Tết xanh ở Trường Sa

|

Ở Trường Sa “đầu sóng, ngọn gió”, khí hậu khắc nghiệt, nước ngọt khan hiếm, rau xanh được ví như “gạo châu, củi quế”. Tự túc sản xuất đủ nhu cầu rau xanh trong bữa ăn của chiến sĩ tưởng chỉ là điều trong mơ. Vậy mà, nhờ nỗ lực của những cán bộ nông nghiệp cùng với bộ đội, ý tưởng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa ở quần đảo Trường Sa đã thành hiện thực.

Vừa trở về đất liền sau hai tháng công tác hỗ trợ kỹ thuật dự án trồng rau, hoa cho các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa, anh Ngô Xuân Chinh, Phó Trưởng phòng Rau, hoa, cây cảnh (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền nam - KHKTNNMN) vẫn chưa hết mệt mỏi sau chuyến đi dài mùa biển động. Nhưng anh tỏ ra hào hứng nói chuyện về công việc mà anh cùng đồng nghiệp đang làm. “Tham gia công việc này từ năm 2012, chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Điều đáng mừng là dự án đi đến đâu đã giải quyết ngay tình trạng thiếu thốn rau xanh ở đảo đó. Thành quả bây giờ là những vườn rau xanh bắt mắt. Anh em bộ đội không chỉ được vật chất mà còn được cả lĩnh vực tinh thần. Công việc ở đảo có quá nhiều thách thức phải vượt qua. Vậy mà về đất liền lại nhớ đảo vô cùng”, anh Chinh tâm sự.

Từ năm 2012, đoàn công tác của các cán bộ nông nghiệp thuộc Viện KH KTNN MN đã đặt chân lên các đảo ở Trường Sa để khảo sát và triển khai dự án sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt nhất là giải pháp lắp đặt các nhà kính tại các đảo nổi và cung ứng lồng che chắn bằng composite cho các đảo chìm để trồng rau, hoa. Ý tưởng giúp bộ đội trồng rau và chăn nuôi trên đảo luôn thôi thúc những cán bộ công tác trong ngành nông nghiệp mỗi khi ra thăm đảo, chứng kiến được nỗi vất vả của bộ đội làm nhiệm vụ canh giữ biển trời xa xôi.

Trước đó, trong chuyến ra thăm Trường Sa giữa năm 2011, ông Bùi Bá Bổng, lúc đó là Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định quyết tâm thực hiện ý tưởng trên. Lãnh đạo ngành nông nghiệp tin tưởng vào tính khả thi của dự án dựa trên những nghiên cứu và kinh nghiệm của những cán bộ nông nghiệp có thể khắc phục khó khăn thực hiện được mục tiêu tăng cường rau xanh cho chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo.

Âu tàu đảo Song Tử Tây.

Thật ra, chiến sĩ ở các đảo Trường Sa đã tự tăng gia sản xuất rau xanh, nhưng rau chỉ tạm đủ trong mấy tháng mùa khô, còn về mùa mưa, tất cả các đảo (nhất là ở 24 điểm đảo chìm) đều thiếu, cao điểm là các tháng 8, 9, 10, 11. Lượng rau xanh lúc này chỉ được khoảng 3 kg-5 kg/người/tháng, đáp ứng 25-30% nhu cầu. Các chiến sĩ thường tếu táo về những bữa ăn của mình với “canh đại dương” (nhiều nước, ít rau). Nguồn rau, quả dự trữ chỉ đơn sơ là những quả bí đỏ, bí đao tiếp tế từ đất liền. Trên đảo, rau khó mà sống nổi khi gió mùa đông bắc từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau mang theo hơi muối mặn tạt vào tận giữa đảo làm rau cháy lá. Đó là chưa kể, những cơn mưa dầm từ tháng 6 đến tháng 9 dễ làm rau dập nát, kém phát triển. Bộ đội phải làm tường che chắn vườn rau cẩn thận mới mong giữ được mảng xanh quý báu trên đảo. Ở đảo chìm còn cực hơn, chiến sĩ phải di chuyển những khay rau khắp những góc phòng kín đáo để trốn chạy bọt nước biển mặn tung lên tứ phía.

Giải pháp lắp đặt nhà kính được xem là phương tiện tối ưu giúp hạn chế những tác động xấu của thời tiết giúp các chiến sĩ trên đảo có thể trồng rau quanh năm. Nhà kính đầu tiên rộng 152 m2 được dựng lên ở đảo Trường Sa Lớn. Sau đó, các nhà kính được lắp đặt thêm ở ba đảo nổi khác là: Song Tử Tây, Nam Yết, Phan Vinh. Hiện, đã có 12 nhà kính tổng diện tích hàng nghìn mét vuông được dựng lên và đưa vào vận hành ở bốn đảo trên. Dự kiến năm 2016, sẽ có thêm các nhà kính lắp đặt tại hai đảo nổi: Sinh Tồn và Sơn Ca, hai đảo chìm: Đá Lớn, Đá Đông cũng sẽ được cung cấp lồng kính che rau.

Nói đến nhà kính, người ta dễ mường tượng tới nông nghiệp công nghệ cao. Thực ra, những thiết bị phụ trợ của nhà kính này không thể so với mô hình hiện đại trong đất liền, nhưng với những người trên đảo, đó là phương tiện hữu dụng. Cấu trúc nhà hình vòm là phù hợp, chịu đựng được gió lớn do áp thấp nhiệt đới và bão nhà kính vẫn vững vàng, chắc chắn. Để giảm nhiệt trong nhà, trên nóc có thiết kế khoảng hở, trong nhà còn có lưới che nắng và hệ thống phun mưa. Rau được canh tác trong khay chứa giá thể hay trong bồn chứa đất trồng. Trong giai đoạn thử nghiệm, rau trồng trong khay phát triển rất tốt, nhất là rau cải củ, rau muống có năng suất 2,5-3kg/m2/tháng. Theo tính toán, trong hai năm đưa vào vận hành và phát huy các hạng mục, dự án có thể sản xuất được 58 tấn rau xanh. Cùng với trồng rau, những người thực hiện dự án còn đưa ra thử nghiệm bảy loại hoa phục vụ đời sống tinh thần lính đảo. Những loài hoa cúc, phong lan, hoa giấy… sinh trưởng và nở hoa làm cho cuộc sống trên đảo thi vị hơn.

Liên lạc với TS Ngô Quang Vinh (nguyên Phó Viện trưởng KH KTNN MN) qua điện thoại vào những ngày cuối năm 2015, chúng tôi mới biết, ông cùng một số đồng nghiệp đang kẹt lại đảo Song Tử Tây do biển động không có tàu về, dù thời gian công tác đã hết. Đây là chuyến công tác thứ bảy của ông ra Trường Sa. Ông không khỏi tự hào cho biết: “Dự án tạo điều kiện cho bộ đội tăng gia sản xuất, tự túc nguồn rau xanh cả khi thời tiết bất lợi. Việc xây dựng các nhà kính hiện đại không chỉ giải quyết vấn đề kỹ thuật che mưa, gió mặn để trồng rau, hoa mà nó còn góp phần làm đẹp, làm khang trang bộ mặt đảo, biến nơi phong ba, bão táp trở thành địa điểm nhân văn hơn, đáng sống hơn. Thông qua các đoàn khách thăm, khi thấy đảo được đầu tư, hỗ trợ có hiệu quả thiết thực như vậy, cán bộ, nhân dân đất liền cảm thấy yên tâm hơn với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa”.

Tết này với Bộ đội Trường Sa là một Tết xanh!