Phát triển cây xanh đô thị đảm bảo an toàn, hiệu quả

|

Sự cố gãy nhánh cây gây chết người ở TPHCM vừa qua, cùng với việc hàng chục ngàn cây xanh ngã đổ ở Hà Nội trong cơn bão Yagi, cho thấy mảng xanh đô thị đang còn những lỗ hổng. Từ đó, đòi hỏi đặt ra yêu cầu phát triển cây xanh đô thị phải đảm bảo vừa an toàn, vừa hiệu quả...

Từ không gian xanh khu dân cư

Việc phát triển mảng xanh trên các tuyến đường giao thông nông thôn góp phần tăng độ che phủ cây xanh, hạn chế xói mòn, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, nhất là trên địa bàn các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn (TPHCM).

Khi di chuyển dọc con đường Trung Lập (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi), mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy ở trước cổng nhà người dân trồng rất nhiều loại hoa, cây xanh đủ sắc màu, tạo nên một không gian khá đẹp mắt. Còn tại ấp 8, xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn), hầu hết trước mỗi hộ đều có một mảng xanh hoặc rau màu.

Mảng xanh hẻm 16/55 đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chị Tô Thị Kim Loan (ngụ ấp 8, xã Nhị Bình) cho biết, mỗi ngày vào khoảng 6 giờ sáng chị đều chăm sóc giàn hoa mười giờ, các chậu tía tô cảnh phía trước cổng nhà.

“Mảng xanh là gia đình tự trồng và chăm bón. Thời tiết nắng nóng nhưng trước cổng nhà có cây, có hoa cũng cảm thấy không khí trong lành hơn, đặc biệt giúp tạo cảnh quan không gian chung cho xóm làng”, chị Loan chia sẻ.

Là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hóc Môn, các hoạt động xây dựng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp đều được chị Loan tham gia tích cực, lan tỏa những hành động đẹp góp phần tăng không gian xanh trên địa bàn sinh sống.

Chị Nguyễn Thùy Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hóc Môn, cho biết, nhận thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tạo mảng xanh trong không gian sống, hội thường xuyên tổ chức các hoạt động xây dựng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, an toàn bằng các mô hình thiết thực như: tuyến đường hoa cấp xã; ngõ xóm sạch đẹp; cải tạo các điểm ô nhiễm về rác thành công viên/khóm hoa mini; phát động gia đình hội viên phụ nữ trồng hoa tạo cảnh quan trước nhà...

Giai đoạn 2021-2025, Hội LHPN huyện Hóc Môn duy trì được 23 tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị để trồng cây xanh và hoa các loại. Đồng thời, thực hiện cải tạo 5 điểm ô nhiễm về rác thành công viên, khóm hoa mini; phát động gia đình hội viên trồng 8.800 chậu hoa, cây xanh tạo cảnh quan trước nhà...

“Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện cải tạo, chuyển đổi các khu vực ô nhiễm do tồn đọng rác thải lâu ngày, duy trì đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường, mỹ quan và trồng cây, trang trí, tạo mảng xanh tại các khu vực đã cải tạo”, chị Nguyễn Thùy Linh thông tin.

Nhiều năm nay, trong các con hẻm của TPHCM, người dân cũng tận dụng các không gian nhỏ để cải tạo thành mảng xanh cho khu dân cư. Tại con hẻm 153 đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM), nhiều hộ dân rất tích cực trồng cây xanh.

Từ vài chậu cây ban đầu, các hộ trồng thêm các loại cây, hoa từ trong nhà ra đến ngoài hẻm, thậm chí trên những mảng tường cũ cũng được tận dụng để treo các chậu cây nhỏ, giàn cây leo...

Đến tăng không gian công cộng

Thời gian qua, các đơn vị, quận huyện tại TPHCM đã tích cực xây dựng các dự án công viên để tăng mảng xanh đô thị, như: dự án Công viên du lịch sinh thái Hóc Môn có diện tích khoảng 6,14ha; dự án công viên tại Khu dân cư Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) rộng 5,8ha được cải tạo từ điểm trung chuyển rác...

Đầu năm nay, dự án Công viên bờ sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) cũng chính thức đi vào sử dụng, đã thu hút lượng khách rất lớn đến tận hưởng không gian thoáng, đẹp. Đây được đánh giá là công viên ven sông lớn nhất TPHCM có diện tích 20ha.

Với tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, TPHCM cần đạt tỷ lệ cây xanh là 12-15m²/người. Bên cạnh đó, diện tích công viên cây xanh phải đảm bảo theo quy định tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 là 2,5-12m² đất cây xanh/đầu người.

Theo TS Đinh Quang Diệp, chuyên gia về lâm nghiệp đô thị Trường Đại học Nông lâm TPHCM, để đạt mục tiêu diện tích cây xanh đô thị không dưới 0,65m²/người đến năm 2025, TPHCM cần phát triển thêm 150ha đất công viên, 10ha đất mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh đô thị. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển mảng xanh chỉ đạt 0,55m²/người như hiện nay thì thành phố khó đạt được chỉ tiêu nêu trên.

Để tăng cường mảng xanh đô thị TPHCM, TS Đinh Quang Diệp đưa ra giải pháp cần quy hoạch mảng xanh một cách bài bản và loại bỏ những loài cây không đạt chuẩn.

“Theo khảo sát sơ bộ, TPHCM có khoảng 4.000 cây xanh không đáp ứng tiêu chuẩn về chủng loại cây trồng đô thị như sọ khỉ, bàng, điệp phèo heo, các loài sung, si... Để xử lý số cây này, cần có đánh giá cụ thể từng loại cần bỏ đi và giữ lại. Cây nào trong danh mục mà phát huy tác dụng, phù hợp với các tiêu chí đô thị hiện nay thì phải đưa vào diện bảo tồn. Cây nào già cỗi, đường kính tiết diện lớn, nguy cơ gãy đổ cao thì phải thanh lý để bảo đảm an toàn”, TS Đinh Quang Diệp đề xuất.

Theo các chuyên gia môi trường, trước tình trạng thiếu mảng xanh công cộng như hiện nay, TPHCM cần tập trung phát triển các mảng xanh công cộng vùng ven đô.

Đồng thời, có thể xây dựng các công trình vườn xanh, vườn treo, vườn trên mái, sân thượng, khuyến khích người dân chủ động trồng cây ở nơi mình sinh sống. Chính quyền TPHCM cần quy hoạch phát triển mảng xanh bài bản hơn, tuân thủ nghiêm quy định về chỉ tiêu, tỷ lệ mảng xanh.

Theo Quyết định số 117/ QĐ-BHTĐT của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM về kế hoạch phát triển công viên cây xanh trên địa bàn thành phố, trong giai đoạn 2024-2025 sẽ phát triển tối thiểu 68ha công viên công cộng, tối thiểu 4ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh.

Giai đoạn 2026-2030 tập trung đầu tư các công viên quy mô lớn tại TP Thủ Đức, quận 12, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn.