Nhu cầu tuyển dụng tăng cao dịp hè

|

Từ đầu năm đến nay, thị trường lao động ở Hà Nội luôn sôi động theo xu hướng tích cực. Điều này thể hiện rõ khi trong 4 tháng đầu năm, toàn TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 73.000 người lao động, đạt 44,4% kế hoạch, tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, mùa hè cũng là lúc các doanh nghiệp tăng nhu cầu tuyển dụng, tập trung ở lĩnh vực lưu trú, ăn uống, nhà hàng khách sạn, du lịch…

Hiệu quả từ phiên giao dịch việc làm lưu động

Mới đây, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Gia Lâm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (TT DVVL) Hà Nội, Phòng LĐ-TB&XH huyện Gia Lâm tổ chức “Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Gia Lâm năm 2024”.

Theo Ban tổ chức, có tổng số 30 đơn vị, doanh nghiệp tham gia phiên này, cung cấp 1.644 chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển dụng, xuất khẩu lao động. Trong tổng số 30 doanh nghiệp tham gia, có 17 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ, chiếm 56,7%. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như: Du học - xuất khẩu lao động, sản xuất, may...

Sự đa dạng lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp đăng ký tham gia phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Gia Lâm năm 2024 phù hợp với nhu cầu tìm việc của người lao động địa phương, tạo điều kiện cho người lao động chưa tìm được việc làm tại huyện Gia Lâm lựa chọn được công việc thích hợp với khả năng, có thể gắn bó lâu dài, ổn định đời sống ngay tại địa phương.

Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Gia Lâm năm 2024 có sự tham gia của một số doanh nghiệp, nhãn hàng có uy tín: Công ty TNHH kinh doanh ô-tô Nisu, Tổng công ty CP bưu chính Viettel, Công ty CP viễn thông FPT, Công ty TNHH May Đức Giang, Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi Hanel... Bên cạnh đó, tại phiên này có gần 200 chỉ tiêu du học, xuất khẩu lao động tại Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia... mang đến nhiều lựa chọn công việc, học nghề cho người lao động tại địa phương.

Thời gian qua, các phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại địa phương đã làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp. Nhiều mô hình, cách làm hay, phù hợp với điều kiện của các địa phương cũng được thực hiện thông qua các phiên giao dịch việc làm này. Đơn cử, tại phiên giao dịch việc làm lưu động quận Nam Từ Liêm, công tác tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp thông tin thị trường lao động cho các nhóm lao động yếu thế như học viên cai và sau cai nghiện ma túy, người chấp hành xong hình phạt tù... được đặc biệt quan tâm. Trong đó, lực lượng công an địa phương trực tiếp hỗ trợ giới thiệu người lao động diện này ngay tại phiên cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng công việc phù hợp, như làm lái xe taxi, xe ôm công nghệ, bảo vệ…

Tại thị xã Sơn Tây, phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức trong không gian rộng lớn, với sự tham gia của không chỉ các doanh nghiệp, mà còn gắn kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều đơn vị đem đến các thiết bị, máy móc phục vụ trình diễn kỹ năng nghề, giúp học sinh THCS, THPT hình dung rõ hơn về các nghề, các công việc mà các em có thể lựa chọn.

Ở phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Đông Anh, ngoài trình diễn kỹ năng nghề, bố trí khu vực tư vấn tuyển dụng riêng biệt, Ban tổ chức còn bố trí khu vực để các trường nghề mang đến các mô hình thiết bị do chính học viên của các trường làm ra. Đây là cách các trường nghề minh chứng về chất lượng đào tạo nghề, năng lực và tư duy sáng tạo của học viên, sinh viên.

Trong khi đó, tại phiên giao dịch việc làm lưu động quận Hoàn Kiếm, công tác hỗ trợ vay vốn tạo việc làm được chú trọng, thậm chí Ban tổ chức còn trao hợp đồng vay vốn chính sách ưu đãi ngay tại phiên… Đặc biệt, tại hầu hết các phiên giao dịch việc làm lưu động hiện nay, Ban tổ chức đều bố trí gian hàng tư vấn cho đối tượng lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm hỗ trợ quyền lợi cho người lao động một cách tốt nhất, thuận tiện nhất.

Em Nguyễn Trọng Đạt, sinh viên năm thứ hai, Khoa Thương mại điện tử, Trường đại học Đại Nam, lần đầu tham gia phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Đông Anh, tâm sự: “Em thấy các phiên giao dịch việc làm lưu động rất có ích. Các thông tin tuyển dụng đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà” người lao động. Việc tham gia phiên giao dịch rất tiện lợi, người lao động có được những giải thích rõ ràng, thông tin rất cụ thể từ nhà tuyển dụng. Qua đây, sinh viên chúng em cũng có những trải nghiệm tốt hơn về thị trường lao động”. Tham gia phiên giao dịch việc làm, Đạt đã tìm được vị trí thực tập sinh marketing với thu nhập 30.000 đồng/giờ.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc TT DVVL Hà Nội cho biết, hiệu quả các phiên giao dịch việc làm lưu động là cung cấp cho người dân ở từng khu vực các thông tin về thị trường lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. “Cơ hội tốt không chỉ dừng lại trong thời điểm diễn ra phiên giao dịch việc làm. Với những thông tin tuyển dụng thu thập được, khi có nhu cầu tìm kiếm cơ hội việc làm, mong muốn thay đổi công việc, người lao động có thể chủ động kết nối với doanh nghiệp và tự tìm được việc làm phù hợp”, ông Vũ Quang Thành chia sẻ.

Trước nhu cầu tuyển dụng nhân sự với số lượng lớn cũng như mong muốn tìm việc làm của người lao động, ngoài các phiên giao dịch việc làm cố định, TT DVVL Hà Nội đã tổ chức thêm rất nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động thu hút hàng trăm lượt doanh nghiệp tham gia với hàng nghìn chỉ tiêu tuyển dụng, đa dạng vị trí ngành nghề cùng những phân khúc tiền lương khác nhau. Ngoài việc kết nối doanh nghiệp và người lao động, giới thiệu và cung ứng việc làm, ban tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động còn tư vấn, giới thiệu học nghề cho học viên, học sinh, nhất là những em đang học năm cuối cấp để có định hướng nghề nghiệp đúng đắn…

Sôi động việc làm mùa hè

Cùng với các phiên giao dịch việc làm lưu động, TT DVVL Hà Nội hằng ngày đều có các phiên giao dịch việc làm. Mỗi năm, Trung tâm tổ chức từ 250 - 260 phiên, các phiên đều có kết nối phỏng vấn trực tuyến tới 14 địa điểm trên địa bàn thành phố, một số phiên còn kết nối phỏng vấn trực tuyến đến các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Hồng.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp thương mại, dịch vụ đang tăng nhu cầu tuyển dụng dịp hè. Công viên nước Hồ Tây liên tục đăng tuyển hàng trăm vị trí, gồm: Bảo vệ, nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế, nhân viên dọn phòng nhà khách, nhân viên kỹ thuật (vận hành công viên nước, công viên mặt trời, nhân viên kỹ thuật vận hành game), nhân viên môi trường, nhân viên cây xanh, nhân viên tạp vụ…

Hệ thống Khách sạn Mường Thanh trên toàn quốc đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 500 - 600 nhân viên để chuẩn bị vào mùa cao điểm. Trong đó, vị trí tuyển dụng nhiều nhất là nhân viên lễ tân, buồng, nhân viên nhà hàng.

Tương tự, Tập đoàn Khách sạn quốc tế A25 cũng đang tuyển số lượng lớn nhân viên ở vị trí lễ tân, buồng phòng, nhà hàng. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực ở các vị trí đó, tập đoàn ưu tiên tuyển sinh viên làm bán thời gian (partime). Nhân viên partime sẽ làm việc 5 giờ/ngày với mức lương 30.000 đồng/giờ và có thể xoay ca phù hợp với lịch cá nhân.

Do lượng khách hàng tăng trong mùa hè, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, dịch vụ đã tham gia các phiên giao dịch việc làm với mong muốn tìm được ứng viên chất lượng, với tiền lương từ 5 đến 20 triệu đồng/tháng. Đơn cử, Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Nội - Tổng công ty CP Bưu chính Viettel tuyển 100 chỉ tiêu cho 5 vị trí là nhân viên bưu tá, kinh doanh, vận hành, trưởng bưu cục, lái xe; mức lương từ 8 đến 20 triệu đồng/tháng.

Công ty TNHH Phúc Hưng Thịnh hoạt động dịch vụ nhà hàng, ẩm thực, du lịch... tuyển 80 nhân viên bếp, tạp vụ, bảo vệ, phục vụ, mức lương từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng, cùng với tiền thưởng, trợ cấp ăn ca. Công ty CP Giao hàng tiết kiệm tuyển 45 nhân viên giao nhận hàng hóa, xử lý hàng hóa, lái xe tải, nhân viên vận hành, với mức lương từ 8 đến 15 triệu đồng/tháng. Chi nhánh Bưu điện TP Hà Nội - Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tuyển 30 nhân viên bưu tá và nhân viên khai thác kho, mức lương 8 - 15 triệu đồng/tháng. Công ty CP Tầm nhìn quốc tế Aladdin chuyên kinh doanh ẩm thực tuyển 50 nhân viên bàn, chảo, thớt, phụ bếp; mức lương 6 - 10 triệu đồng cộng với ăn ca, thưởng...

Ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, để bảo đảm được mục tiêu giải quyết việc làm cho 165.000 lao động, cơ quan này đã chủ động triển khai công tác hỗ trợ, phát triển thị trường, giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội.

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đến hết quý I/2024, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 45.602 người lao động, đạt 27,6% kế hoạch năm, tăng 2,3% so cùng kỳ năm 2023.