Cuối năm ngoái, chúng tôi lên đường đi tới khu vực tám xã biên giới bắc Dào San (Phong Thổ, Lai Châu) để tìm một cái chợ “trong truyền thuyết” gọi là chợ Sừng! Nghe nói chỉ có ở Dào San. Từ thị xã Lai Châu đi ngược núi 70 km thì đến Dào San. Tới nơi, chợ thì vẫn có nhưng… Sừng thì chẳng còn. Thiếu tá Ðỗ Ðình Cường, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Dào San cho hay: Tên gọi chợ Sừng là chỉ phiên chợ hằng tuần của bà con các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì trước đây họp ở Dào San, cứ họp vào ngày các con có sừng trong lịch (ngày con trâu, con dê), trung bình cách nhau sáu ngày. Nhưng sau này, UBND xã Dào San thấy phức tạp bèn “cải cách”, cho xây chợ mới, và điều hành cho chợ phiên họp vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Chợ vẫn đông như thế, nhưng tính chất, cách tính truyền thống lại không còn đặc trưng nữa. Tuy nhiên, anh Cường mách: Vẫn còn một chợ Sừng nữa, của người Dao đỏ ở Sì Lở Lầu, họp phiên đúng như vậy, nhưng cách Dào San 40 km nữa, đường đang làm dở rất khó đi… Thế là chúng tôi quyết định, ở lại Dào San, đợi đúng ngày con trâu, phải tìm bằng được chợ Sừng nguyên bản…
Ở lại Dào San hai ngày, cho đến ngày con trâu, chúng tôi đi từ sáng sớm. Ðoạn đường có bốn mươi cây nữa thôi mà đúng là trập trùng hiểm trở, thường xuyên đi sát mép vực với mặt đường lún sụt, sửa dở dang, thi thoảng lại có hòn đá mồ côi to tướng rơi đêm trước thù lù giữa đường… Ba giờ sau mới tới nơi, thực là thỏa lòng ước ao vì được thấy tận nơi một phiên chợ miền núi nguyên bản, họp hai bên đường cái, những gian hàng lợp tranh tre nứa lá hoặc mái tôn, nylon tạm bợ trên con đường dài gần một km cạnh vách đồi, dưới chân là vực sâu, đi xuyên qua một bản Dao gọi là bản Gia Khâu. Trạm biên phòng “cửa khẩu” cũng ở gần nơi ấy. Trong trạm, một sĩ quan biên phòng tuổi trung niên, người thấp đậm, da ngăm đen đang ngồi nói chuyện bằng tiếng Quan Hỏa với hai phụ nữ người Dao đỏ. Tiến lại gần định hỏi thăm, thì người sĩ quan thốt nhiên quay lại nói: Người Việt mình cả đây mà. Cậu ở dưới xuôi vừa lên hả, có cần gì không? Làm quen, anh tên là Nguyễn Ðức Triệu, thiếu tá ở trạm này, anh đang làm thủ tục xét giấy thông hành tạm thời của những người dân Dao bên kia biên giới sang đi chợ. Trưa nay nhất định phải ăn cơm ở trạm…, anh Triệu bảo.
Trưa hôm ấy, được gặp đầy đủ các chiến sĩ, sĩ quan trong trạm. Ðó là Trung úy Hiệp (trạm trưởng), Thiếu tá Nguyễn Văn Dũng, Thiếu tá Nguyễn Ðức Triệu, Ðại úy Nguyễn Xuân Thoàn, Thượng úy Lê Viết Toàn,... Họ đều là những sĩ quan của Ðồn Biên phòng Sì Lở Lầu, được cử ra canh giữ ở trạm đường biên này. Bữa ăn rất vui vẻ với món rượu mầm thóc đặc sản của Sì Lở Lầu, ngoài một số món đặc trưng ở đây, còn có món chân giò luộc nhừ với mùi vị rất ngon. Cô bạn đi cùng đoàn chúng tôi hỏi: Ở đâu ra món chân giò tuyệt vời thế này hả các anh? Thì tất cả các sĩ quan biên phòng đều cười chỉ vào anh Triệu: Không mua được đâu, của anh Triệu mới đi cúng tối qua đem về đấy. Ðây là phần cỗ dành cho thầy cúng!
Tất cả chúng tôi… bật ngửa người vì lạ lùng và buồn cười, hỏi chuyện thêm thì được biết, ở đồn đây ai cũng thông thạo một cho đến hai “ngoại ngữ”. Ðại úy Thoàn nói giỏi tiếng Hà Nhì, Thượng úy Toàn nói được tiếng Dao Tiển, còn Thiếu tá Triệu thì nói giỏi tiếng Dao đỏ và tiếng Quan Hỏa, giỏi đến mức như và còn hơn cả người Dao bình thường vì anh biết các bài cúng bằng tiếng Dao đỏ. Người dân quanh trạm dựng nhà, đi kéo vợ, hay công to việc lớn gì liên quan đến “tâm linh” đều đến nhờ “thầy Triệu” đến cúng. Thật đúng là chuyện trần đời có một, chiến sĩ biên phòng mà đạt đến mức dân vận “siêu” như vậy thì chưa ai nghe thấy bao giờ. Thấy chúng tôi thích thú tỉ tê hỏi han, Thiếu tá Triệu cũng cởi mở kể chuyện. Anh vốn là người quê Thái Bình, 19 tuổi đầu quân làm lính Biên phòng Lai Châu từ năm 1987, đợt tăng cường sĩ quan, chiến sĩ nhiều nhất cho Biên phòng Tây Bắc. Và từ đó đến nay, anh chỉ “loanh quanh” đi lại trong khu vực tám xã bắc Dào San, gồm ba đồn: Sì Lở Lầu, Dào San, Vàng Ma Chải. Thiếu tá Triệu cho biết, hồi mới lên đây, phải cuốc bộ 40 km từ Dào San vào đây, dân không một ai biết nói tiếng Kinh, nhìn thấy bóng bộ đội biên phòng là đóng cửa, “nếu không học tiếng của bà con thật nhanh thì chỉ có nước… chết đói”, anh cười. Mới đầu là học tiếng để làm quen, để hỏi đường, sau đó là để tuyên truyền vận động bà con. Dần dà anh Triệu làm quen với các thầy cúng, những “thủ lĩnh tinh thần” của người bản địa, đi theo họ, nghe họ cúng. Các thầy cúng thấy chàng lính biên phòng trẻ, ham học tiếng Dao, nước da lại ngăm đen như thanh niên Dao chính cống nên cũng nhiệt tình dạy các bài cúng và cách thức cúng bái. Thế rồi những thầy cúng già cũng đến tuổi ra đi, trong vùng thầy cúng chẳng còn ai, chỉ còn “thầy Triệu” đeo quân hàm xanh, nhưng thuộc làu làu các bài cúng thổ công, dựng nhà, cưới hỏi…
Ðã 30 năm sống với bà con, bây giờ Thiếu tá Triệu đã có một gia đình ấm cúng ở Mường So, thủ phủ cũ của huyện Phong Thổ. Nghe chúng tôi ngỏ ý muốn viết báo về câu chuyện này, Thiếu tá Triệu và các sĩ quan khác vội xua tay rối rít bảo không được, nghe nó cứ “trái tuyên truyền” thế nào ấy, làm cả đoàn chúng tôi buồn cười.
Trên đường về, cả đoàn chúng tôi cứ trầm trồ mãi câu chuyện “thầy cúng Triệu” này. Tấm tình của những chiến sĩ biên phòng với đồng bào dân tộc đang góp phần giữ yên bờ cõi để vùng đất đai cương thổ mãi ấm những mùa xuân.
Tiếng dân tộc không còn là rào cản đối với các chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu.