Một thuở chiếu bóng ở lưng trời

|

Ngày đó không biết cả nước có bao nhiêu đội chiếu bóng, chỉ biết đội chiếu bóng của Hà Giang mang tên số 43 và được thành lập năm 1956, quân số chỉ gần chục người. Đồng chí Nông Văn Giảo được cử làm đội trưởng, Nguyễn Văn Vịnh làm đội phó…

Những năm tháng đó, duy nhất tuyến đường từ thị xã Hà Giang đi Bắc Quang là có xe ngựa, còn các cung đường phía Tây Hoàng Su Phì - Xín Mần và cao nguyên đá Đồng Văn gồm bốn huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh chỉ là đường mòn chênh vênh vực đá, hun hút vực đất... Các thành viên của đội phải gồng mình khiêng máy chiếu, máy nổ, địu xăng, chưa kể quân tư trang để đến tận các xã thuộc các huyện xa xôi chiếu phim phục vụ đồng bào, nhất là các xã vùng cao, miền núi hẻo lánh.

Có những đợt công tác không kể năm hết Tết đến, cứ đi - đến và chiếu để phục vụ bà con các dân tộc, phục vụ các đơn vị thanh niên xung phong mở cung đường Hạnh Phúc. Những chuyến đi đó vô cùng gian nan, vất vả nhưng lại ăm ắp kỷ niệm buồn vui… Có lần cả đội hành quân từ Niêm Sơn đi Đồng Văn, đã vào dịp cuối năm nên anh em xác định sẽ ăn Tết cùng đồng bào tại Đồng Văn. Ngựa thì thồ máy nổ, các thành viên trong đoàn ngoài quân tư trang còn cõng thêm phim, lương thực, thực phẩm… Khi đi tới Mã Pì Lèng dù chưa muộn song sương mù đã dày đặc, cả người và ngựa phải dò dẫm từng bước, từng bước, dù rất cẩn thận song đang đi ngựa bỗng trượt móng… Toàn đội thót tim khi nghe tiếng ùm xòe, ùm xòe dưới tận vực sâu… Thật may! Ngựa mắc núi nên không rơi chết, nhưng toàn bộ máy chiếu, máy nổ, bình xăng trên lưng ngựa lăn cả xuống sông Nho Quế. Cả đội ngồi phịch xuống đỉnh đèo, tưởng như không còn hơi sức để nhặt máy từ mấy trăm mét hun hút vực sâu. Rồi khi nhặt được máy lên thì đã hỏng hết thì lại tưởng không đủ hơi sức quay trở lại thị xã Hà Giang đổi máy móc nữa…

Chọn phim đi phục vụ ngày Tết. Ảnh tư liệu

Nhưng rồi nhiệm vụ vẫn là trên hết, cả đội xốc lại quân tư trang, lại cuốc bộ gần hai trăm km về thị xã Hà Giang nhận máy chiếu khác để phục vụ đồng bào đúng kế hoạch.

Đi chiếu phim đã vất vả vậy, nhưng công tác hậu cần phục vụ đội chiếu bóng cũng không hề đơn giản. Khi đó đội chiếu bóng số 43 được gọi là chi nhánh 4 trực thuộc Khu Tự trị Việt Bắc, mỗi quý một lần, chàng thanh niên Nông Tú Tường đảm nhận công tác kế toán của đội, lại đạp xe đạp từ Hà Giang sang Thái Nguyên lĩnh kinh phí, vật tư, vật liệu và phim mới cho đội, cả đi về cũng tới hơn bốn trăm km. Ông vẫn còn nhớ những bộ phim được yêu thích thời kỳ đó là: “Bài ca thảo nguyên”, “Tiếng hát người chăn ngựa”, “Duyên tiên”, “Lôi Phong”, “Cờ hồng trên núi Thúy”… Chủ yếu là phim của Trung Quốc và Liên Xô. Bù lại gian nan, vất vả của toàn đội chính là tình cảm của nhân dân nơi đội chiếu bóng tới phục vụ. Đội đi tới đâu cũng được bà con tiếp đón nồng hậu. Chỉ cần nghe tiếng máy nổ, tiếng loa phát thanh a lô, a lô... hôm nay tại sân bãi trung tâm thôn... bản có chương trình chiếu phim phục vụ đồng bào, kính mời toàn thể bà con, các cháu thanh thiếu nhi tới xem... là bà con đã mang ghế xếp hàng từ chiều. Những buổi tối như vậy, bà con rất phấn khởi, đặc biệt thanh niên thật háo hức, các cụ già, trẻ em luôn ngồi lần lượt sát với màn ảnh, thanh niên nam nữ thường đứng túm tụm vòng ngoài, thi thoảng có đôi len lén nắm tay nhau... Kết thúc buổi chiếu phim thường các thành viên của đội chiếu bóng được bà con bồi dưỡng cháo gà và bao giờ cũng kèm theo mấy bát rượu ngô thơm nồng men lá...

Là người xóm Thiên Hương quanh năm ủ trong sương mù thuộc huyện Đồng Văn, nay đã ở Hà Nội, nhưng mỗi năm đôi ba bận, người nghệ sĩ già Nông Tú Tường - hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên FIAP quốc tế, lại lặn lội đường Hà Nội - Hà Giang, ngược đèo, ngược dốc cao nguyên đá Đồng Văn để tìm kiếm những khuôn hình đẹp. Cảm xúc tươi mới về cuộc sống vẫn lung linh trong ông như thuở còn là chàng trai trẻ trong đội chiếu bóng năm nào.