Rồi là một trong mấy tác giả viết kịch bản cho bộ phim Cảnh sát hình sự khá hót một thuở. Tôi nhớ hồi ấy giới thiệu đủ danh xưng không bằng bảo: Đây là tác giả của Cảnh sát hình sự là mọi người ồ à lên ngay. Mà nghe đâu anh có tới hàng chục kịch bản không chỉ mỗi Cảnh sát hình sự. Rồi là nhà báo, ở cả hai tư cách, nhà báo và làm báo. Nhà báo thì không thể kể số lượng những bài báo anh đã viết. Làm báo thì anh từng cầm vai trò trọng yếu nhiều tờ báo, trong đó hai tờ có dấu ấn đậm là Văn Nghệ trẻ và Lao động Xã hội.
Nguyễn Thành Phong có nhiều tài lẻ nữa, trong đó, một trong những cái tài thượng thặng, được bạn bè văn nhân, những người ăn uống thuộc loại tinh, công nhận, là chế biến món ăn, nôm na là làm món nhậu.
Nhắc món ăn bởi đấy là cái nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế, tài hoa, thăng hoa và tiết chế.
Thì nó cũng như làm thơ, làm báo.
Và tập thơ anh mới ra, Đêm ngồi ngã ba sông nó phần nào thể hiện một Nguyễn Thành Phong tài hoa và tiết chế.
Quả thật là, đời tôi chưa bao giờ đọc tập thơ mà lâu và mệt thế, dù rất nhiều trang đã lướt qua, tức là đọc rất nhanh.
Tác giả thì Đêm ngồi ngã ba sông nhưng tôi lại đọc ở đấy một dáng ngồi rất động.
Tập thơ như một hành trình 9 khúc, dù thời gian thơ đâu như chỉ diễn ra khoảng ba, bốn năm chi đó, nhưng nó dồn nén, nó tiêu biểu, nó hiển lộ một không gian rất rộng. Là tôi nói tới một không gian vô hình, không gian tâm tưởng, không gian chiêm nghiệm, không gian sống, không gian của những đau đáu suy nghĩ, đau đáu tâm trạng, của những liên tưởng, hành trình liên tưởng và mơ hồ, một thứ mơ hồ đủ để nhoi nhói, để dư ba, để dẫu mơ hồ nhưng không thể chuội đi.
Diện quan sát liên tưởng của tác giả rất rộng, từ ở tư thế nhà báo, tổng biên tập nữa, nhà thơ, tới cái bệ xi-măng, ngắm con muỗi, thạch sùng, bạn với mèo... Tác giả biến được cái căn phòng bé tí ấy thành thế giới của... thi ca thì quả là ông đã “vô ngã” tới mức nào “Trong cõi tạm bợ này/ Cũng còn bao nhiêu chuyện/ Con mèo nằm lơ đễnh/ Lừa vồ đám thạch sùng/. Đám thạch sùng im lặng/ Vũng đớp muỗi bay qua/ Bầy muỗi lại vo ve/ Lòng vòng hơi máu người/. Lũ ta nằm bất lực/ Suốt ngày dài đêm dài/ Đến khi giải thoát được/ Liệu còn thương con người”.
Ơn giời, ở cõi tăm tối với muỗi, với thạch sùng, với mèo ấy, cuối cùng vẫn là con người, vẫn có con người. Không buông xuôi, không bỏ mặc, không thả lỏng để mình tự trôi vào cõi vô định, cái ánh sáng hắt hiu kia, ánh sáng dự cảm “giải thoát được” vẫn một mong manh con người, dù là một câu hỏi?
Vừa tinh vừa giỏi, như một bố cục số, Nguyễn Thành Phong chia tập thơ 63 bài của mình ra thành 9 khúc. Là để, ít nhất với tôi, sắp chìm vào một vùng mê nào đấy thì lại kịp thoát ra bởi nó mở ra một khúc khác. Quê tôi có những độn cát rất lớn. Muốn ra biển phải đi qua những độn cát ấy. Ngày xưa chưa có đường, hồi mới về quê, tôi rất thích ra biển, chính xác là đi trên những độn cát. Nó luôn mở ra những bất ngờ. Cứ cố vượt một độn cát, nắng và nóng. Hy vọng lên đỉnh là thấy biển. Không ngờ trèo lên đỉnh thì trước mặt lại một độn khác, đỉnh hơn. Cứ thế, có khi liên tục 5, 6 đỉnh độn như thế, tới lúc ta mệt nhoài, định quay về, thì trước mặt ta xanh rờn biển.
Gặp Nguyễn Thành Phong ngoài đời nếu anh không khai đã là ông nội thì thấy đoán tuổi anh là điều bất khả, anh luôn có những chiêm nghiệm khiến ta miên man đi từ thái cực này tới thái cực khác, đi từ trạng huống này tới trạng huống khác, để cuối cùng, về với yên bình tươi xanh: “Trong lòng ta yên tĩnh và đắm đuối/ Nơi bắt đầu những rộn rã đấy thôi” (Từ mình)...
Thế nên tôi đọc thơ Phong với tâm thế là chiêm nghiệm hành trình, một hành trình vừa phát hiện vừa khám phá, vừa tự thú vừa biện minh, vừa đồng hiện vừa bất chợt, vừa trải vừa cuốn, vừa bằng phẳng vừa lô nhô: “Mùa hạ nắng lửa qua nhanh/ Đã kịp vàng thu phấp phới/ Hết đông hoang tàn rét buốt/ Xuân đang nhú màu lá mới”. Mấy câu này không dẫn để minh họa điều tôi vừa viết, mà nó chỉ giản đơn là, nó là bốn mùa.
Còn cái điều tôi viết kia, phải đọc cả tập để thấm “Ông ấy sống không phút giây chán nản/ Để dựng nên hào sảng đời mình” và “Lúc đi bên trời như ánh chớp/ Khi lầm lụi mép rừng nhìn cánh hoa bay”- anh viết về văn nhân, những đàn anh lớn trong nghề, nhưng cũng như là cách để mình tựa vào.
Thì là hành trình nên thơ anh tãi ra ở nhiều không gian thời gian. Nó có làng mình, có quê hương, những vần thơ quê hương trĩu nặng, đọc xong muốn nhao lên một chuyến, những bài thơ viết ở Trường Sa, có những người bạn, từ bạn văn tới bạn học, bạn thân tới bạn thoáng gặp.
Có những vấn đề cá nhân tới quốc gia đại sự, những suy nghĩ cho mình, cho gia đình tới Tổ quốc, dân tộc... anh đưa ta phiêu du trong dằng dặc xúc cảm nhưng vẫn tỉnh táo tiết chế. Cái không gian của anh rất nhiều nốt lặng, nhiều thế động trong tĩnh. Như cái sân chùa này: “Lá đa bay trong rùng rùng gió thổi/ Ngập sân chùa còn chỗ quét hay không!”. Và cuộc cờ cũng lắc cắc binh đao: “Người chơi cờ xưa quân đi như bấc/ Mà xoay vần mà thảng thốt nhân gian”.
Tôi thích đọc thơ như một cách đuổi bắt cảm xúc. Và vì thế mà thích sự thập thững của cảm xúc, để nó tạo nên một ma trận, để ta không biết được phía trước là gì, để luôn gặp những bất ngờ, luôn hưng phấn háo hức kiểu như thời sinh viên hẹn người yêu rồi hồi hộp vì trong lúc đợi đến giờ thì vẩn vơ lo lắng rằng nàng có đến không, nàng mặc áo mầu gì, nàng vui vẻ hay chịu đựng, thậm chí là nàng có chịu cho ta... thơm không?
Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ của nhà thơ Nguyễn Thành Phong:
Nhớ Sơn La
Mình ơi ta nhớ Sơn La quá
Châu Mộc xa vời một giấc xanh
Núi hoa ban tím ngày sương mỏng
Lau trắng ngời lên một khởi hành
Ta thành một kẻ phân thân mới
Ngọn gió vô hồi cuộn đôi nơi
Đường dài thung thẳm chiều đang đến
Chân bước chập chùng thương nhớ ơi!
Dưới mái hiên quê
Đã đi suốt những chặng đường tít tắp
Những khúc bằng, khúc ngoặt, khúc ngang
Nghe chuyện lạ bốn phương không lạ nữa
Về ngồi dưới hiên quê thư thả ngắm làng.
Lá khô cũ vun thêm vào đống rấm
Trong vườn xưa khói ấm thơm nồng
Nghe rét ngọt giữa chiều đang trở gió
Cây âm thầm chuyển nhựa cuối ngày đông.
Rồi ràn rạt nảy búp chồi xuân mới
Những vòm xanh khao khát lá cành
Rồi qua nắng qua mưa qua bão tố
Rụng xuống vườn nhẹ những bước chân.
Nào người mới hãy lên đường đi nhé
Đừng ngại gì gian khó với tai ương
Rồi thanh thản trở về nơi chốn cũ
Chỗ tôi ngồi đây hiên vắng cây vườn...