Một ngày về với vùng Càng

|

Được ví như Đồng Tháp Mười của tỉnh Quảng Trị, hàng trăm năm qua, người dân ở vùng Càng thuộc huyện Hải Lăng thích nghi với cuộc sống mưa ngập, nắng cháy. Trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, bà con vẫn một lòng bám trụ với mảnh đất của ông cha đã dày công khai khẩn. Với họ, qua mùa đông nước ngập mênh mông, buốt giá là mùa xuân nắng ấm lại về. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn…

Thích nghi với mùa nước lũ

Những cơn mưa trắng trời liên tục đổ xuống dải đất miền trung giữa độ đang đông. Con đê bao, cũng là con đường ra xã, lên huyện của bà con vùng Càng nhanh chóng ngập nước. Những chiếc xe máy được kê ở vị trí cao nhất trên hiên nhà, những chiếc thuyền được kéo lên buộc dây ngay mé sân để làm phương tiện đi lại. “Sống ở Càng, bà con có thể thiếu nhiều thứ nhưng nhất thiết phải có một chiếc thuyền. Không có thuyền coi như bị “cụt chân” rồi”, ông Nguyễn Nhơn (SN 1953) - một người dân ở càng An Thơ nói.

Ông Nhơn sinh ra ở Càng. Chiến tranh ly lạc, cơ duyên cho ông gặp và nên duyên chồng vợ cùng bà Phan Thị Chánh ở một vùng đầm nước thuộc huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế). Ngày hòa bình, ông bà dắt nhau về lại vùng Càng quê ông để sinh sống. Bà Chánh nhớ lại: “Mùa lụt đầu tiên ở quê chồng có chút chênh vênh vì nhìn đâu cũng thấy nước. Sóng vỗ sàn sạt vào tường nhà. Một mùa đông mà có tới mấy bận nước vô nhà, lúa gạo không kịp kê lên đành bị ngâm nước. Nhưng rồi mưa lụt đôi ba trận cũng quen dần, hễ thấy mưa là soạn sửa kê cao đồ đạc”.

Hôm tôi về Càng, mưa vừa ngớt, ánh nắng mùa đông yếu ớt chiếu xiên lên hong ráo đám gạch lát sân. Bà Chánh ngồi chẻ những thanh củi vừa vớt được sau trận lũ. Ông Nhơn phụ vợ bó mớ củi thành từng bó để đưa lên mái nhà vừa phơi, vừa cất trữ. “Mùa đông xứ này, ngoài chiếc thuyền thì củi là của để dành quý giá. Không có củi thì xem như cả nhà nhịn đói. Củi để dưới sân sợ nước lũ cuốn đi lần nữa nên năm nào cũng phải cất lên mái nhà cho chắc ăn”, bà Chánh nói.

Cạnh nhà bà Chánh, cụ ông Nguyễn Văn Ký (95 tuổi) cũng cặm cụi chẻ củi trên mảnh sân nhỏ. Ông Ký nói: “Gia đình tui sống ở đây ba bốn đời rồi, không nhớ cụ thể. Tui cất tiếng khóc chào đời ở đây, lập gia đình rồi sinh con đẻ cháu cũng ở mảnh đất này. Các cháu trẻ tuổi sau này lớn lên, đi học, thành đạt và lập nghiệp ở xa. Đứa ở lại thì bám trụ với ruộng nương. Quen rồi…”. Hai chữ “quen rồi” được ông Ký nói một cách chậm rãi và thong thả. Thong thả như cách ông ngồi sát bên mé nước lũ bàng bạc mà chẻ củi và thi thoảng cất tiếng nhắc nhở đứa trẻ gọi ông bằng cố nội đang bơi lội nghịch nước trước sân nhà.

Những cao niên giải thích về ý nghĩa từ Càng là do hàng trăm năm trước, các bậc tiền nhân khai hoang mảnh đất đôi bờ hạ nguồn dòng sông Ô Giang. Người dân đến từ 5 xã (nay là 4 xã: Hải Phong, Hải Chánh, Hải Thành, Hải Thọ) lập thành 7 xóm nhà để quần cư và làm nông. Các xóm nhà như những chiếc càng giữ ranh giới làng xã nên được gọi là Càng. Sống ở Càng người dân quen với tình cảnh lụt lội mỗi năm kéo dài 3 tháng ròng rã. Việc chăn nuôi gia cầm vì thế cũng nương theo thời tiết, mùa mưa hầu như không nhà nào chăn nuôi, thảng hoặc để có gà, vịt đón Tết hoặc gầy chút con giống cho mùa sau, bà con nuôi vài con trong những chiếc lồng để dễ bề di chuyển theo mặt con nước lớn, ròng. Mỗi năm người dân canh tác hai vụ lúa, lúa gặt xong được bán ngay trên đồng ruộng, chỉ chừa phần lại đủ ăn cho cả gia đình đợi mùa thu hoạch kế tiếp.

Cuộc sống đổi thay, kinh tế có phần khấm khá, một số hộ dân xây nhà thêm phần gác lửng hoặc dành một không gian nhỏ xây lên tầng hai để tránh lũ. Con số đó không nhiều, đa số vẫn sống nhà cấp 4 và quen với việc ngập lụt mỗi năm. “Sống ở Càng nhiều cái khổ, khó nhưng hàng trăm năm qua, cha ông mình tới đời cháu con vẫn gắn bó với nơi này”, ông Ký nói.

Mùa lụt, người dân vùng Càng chèo thuyền ngay trên mảnh ruộng thường canh tác lúa.

Qua mùa đông, nắng ấm sẽ lại về

Chuyện về vùng Càng, càng đi càng thấy thú vị. Còn nhớ trong chuyến về Càng 15 năm trước, một người dân kể cho tôi nghe chuyện thật như đùa. Khi vùng Càng chưa có điện sinh hoạt, vì mê chiếc quạt máy mang làn gió mát được bán ở phố nên bà mua về nhà. Mang quạt về nhà mới biết rằng, cần có điện mới dùng được quạt. Thế là mấy năm ròng rã, chiếc quạt được bọc nylon kín mít treo trên xà nhà đợi… điện.

Trăm năm dâu bể, vùng Càng vẫn có những quy luật không đổi thay. Năm nào cũng vậy, từ tháng 8 âm lịch cho đến cuối tháng 11, vùng Càng bàng bạc một mầu nước lụt. Địa hình thấp trũng lại nằm về hạ nguồn sông Ô Giang nên nước xuống chậm mà lại lên nhanh. Chỉ cần vài trận mưa lớn cộng thêm nước từ thượng nguồn đổ về là chẳng mấy chốc vùng Càng mênh mông như Đồng Tháp Mười. Đồng ruộng lúc đó cũng vừa xong mùa vụ, chỉ còn gốc rạ. Phương tiện ghe thuyền được trưng dụng, từ người lớn đi chợ cho đến trẻ con tới trường. Ông Nhơn nói, thông thường qua mùa nước lụt, tầm cuối tháng 11 âm lịch, nước trên đồng ruộng sẽ dần khô. Lúc đó, bà con nông dân lại tất bật ra đồng chuẩn bị cho một vụ mùa mới.

Nước lụt ngâm lâu ngày không chỉ mang đến phiền toái cho cư dân vùng Càng. Nước ra nhưng phù sa ở lại. Có lẽ đó là cơn cớ để người dân xứ này gắn bó hàng trăm năm. Phù sa bồi lắng tạo nên những vụ lúa trĩu hạt như sự bù đắp cho người dân. “Ở Càng, mùa gieo lúa tất bật cả tháng 12 âm lịch hằng năm. Có khi đêm 30 Tết, nông dân còn sấp mặt trên đồng để gieo sạ cho kịp mùa. Tết ở Càng đơn giản nhưng nghĩa tình nồng ấm. Trên đồng, đôi khi bà con chia nhau vắt xôi, lát bánh tét tất niên vừa xong. Câu chuyện ngày Tết khi bà con ghé thăm nhau cũng xoay quanh đồng áng gieo sạ, nước non tưới tiêu…”, ông Nhơn kể lại.

Trong ký ức của những người già ở Càng, việc học thời trước cực kỳ gian nan. Muốn theo con chữ thì mùa khô phải băng đồng cả chục km mới đến được trường học, mùa mưa thì đánh cược trên những con thuyền chèo tay lênh đênh trên sóng nước. Cặp sách luôn phải bọc thêm vài chiếc bao nylon cho khỏi ướt. Ngày đó, hễ nghe mưa lớn là cha mẹ bỏ việc nhà, đến trường đón con và xin cho con trú tạm chờ nước rút mới đón về nhà. Thời gian ấy có khi kéo dài dăm bữa, nửa tháng.

Người dân vùng Càng vui hơn khi năm học 2020-2021, điểm trường Càng thuộc Trường tiểu học - THCS Hải Hòa được xây dựng khang trang ngay trước đường dẫn vào Càng An Thơ. Địa điểm ấy được xem là trung tâm của các Càng và thuận tiện việc đi lại nhất. Từ ngày có trường, học sinh ở 7 Càng này không còn phải đi xa nữa. Có trường, trẻ con chăm học và người lớn như nhìn thấy được một tương lai sáng hơn. Tuy vậy, mùa mưa, phụ huynh và thầy, cô giáo vẫn phải đưa con đến trường bằng ghe thuyền. Vài năm trở lại đây, mỗi khi mưa về, thầy Nguyễn Huynh - giáo viên ở điểm trường Càng ngoài nhiệm vụ dạy học lại tranh thủ đưa đón học sinh đến trường. Mỗi sớm, thầy cẩn thận giúp học trò mang chiếc áo phao, khoác cặp sách và đồng hành cùng các em đến trường. Những mẩu chuyện hài xen lẫn sự động viên, khích lệ các em theo học được thầy kể trên những chuyến đò rẽ dòng nước bạc. Thầy Huynh bảo: “Sinh ra và lớn lên ngay trên xứ Càng, tôi hiểu được đường đến trường nhọc nhằn của trẻ nơi này nên tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, tôi chọn về lại với quê mình để tiếp sức cho các em. Tôi mong, ngày càng có nhiều học sinh ở Càng chạm ước mơ đến giảng đường đại học. Như thế, con chữ ươm lên từ vùng đất gian khó này hẳn sẽ càng ý nghĩa hơn”.

Trong câu chuyện về sự học hôm nay, người dân vùng Càng đã vui tươi hơn trước. Ở các Càng nay đã có nhiều học sinh vào đại học. “Con cháu vùng Càng bây giờ nhiều đứa vào đại học, tốt nghiệp và có việc làm ổn định ở khắp nơi. Nhà tôi cũng có 2 con đã học xong đại học vài năm trước, nay còn 2 cháu nội cũng vào đại học năm trước…”, giọng ông Nhơn phấn khởi nói.

Chia tay vùng Càng, tiễn chúng tôi băng qua con đường bê-tông còn xăm xắp nước lụt, giọng ông Nhơn hào sảng: “Khi mùa xuân đến, những cây lúa nảy mầm trên đồng ruộng cũng là lúc người dân vùng Càng bắt đầu tìm lên chợ huyện mua lại đôi cặp gà, vịt giống để chăn nuôi. Trẻ con đến trường được dịp dùng con xe đạp điện bon bon băng qua con đường đê bao nối Càng với trung tâm xã, huyện để đến trường. Qua mùa đông, nắng ấm sẽ lại về”.