Chuyển động xử lý nợ xấu ngân hàng

|

Trước đây, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ chưa cao. Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết 42 được thực hiện, kết quả xử lý nợ xấu trở nên rất tích cực.

Việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 đến hết năm vừa qua ghi nhận một số kết quả bước đầu đáng chú ý. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống năm 2023 xử lý được tương đương với năm 2020 và vượt xa các năm trước, tính từ thời điểm Nghị quyết 42 đi vào cuộc sống.

Đã xử lý hơn 268 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Tính đến hết năm 2023 vừa qua, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 4,55%. Nếu không tính các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (gồm 3 ngân hàng mua lại bắt buộc, Đông Á Bank và SCB) thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,69%, nợ bán cho Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,36%.

Theo đó, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu bao gồm: đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn trở thành nợ xấu; các khoản khác phải thu khó đòi; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ tiềm ẩn thành nợ xấu; lãi phải thu phải thoái nhưng chưa thoái.

Năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 268.600 tỷ đồng nợ xấu. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), lũy kế từ 15/8/2017 đến hết năm vừa qua, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 443.800 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không gồm nợ xấu xử lý bằng dự phòng rủi ro).

Như vậy, so với giai đoạn từ cuối 2017 đến 31/12/2021 ghi nhận tỷ lệ nợ xấu xử lý qua mỗi năm đều gia tăng, năm 2023 vừa qua chứng kiến mức nhảy vọt về công tác xử lý nợ (268.600 tỷ đồng). Đơn cử, năm 2017 toàn hệ thống xử lý được khoảng 115.500 tỷ đồng, năm 2018 là 163.100 tỷ đồng, năm 2019 và năm 2020 đều có kết quả gần 160.000 tỷ đồng, năm 2021 gần 152.000 tỷ đồng.

Liên quan đến nợ xử lý tại VAMC, tính lũy kế từ khi thành lập năm 2013 đến hết năm 2023, VAMC đã phối hợp tổ chức tín dụng xử lý được 349.081 tỷ đồng dư nợ gốc. Trong đó, 338.466 tỷ đồng mua bằng trái phiếu đặc biệt (đạt khoảng 80% so số dư nợ gốc nội bảng đã mua nợ) và 10.635 tỷ đồng mua theo giá trị thị trường (đạt khoảng 78% so số dư nợ gốc đã mua).

Kết quả trên đã cho thấy bước tiến lớn trong phát huy hiệu quả của VAMC qua thời gian hoạt động. Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến ngày 31/12/2021, VAMC mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đạt hơn 104.410 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng tương ứng với giá mua nợ khoảng 101.665 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 120.738 tỷ đồng, bằng 66% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 31/12/2021.

Trước khi có Nghị quyết 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ chưa cao. Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết 42 được thực hiện, kết quả xử lý nợ xấu trở nên rất tích cực, với cơ chế hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Dẫu vậy, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Trong đó, nổi lên vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản - nêu tại điều 10 Nghị quyết 42. Cụ thể, “bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng”. Ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng còn phải tuân thủ quy định về kinh doanh bất động sản, đầu tư, xây dựng.

Điều này dẫn tới thực trạng là sau khi tổ chức tín dụng đưa tài sản bảo đảm - dự án bất động sản ra bán đấu giá công khai và xác định được người trúng đấu giá, nhưng lại không thực hiện được đăng ký cấp chứng nhận đầu tư cho người nhận chuyển nhượng, với lý do là chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, năng lực theo quy định.

Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tăng cường "sức mạnh"

Bên cạnh đó, về triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (đề án 689), NHNN cũng cho biết, một số kết quả cơ cấu lại với từng nhóm tổ chức tín dụng như sau.

Nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống cả về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng. Tính đến 31/12/2023, vốn điều lệ của bốn NHTMNN (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) đạt 207,8 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản hơn 8.242 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay thị trường 1 đạt hơn 6 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt, việc tăng vốn điều lệ cho các NHTMNN để nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng này nhằm duy trì hệ số an toàn vốn theo quy định cũng được NHNN tập trung chú trọng.

Năm 2023, Thủ tướng đã quyết định phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại BIDV (gần 5.200 tỷ đồng), VietinBank (khoảng 3.637 tỷ đồng) và Vietcombank (khoảng 6.407 tỷ đồng). Với Agribank, trên cơ sở phê duyệt của Quốc hội, Thủ tướng đã duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này giai đoạn 2021-2023 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước (tối đa 17.100 tỷ đồng).

Hiện Bộ Tài chính đã chuyển cấp bổ sung vốn điều lệ 2023 cho Agribank số tiền 6.753 tỷ đồng và Thủ tướng đã duyệt giao dự án NSNN năm 2024 để cấp bổ sung vốn điều lệ số tiền 10.347 tỷ đồng.

Với các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), NHNN cho biết, nhóm này đang tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh, tập trung xử lý nợ xấu và tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng.

Đến cuối tháng 12/2023, các NHTMCP có vốn điều lệ đạt khoảng 542,5 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 9 triệu tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay thị trường 1 đạt hơn 5,9 triệu tỷ đồng.

Tháng 6/2022, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 63/2022/QH15 về nội dung Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ ngày 15/8/2022 đến hết 31/12/2023.

Tới tháng 10/2023, Ủy ban kinh tế của Quốc hội đánh giá, việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, còn rất chậm, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.

Đồng thời, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế, tỷ lệ nợ xấu thị trường này tăng. Tính đến 30/6/2023, ghi nhận 118 tổ chức phát hành có một/nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 165 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,8 % giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.