Động lực từ các cô gái đua thuyền

|

Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, thể thao Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui khi các VĐV nỗ lực thi đấu để giành thêm suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024 đang gần kề. Trong đó là 2 tấm vé đánh dấu sự phi thường đến từ các tay chèo nữ.

Nguyễn Thị Hương, sinh năm 2001, quê Vĩnh Phúc đã làm nên lịch sử với tấm vé chính thức tham dự Olympic đầu tiên cho canoeing Việt Nam. Ở vòng loại châu Á diễn ra tại Nhật Bản, Hương đã về đích thứ 2 nội dung thuyền đơn nữ C1 200m với thời gian 49,351 giây, qua đó giành quyền góp mặt tại Olympic Paris diễn ra ngày 26/7. Trước đó, VĐV canoeing Đoàn Thị Cách đã từng tham dự Olympic Athens 2004 tại Hy Lạp nhưng theo suất đặc cách và thời gian để canoeing Việt Nam làm nên lịch sử kéo dài đúng 20 năm. So với rowing là môn có truyền thống từ lâu thì canoeing ít nổi bật hơn. Nhưng sự xuất hiện của Nguyễn Thị Hương đã mang đến làn gió mới. Tại SEA Games 31 trên sân nhà, cô giành được 5 HCV. Đến SEA Games 32 khi canoeing không được chủ nhà Campuchia đưa vào thi đấu, Hương chuyển sang đua thuyền rồng và cũng sở hữu thêm 3 HCV.

Cũng trong ngày hôm đó, chỉ ít lâu sau kỳ tích của Nguyễn Thị Hương, Phạm Thị Huệ (rowing) tiếp tục mang về tin vui khi chính thức đoạt vé đến Pháp. Ở phần thi chung kết nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng, tuyển thủ 34 tuổi cán đích ở vị trí thứ 5 với 7 phút 53 giây 08, đủ điều kiện tham dự Thế vận hội. Đây là phần thưởng xứng đáng, nhiều ý nghĩa với tay chèo bền bỉ, luôn khát vọng vươn cao này. Bởi cơ hội từng đến với cô gái quê Quảng Bình tại Olympic Rio 2016 và Tokyo 2020. Nhưng dù đạt chuẩn, các quy định hạn chế về số VĐV tham dự ở từng quốc gia khiến Huệ phải ngậm ngùi nhường suất cho các đàn em. Trong khoảng 10 năm qua, hình ảnh Phạm Thị Huệ xuất hiện trên bục nhận huy chương ở các giải đấu lớn đã trở nên quen thuộc. Cho đến nay, cô đã sở hữu 4 tấm HCV SEA Games, 2 HCB và 2 HCĐ ASIAD cùng nhiều thành tích khác.

Phạm Thị Huệ bền bỉ thực hiện giấc mơ tham dự Thế vận hội. (Ảnh trong bài: TTVN)

Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam Nguyễn Hải Đường, giành vé tham dự đã khó, để giành huy chương tại đấu trường Olympic càng khó hơn. Dù vậy, đua thuyền Việt Nam vẫn đặt quyết tâm cao nhất, nỗ lực tập luyện, sẵn sàng chinh phục đấu trường này. Ngay sau khi trở về, Nguyễn Thị Hương và Phạm Thị Huệ sẽ tiếp tục tập luyện tích cực theo chương trình, giáo án huấn luyện của chuyên gia. Trong đó, rowing tiếp tục có sự đồng hành của chuyên gia người Australia Joseph Donnelly. Đến tháng 6, cả 2 cùng toàn đội sẽ tranh tài tại giải vô địch Đông Nam Á tổ chức tại Hải Phòng.

Đua thuyền hiện đại bao gồm canoeing và rowing, bắt đầu phát triển ở Việt Nam vào năm 1996 và nhanh chóng lan rộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Dù là môn thể thao đòi hỏi sự phát triển về thể hình và thể lực lớn nhưng qua thực tế đến nay, đua thuyền đã chứng minh sự thích ứng với VĐV Việt Nam và là một trong những đội tuyển trọng điểm được tập trung tập luyện để tranh tài tại các giải lớn.

Trải qua gần 30 năm phát triển, đua thuyền Việt Nam đã giành được nhiều thành tích đáng nể trên đấu trường quốc tế như 9 HCV SEA Games 28 xếp thứ nhì toàn đoàn; 1 HCB, 2 HCĐ tại ASIAD Incheon năm 2014. Đặc biệt tại ASIAD 18-2018, rowing xuất sắc giành 1 HCV và 1 HCB. Đến SEA Games 31, đội tuyển đua thuyền Việt Nam đã giành tổng cộng 16 HCV... Năm nay, lần đầu tiên cả canoeing và rowing cùng góp mặt tại Thế vận hội lớn nhất thế giới. Nếu đây là chiếc vé chính thức đầu tiên của canoeing, thì với rowing là lần thứ 5 có VĐV vượt qua vòng loại Olympic, giành vé chính thức.

Tuy nhiên, cũng như nhiều môn khác, đua thuyền Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về công tác tuyển chọn tài năng và kinh phí để phát triển. Để thật sự vươn tầm châu lục và thế giới, đua thuyền vẫn cần có chiến lược bài bản trong việc đầu tư vào thế hệ kế cận để phát triển đường dài. Những năm gần đây, trong hệ thống thi đấu quốc gia của bộ môn đua thuyền Việt Nam đã có giải đấu dành cho lứa VĐV trẻ, thu hút hàng trăm tay chèo triển vọng khắp các đơn vị trong cả nước. Đó là tín hiệu đáng mừng và cần được nhân rộng để tạo sân chơi cho các VĐV có cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, cũng tăng cơ hội phát hiện thêm tài năng cho các cấp độ đội tuyển quốc gia.

Thành công đến từ sự kiên cường của Phạm Thị Huệ và bản lĩnh của Nguyễn Thị Hương sẽ là tấm gương, động lực lớn để thúc đẩy sự phát triển bộ môn đua thuyền trên cả nước.