Phóng viên (PV): Thưa Tổng Thư ký, có thể xem sự hình thành Cộng đồng ASEAN là dấu mốc quan trọng trong tiến trình liên kết ASEAN. Theo ý kiến của ông, điều đó thể hiện như thế nào?
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh (TTK): Kể từ khi ra đời năm 1967 với chỉ năm nước thành viên và nội dung hợp tác chủ yếu trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, ASEAN trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từng bước hội nhập, mở rộng thành viên, nay bao gồm 10/11 quốc gia Đông - Nam Á gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và có trách nhiệm xã hội. Sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là kết quả của các nỗ lực nhiều thập niên qua, đặc biệt từ khi ASEAN thông qua Hiến chương ASEAN năm 2007 và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2008, là dấu mốc quan trọng trong tiến trình liên kết các quốc gia thành viên của ASEAN vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng. Sự hình thành Cộng đồng ASEAN đặt nền móng cho ASEAN bước sang giai đoạn phát triển mới với mức độ liên kết, hội nhập cao hơn, trên cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn, tiến tới xây dựng một Cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm.
Với dân số 625 triệu người, nằm ở trung tâm tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn rất năng động, với tổng GDP và tổng giá trị thương mại đều hơn 2.500 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á và thứ bảy trên thế giới, gắn kết chặt chẽ hơn về mọi mặt, có quan hệ đối tác với tất cả các nước và các tổ chức khu vực, quốc tế lớn, ASEAN sẽ nâng cao vị thế quốc tế, đóng vai trò lớn hơn và hiệu quả hơn trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác vì phát triển bền vững ở khu vực và thế giới.
PV: ASEAN sẽ chú trọng những kế hoạch hành động nội khối cũng như kế hoạch hợp tác ra sao trong 10 năm tới để phù hợp vị thế mới, vai trò mới?
TTK: Xây dựng và củng cố Cộng đồng là một quá trình. Việc thành lập Cộng đồng ASEAN là bước khởi đầu cho một hành trình dài hơi. Tầm nhìn ASEAN 2025 kế thừa và phát huy những thành quả của tiến trình liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng những năm qua. Tầm nhìn ASEAN 2025 được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 vừa qua ưu tiên tăng cường thể chế, văn hóa thực thi, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ba trụ cột.
Nội dung xuyên suốt của Tầm nhìn ASEAN năm 2025 là củng cố Cộng đồng theo hướng Cộng đồng ASEAN sẽ là một Cộng đồng thật sự hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. Nội dung chủ đạo này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt ba trụ cột của Cộng đồng, theo đó người dân sẽ được sống trong môi trường hòa bình, ổn định và hòa hợp; được tạo điều kiện phát triển bền vững và thịnh vượng trong một không gian kinh tế mở, có khả năng cạnh tranh cao; được tiếp cận các dịch vụ và phúc lợi xã hội toàn diện, với các giá trị và bản sắc văn hóa đặc sắc được gìn giữ và tôn trọng. Để biến Tầm nhìn ASEAN 2025 thành hiện thực, các Kế hoạch tổng thể cho ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội đã đề ra các biện pháp mang tính chiến lược làm cơ sở xây dựng các biện pháp cụ thể theo hướng thiết thực và khả thi, có thời hạn thực hiện rõ ràng nhằm tạo ra tác động tích cực và thực chất đến đời sống người dân.
Giữ vững hòa bình, ổn định và an ninh khu vực tạo điều kiện cho ASEAN tập trung vào công cuộc phát triển là một ưu tiên quan trọng trong Tầm nhìn ASEAN năm 2025. ASEAN sẽ tiếp tục đề ra các biện pháp tăng cường đoàn kết, thống nhất và nêu cao vai trò trung tâm trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực, trong cấu trúc khu vực đang định hình.
PV: Đoàn kết, hướng đến cái chung để tạo dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh là điều chúng ta cần làm nhưng mỗi thành viên cũng cần phải duy trì bản sắc. Liệu hai điều này có mâu thuẫn không? Các thành viên ASEAN phải làm gì để tăng cường liên kết trong một cộng đồng chung trong khi vẫn có những khác biệt không tránh khỏi về thể chế chính trị, về văn hóa, sự chưa đồng đều trong phát triển kinh tế?
TTK: ASEAN là một trong những tổ chức khu vực đa dạng nhất thế giới cả về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, chế độ chính trị, trình độ phát triển. Thành công lớn nhất thể hiện nhãn quan chính trị sắc bén của các nhà lãnh đạo ASEAN là đã biến sự đa dạng từ chỗ là một điểm bất lợi, thậm chí là nguyên nhân của các mối quan hệ hiềm khích khiến nhiều khu vực trên thế giới chìm sâu trong tình trạng bất ổn định, bạo lực, thậm chí chiến tranh triền miên..., thành một lợi thế trong quá trình liên kết, hội nhập khu vực.
ASEAN duy trì đoàn kết, nhất trí trên cơ sở các cam kết chung và trách nhiệm tập thể đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ của nhau dựa trên các điều khoản của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông - Nam Á (TAC) và Hiến chương ASEAN. Chính “Phương cách ASEAN” kết tinh những nguyên tắc cơ bản của hai văn kiện quan trọng đó tạo dựng sự tin cậy giữa các nước thành viên, điều hòa lợi ích riêng của mỗi nước thành viên và lợi ích chung của Cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo điều kiện cho ASEAN duy trì và tăng cường vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình.
PV: Người dân các nước ASEAN nói chung và người dân Việt Nam nói riêng được hưởng những lợi ích gì khi Cộng đồng ASEAN hình thành?
TTK: Với việc hình thành Cộng đồng ASEAN, ASEAN sẽ có điều kiện xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định vững chắc hơn, gắn kết kinh tế và phồn vinh cho nhân dân các nước Đông - Nam Á. Sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với một thị trường duy nhất, một cơ sở sản xuất duy nhất, kết nối tốt hơn, các lĩnh vực dịch vụ được tự do hóa, lao động lành nghề được tự do di chuyển, tạo điều kiện tăng cường thương mại, đầu tư nội khối và với các đối tác. Khả năng cạnh tranh được tăng cường giúp các nền kinh tế ASEAN tham gia dễ dàng hơn các chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, nâng cao khả năng thích ứng với tác động của tình hình bất ổn ngoài khu vực. Với sự hình thành Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, ASEAN hướng tới xây dựng một xã hội sẻ chia, có trách nhiệm, hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực dân sinh, người dân ASEAN sẽ được chăm lo tốt hơn, được thụ hưởng phúc lợi cao hơn, một môi trường sống trong lành, an bình hơn, có điều kiện giao lưu rộng rãi, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và thưởng thức tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác...
PV: Một trong những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ là hướng tới xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Là người Việt Nam, là công dân ASEAN và là Tổng Thư ký ASEAN, xin ông cho biết cảm xúc của mình về sự kiện hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015?
TTK: Nhiệm kỳ Tổng Thư ký ASEAN của tôi trùng khớp với hai thời khắc lịch sử của ASEAN là sự ra đời của Cộng đồng ASEAN năm 2015 và Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN vào năm 2017. Là công dân Việt Nam, công dân ASEAN, tôi tự hào đã, đang và sẽ được đóng góp, là một phần trong nỗ lực chung của ASEAN tạo nên hai dấu mốc quan trọng này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.