Bất cập cơ chế điều hành xuất khẩu gạo

|

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân không đấu thầu xuất khẩu gạo vào các thị trường tập trung, cho đến khi Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) ký hợp đồng xong với những thị trường này (!?).

Quy định cũ bộc lộ bất cập

Công văn số 164 đề cập việc chuẩn bị đấu thầu và ký kết hợp đồng tập trung, gửi các thương nhân xuất khẩu gạo. Theo đó, Vinafood 1 và Vinafood 2 là hai đầu mối được Chính phủ chỉ định thực hiện các giao dịch hợp đồng tập trung với Bangladesh, Malaysia, Philippines. VFA đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung nêu trên, cho đến khi Vinafood 1 và 2 kết thúc giao dịch và ký hợp đồng.

Quyết định trên căn cứ từ “lịch sử để lại”. Theo PGS, TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu thương mại thì: Trước đây có tình trạng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo dù lớn, dù bé đều được quyền tham gia đấu thầu, thì trong đấu thầu đó có hiện tượng DN nhỏ chỉ có vài nghìn tấn gạo, nhưng để bán được gạo của mình, họ sẵn sàng bỏ giá thấp để xuất được gạo. Nếu chỉ cần có một DN bỏ giá thấp thì đánh tụt giá gạo Việt Nam xuống, hiện tượng ấy gọi là tranh bán, tranh nhau tham gia đấu thầu. Do đó, Bộ Công thương mới hạn chế số lượng DN tham gia đấu thầu. Khi đó hai DN nhà nước là các tổng công ty Vinafood 1 và 2 được chỉ định. Hai DN này đại diện cho các công ty xuất khẩu gạo của Việt Nam đi đấu thầu, sau khi trúng thầu về mới phân bổ chỉ tiêu cho các DN.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích, nguyên Phó Trưởng ban Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương mại, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương): Cho đến thời điểm này, Nghị định 109 của Chính phủ năm 2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn còn hiệu lực. Muốn thay đổi, phải có Nghị định thay thế hoặc sửa đổi Nghị định 109/CP. Cũng theo ông Bích, theo quy định hiện nay, DN được chỉ định đi đấu thầu mặc nhiên được hưởng 20% kết quả đấu thầu. Vậy, thí dụ nếu có 150 DN tham gia xuất khẩu gạo, nhưng đơn vị đại diện đi đấu thầu đã được hưởng 20%, 149 DN còn lại chỉ được hưởng 80%, tức là mỗi DN chỉ được hưởng… 0,5%, như vậy là quá ít và không công bằng, cần phải xem xét lại.

Cần xem lại để bình đẳng hơn

Đã có nhiều DN lên tiếng cho rằng quyết định này là không công bằng. Nhất là trong bối cảnh hội nhập, nhiều DN đã vươn lên, có đủ năng lực đàm phán ký kết hợp đồng với giá cao, thay vì ngồi chờ chỉ tiêu được phân bổ. Còn các chuyên gia đề xuất, việc trao quyền cho Vinafood 1 và Vinafood 2 đi đàm phán rồi về cấp hạn ngạch cho các DN, đã đến lúc phải xem xét lại.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: Việc ra quyết định của VFA thực chất là hoạt động mang tính độc quyền, nhằm bảo đảm không có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của các nhà xuất khẩu khi đi ký kết các hợp đồng, nhưng chúng ta đừng nên phụ thuộc quá vài DN mà nên mở rộng hơn để các DN khác tham gia cùng đấu thầu theo một chỉ đạo thống nhất. Còn nếu chỉ có hai công ty này được đàm phán thì không ổn. Theo nền kinh tế thị trường, cũng không được phép làm điều đó.

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Bộ đang xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, góp phần cạnh tranh sòng phẳng với những nước mới nổi như Ấn Độ, Myanmar. Bởi sắp tới, dự báo phân khúc thị trường lúa gạo ở mức trung bình và thấp sẽ cạnh tranh rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều DN nhận định, trước đây, lúa gạo Việt Nam vốn chỉ có lợi thế ở phân khúc trung bình và thấp, thì nay nhiều nước đã vươn lên cạnh tranh gay gắt ở phân khúc này. Nếu không có cơ chế điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt thì khó khăn sẽ còn tiếp tục kéo dài đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam.