Yêu cầu về tiêu chuẩn gạo dự thi rất khắt khe. Đơn vị dự thi phải có bản quyền sở hữu và chịu mọi trách nhiệm liên quan đến chủ sở hữu của giống lúa đó. Ban giám khảo là các chuyên gia nghiên cứu, các nhà kinh doanh, sản xuất lúa gạo từ các hiệp hội lúa gạo của các quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới và một bếp trưởng của khách sạn năm sao. Những người chấm thi không được biết tên của loại gạo và đánh giá chất lượng trên cơ sở vị cơm, mùi thơm, cảm quan về hình dạng hạt gạo và mặt cơm sau khi nấu.
Người nghiên cứu, lai tạo thành công giống lúa AGPPS 103 là một kỹ sư thế hệ 8x, thạc sĩ Mai Tấn Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành. Nhớ lại chuyện lai tạo giống lúa AGPPS 103, Hoàng tâm sự: Trong một hội thảo chuyên về lai tạo giống, nguyên Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Bùi Bá Bổng gợi ý anh em làm công tác nghiên cứu phải làm sao để lai tạo một vài loại giống gạo vừa thơm ngon đặc trưng, cạnh tranh được với gạo Thái-lan và phù hợp thổ nhưỡng nhiều vùng đất khác nhau. Chính sự trăn trở của ông đã thôi thúc Hoàng và các cộng sự. Ròng rã hơn 5 năm, Hoàng cùng các đồng nghiệp bóc tách, lai tạo, chọn dòng… từ phòng thí nghiệm đến cánh đồng khảo nghiệm. Vụ đông xuân năm 2009, giống lúa lứt trắng, hạt dài có mùi thơm dứa, cây cứng cao, kháng bệnh cháy bìa lá chính thức ra đời. Nhưng gạo ngon ngoài mùi thơm còn cần hàm lượng dinh dưỡng cao. Cây lúa ấy phải sản xuất thích hợp trên nhiều vùng đất trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập và là giống ngắn ngày để bà con có thể sản xuất hai, ba vụ/năm.
Từ vùng phèn nặng Đồng Tháp Mười đến tứ giác Long Xuyên sang vùng mặn miệt U Minh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đã in nhẵn dấu chân của Hoàng để nghiên cứu thổ nhưỡng, cải tạo gien cho cây lúa phát triển thích ứng. Đến năm 2010, giống lúa AGPPS 103 chính thức được giới thiệu. AGPPS 103 có chất lượng gien vượt trội về độ thuần, cứng cây, kháng bệnh, chịu được độ mặn đến 2/1.000, mùi thơm dứa và hàm lượng dinh dưỡng cao, giá thành sản xuất rẻ hơn so với các giống cao sản có nguồn gốc nước ngoài và thời gian canh tác ngắn, từ 90-100 ngày/vụ. Chỉ sau hai năm khảo nghiệm, giống lúa AGPPS 103 đã được trồng tại hơn 11 nghìn ha ở đồng bằng sông Cửu Long với năng suất luôn đạt bình quân từ 8 đến 10 tấn/ha. Theo PGS, TS Dương Văn Chín, nguyên Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, một ưu điểm nữa của AGPPS 103 là khi trồng ở vùng nhiễm mặn thì hạt gạo bóng đẹp hơn, cơm ngon hơn khi trồng ở vùng nước ngọt hoàn toàn.
Tiếp nối thành công của AGPPS 103, Mai Tấn Hoàng cùng những đồng nghiệp thế hệ 8x, 9x ở Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành đã nghiên cứu và lần lượt giới thiệu nhiều giống gạo thơm mới, trong đó hai giống AGPPS 140 và AGPPS 137 là sự kế thừa và phát triển cao hơn của AGPPS 103 với đặc tính thơm vượt trội khác để đa dạng hóa nguồn gạo thơm của Việt Nam. Tương lai, sẽ có thêm nhiều hạt gạo Việt, nhiều Hạt ngọc trời chất lượng cao giúp nông dân làm giàu.