Ám ảnh cưa xăng
Cường là tay buôn bán cưa xăng có tiếng ở Bắc Cạn, có năm Cường bán hàng trăm chiếc. Cưa xăng có giá dao động trên dưới ba triệu đồng với loại xuất xứ Trung Quốc; loại trên 10 triệu đồng, xuất xứ Thụy Điển là hàng cỡ lớn. Giá rẻ nhưng mức độ “hiệu quả” của loại cưa này lại rất lớn. Lâm tặc tháo rời thân, lưỡi, đem vào rừng, chỉ mất vài chục phút lắp ghép lại khi cần. Mỗi chiếc cưa đổ đầy khoảng 1,5 lít xăng, hoạt động hết công suất trong một ngày “ngốn” hết khoảng bốn lít xăng, có thể “xẻ thịt” một cây gỗ rừng thành hàng chục súc gỗ thành phẩm có khối lượng vài m³.
Ông già Ma Văn Thanh ở Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn đã bỏ nghề chặt nghiến, săn thú ở Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn. Ông bảo, rừng Xuân Lạc nhiều nghiến to, có gốc sáu, bảy người ôm mới hết. Vài chục năm trước, chặt một cây nghiến phải chất củi, đốt phần gốc vì nghiến tươi vẫn cháy tốt. Rồi phải chuẩn bị cả chục thân chuối rừng để khi cây đổ thì dùng thân chuối dập phần gốc cháy nếu không cây sẽ cháy hết. Sau đó, dùng cưa tay xẻ thân nghiến, có khi mất cả tháng trời mới được hai cái cột nhà. Thế mà chỉ cái cưa be bé thôi, lâm tặc chặt một cây nghiến nhanh khủng khiếp!
Không chỉ hạ nguyên cây nghiến, nhờ cưa lốc mà lâm tặc còn có thể khai thác trộm phần bìu nghiến (còn gọi là nu nghiến hay ngọc nghiến) sùi ra ở những cây nghiến trăm năm tuổi. Phần bìu nghiến thường rất cứng, có vân đẹp, trước đây không thể cưa tay, để lấy thì giờ lâm tặc bắc giáo, trèo lên, dùng cưa máy cưa lấy phần bìu. Một tấm phản bìu nghiến có khi có giá hàng trăm triệu đồng.
“Trình độ” sử dụng cưa xăng của lâm tặc cũng ngày càng cao. Nếu trước đây, cưa xăng chỉ dùng để đốn hạ, xẻ các súc gỗ lớn thì giờ thậm chí lâm tặc có thể sử dụng để xẻ thành những thanh gỗ nhỏ, gỗ dạng thớt theo yêu cầu. Mới đây nhất, đêm ngày 19-6-2018, Kiểm lâm Bắc Cạn bắt quả tang ông Lý Văn Vỳ, thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn tàng trữ trái phép 55 khúc nghiến tròn dạng thớt. Tất cả đều được xẻ bằng cưa xăng với một sự đồng đều đáng kinh ngạc.
Kiểm lâm Bắc Cạn phát hiện, tịch thu 55 khúc nghiến tròn dạng thớt được cắt xẻ bằng cưa xăng tại thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn.
Khó quản lý tập trung
Bắc Cạn có ba khu bảo tồn là Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc. Cả ba khu đều là sinh cảnh sống rất phù hợp với cây nghiến. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng cưa xăng ở vùng đệm, vùng lõi các khu này không phải ít, tạo áp lực lớn cho số phận của những cây nghiến cổ thụ, nhất là khi giá trị buôn bán gỗ nghiến là một vốn bốn lời, siêu lợi nhuận.
Nhằm kiểm soát tình trạng khai thác rừng trái phép ngay từ thôn, bản, khu dân cư, năm 2012, Bắc Cạn ban hành Quy chế quản lý, sử dụng cưa xăng, phương tiện độ, chế tại các khu bảo tồn và Vườn Quốc gia trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các chủ hộ có cưa xăng phải đăng ký cấp giấy chứng nhận sử dụng, đưa cưa về lưu tại trụ sở các trạm, hạt kiểm lâm để quản lý tập trung. Khi muốn sử dụng, chủ sở hữu đăng ký với kiểm lâm trước từ một đến 30 ngày vào việc cắt củi, khai thác gỗ theo giấy phép được cấp, sửa chữa nhà cửa, chuồng trại, phát dọn xử lý thực bì trồng rừng... Việc cấp giấy chứng nhận sử dụng cưa xăng là căn cứ xác định tên, tuổi, địa chỉ chủ sở hữu phục vụ điều tra, xác minh đối tượng trong các vụ khai thác rừng trái phép.
Quy chế thì rất rõ ràng nhưng thực tế triển khai thì lại là chuyện khác. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ trải dài trên địa bàn các huyện Na Rì, Bạch Thông, có 459 cưa xăng trong dân, đến nay, cấp giấy chứng nhận sử dụng được 425 chiếc. Tuy nhiên, số cưa được đưa về quản lý tập trung chỉ có 171 chiếc. Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn cấp giấy chứng nhận sử dụng 235/235 chiếc nhưng số đưa về quản lý tập trung chỉ có… hai chiếc. Tại Vườn Quốc gia Ba Bể, tỷ lệ cưa xăng được đưa về quản lý tập trung cũng ở trong tình cảnh tương tự.
Phó Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi Cục Kiểm lâm Bắc Cạn, Dương Thị Anh cho biết, luôn có tình trạng, dân đến lấy cưa xăng quản lý tập trung về sử dụng theo mục đích đăng ký rõ ràng, nhưng hết thời hạn đăng ký thì không thấy đem lên lưu lại. Ngoài ra, còn có tình trạng, một hộ gia đình có từ hai chiếc cưa xăng trở lên nhưng chỉ báo cáo, đăng ký một chiếc. Việc quản lý sử dụng cưa xăng vì vậy chưa đạt hiệu quả như mong muốn, trong khi không có chế tài cụ thể vì đó là tài sản của nhân dân.
Một kiểm lâm viên gắn bó với nghề đã hàng chục năm, lăn lộn bảo vệ từng khu vực trong khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc chia sẻ, cả một khu vực rộng lớn có khi rất hiếm thấy những cây nghiến con, trong khi đó, một cây nghiến để phát triển lên to cỡ hai người ôm phải mất hàng trăm năm. Mỗi một gốc nghiến bị đốn hạ, lâm tặc cũng “chặt đứt” hàng trăm năm sinh trưởng của loài cây này. Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc Nguyễn Hữu Kết kiến nghị, thay vì để kiểm lâm quản lý tập trung thì nên giao cho lực lượng công an xã quản lý cưa xăng tại trụ sở xã sẽ thuận tiện hơn, đồng thời giải quyết được nỗi lo sợ bị mất cưa của nhân dân.
Câu chuyện kể của già Ma Văn Thanh ở Xuân Lạc cứ ám ảnh tôi về tốc độ tàn sát loài gỗ nghiến quý hiếm bởi cưa xăng. Trong vùng lõi các khu bảo tồn còn hàng trăm hộ dân sinh sống, đời sống khó khăn nên rất dễ bị xúi giục phá rừng. Chiếc cưa xăng không có tội mà tội chỉ ở người sử dụng nó vào mục đích sai trái. Quản lý cưa xăng ra sao, quản lý tận gốc thế nào để bảo vệ rừng nghiến vẫn là một câu hỏi khó trả lời.