ nhờ Lê Vũ Cầu giới thiệu thày thuốc cho tôi, ông còn cùng diễn viên Lê Tuấn Anh nhiệt tình chở tôi vài lượt đi về Bình Phước để cắt thuốc chạy chữa. Việc này khiến tôi vô cùng cảm kích. Lê Vũ Cầu mất sau đó ít lâu vì bệnh nặng. Tôi biết Mỹ Hà có mối thâm tình với người diễn viên tài năng bạc mệnh kia. Điều đó thật đáng trân trọng.
Trần Mỹ Hà cùng tuổi Bính Thân 1956 với tôi. Hình như những người tuổi Thân khá vất vả trong trường đời. Xuất thân là quay phim, Mỹ Hà làm đạo diễn khá muộn mằn. Cuộc đời nghệ thuật của ông tuy không làm nhiều phim nhưng đều là những tác phẩm đặt được dấu ấn cũng bởi sự chắc chắn, cầu toàn. Sự lãng tử của Mỹ Hà còn ở chỗ ít khi ông nói về thành tựu của mình. Những gì qua đi với Mỹ Hà dường như là một cuộc chơi đã kết thúc, không còn gì vương vấn.
Rời khỏi TFS về hưu từ năm 2016, đã ba năm nay chúng tôi không gặp nhau. Không nhiều may mắn trong đời tư, Mỹ Hà thoắt ẩn thoắt hiện, lúc ở nhà con gái, lúc ở nhà anh trai, lúc về Đà Lạt. Và đây, sự lãng tử của Mỹ Hà được thể hiện rõ nhất trong một câu trả lời phỏng vấn của ông, "nếu phim dở là tại tôi". Tôi nghĩ, rất ít ai dám dũng cảm nhận thế. Cái khác người thật đáng yêu của một đạo diễn biết mình là ai, làm được những gì để trầm tĩnh sống. Một Mỹ Hà lãng tử trong đời sống và nghệ thuật, chừng đó là đủ, tôi nghĩ thế.
Mỹ Hà được phong Nghệ sĩ Ưu tú từ năm 1997.