Kinh doanh bền vững mở ra cơ hội

|

Theo khảo sát của PwC (một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới), có hơn 47% số người tham gia cho biết, họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy.

Phát triển bền vững đang trở thành mối quan tâm hàng đầu khi ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên đang ngày càng nghiêm trọng. Với cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy kinh doanh bền vững đang vừa là thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội lớn.

Vượt khó để phát triển bền vững

Khác với bầu không khí vẫn còn tương đối ảm đạm tại nhiều doanh nghiệp, đến thời điểm này, doanh thu của Công ty CP Vinasamex đã vượt kỳ vọng khi 6 tháng đầu năm, tăng tới 30%.

Không định hình là doanh nghiệp tạo tác động xã hội, mà chỉ mong muốn bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt, ban đầu doanh nghiệp này loay hoay với hàng nghìn tiêu chuẩn, quy định khắt khe về gia vị khi tiếp cận với các thị trường xuất khẩu. Chính tại thời điểm nhìn thấy những rào cản tại thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là lúc doanh nghiệp thật sự thấy cần phải chuyển hướng kinh doanh bền vững. Bắt đầu với những khoảnh rừng nhỏ trồng theo hướng hữu cơ, dần dần doanh nghiệp đã làm chủ cả nghìn ha được chứng nhận hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Vinasamex chia sẻ, hành trình để có được những khoảnh rừng trồng hữu cơ không hề đơn giản. Không chỉ là nguồn vốn, những người đứng đầu công ty như bà Huyền phải thật sự quyết tâm thuyết phục bà con nông dân đi theo hướng canh tác bền vững. Sau đó là những ngày tháng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, giám sát quy trình trồng, thu hoạch và sơ chế.

Những nỗ lực đó đã mang lại quả ngọt khi vô vàn cơ hội mới mở ra cho những sản phẩm hữu cơ của doanh nghiệp. Trước đây, chúng tôi phải chật vật tìm kiếm khách hàng. Tìm được rồi còn lo bị ép giá, rủi ro bị trả lại hàng. Giờ đây, chúng tôi đã có quyền lựa chọn khách hàng và duy trì một mức giá rất tốt cho sản phẩm của mình.

Cũng là một đơn vị nhanh nhạy khi chuyển hướng kinh doanh, Nhựa tái chế Duy Tân đã trở thành một cái tên khá quen thuộc với những sản phẩm tái sinh. Ô nhiễm nhựa trở thành mối quan tâm hàng đầu của cả thế giới. Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân cho biết, doanh nghiệp đã bắt tay chuyển đổi cả quy trình sản xuất để đáp ứng cho các sản phẩm trong lĩnh vực này. Đây là bước đi vững chắc của một doanh nghiệp định hướng bền vững đúng với xu hướng của thị trường.

Đặc biệt sau dịch Covid- 19, người tiêu dùng ý thức và ưu tiên lựa chọn các thực phẩm organic, biorganic, thực phẩm không biến đổi gen, không chất bảo quản... quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cá nhân và phong cách sống lành mạnh.

Khảo sát Thói quen Tiêu dùng: Báo cáo tại Việt Nam của PWc năm 2023 cũng cho thấy, trong hoạt động mua sắm, người tiêu dùng ngày càng đề cao các sản phẩm đã nhận được sự tin tưởng. Trong đó, các yếu tố môi trường và xã hội sẽ mang lại sức hút cho sản phẩm. Cụ thể, 96% sẵn lòng chi trả ở mức giá cao hơn để mua sản phẩm từ các công ty có đạo đức kinh doanh, 93% mong muốn mua sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế/bền vững.

Đánh giá về xu hướng này, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, nếu không kinh doanh bền vững, doanh nghiệp sẽ tự thu hẹp thị trường của mình. Không phải đợi đến khi khủng hoảng kinh tế khiến người ta mới "ngấm đòn" về sự phát triển nóng, về cách thức kinh doanh kiểu ăn xổi. Giờ đây, hai chữ "bền vững" trở nên thời thượng để nói về sự phát triển của doanh nghiệp và lớn hơn là nền kinh tế, khi mà kinh doanh không chỉ ở lợi nhuận, doanh thu mà có những thang chuẩn khác mà doanh nghiệp không thể bỏ qua.

Bền vững vì cộng đồng

Gặp không ít khó khăn từ đầu năm đến nay với khủng hoảng về vốn, Tập đoàn Lộc Trời vẫn kiên định với định hướng kinh doanh "giảm phát thải, bảo vệ môi trường". Theo đó, công ty này ưu tiên nguồn vốn cho tổ chức canh tác, giảm phát thải, giảm chi phí, bảo vệ môi trường trước khi tính tới doanh thu, lợi nhuận. Trong một chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Duy Thuận, Giám đốc Tập đoàn từng chia sẻ, khi mực nước dâng lên 0,35 cm, Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của Việt Nam có thể bị nhấn chìm. Nguy cơ này đặt ra thách thức cho những doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở đây. Chính vì vậy, Tập đoàn theo đuổi kế hoạch canh tác lúa theo hướng bền vững dựa trên khoa học để nâng cao chất lượng và năng suất mà không mất nhiều tài nguyên đất, nước.

"Nếu không phát triển bền vững, chúng tôi và những người nông dân nơi đây sẽ không còn gì để làm trong 5 - 10 năm tới. Vì vậy, chúng tôi chấp nhận những khó khăn trước mắt để hướng tới mục tiêu dài hạn”, ông Thuận nói.

Bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội và quản trị) đang trở thành tiêu chuẩn kinh doanh bền vững cho nhiều doanh nghiệp. Dù còn không ít những khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp nhưng khảo sát mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, có tới 83% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, việc áp dụng ESG sẽ giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH& ĐT cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn quan niệm, ESG là bộ tiêu chuẩn mang tính bắt buộc họ phải tuân thủ. Nhưng nếu, doanh nghiệp có cái nhìn dài hạn, hướng tới bền vững thì sẽ thấy ESG là cơ hội cho chính mình.

Đồng quan điểm, ông Mathew Mc Garvey, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho rằng, không chỉ ở góc độ tiêu dùng, những nhà đầu tư, những người sẵn sàng bỏ vốn cho doanh nghiệp cũng sẽ nhìn vào định hướng kinh doanh. Họ sẽ ưu tiên dòng vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, các dự án có định hướng bền vững, biết hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Kinh doanh bền vững không phải là câu chuyện xa xôi, nó cần được bắt đầu ngay bằng sự đột phá về tư duy của doanh nghiệp.