Vẫn được ưu đãi kinh phí, học phí
Thống kê của Bộ GD&ĐT về số lượng TS đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2017 mới đây cho thấy, trong số 635.000 TS cả nước đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH thì có 10 nhóm ngành được TS lựa chọn nhiều nhất (chiếm 50% TS cả nước).
Đứng đầu danh sách này là nhóm ngành kinh doanh với hơn 80.000 TS đăng ký NV1, tiếp đó là nhóm ngành ngôn ngữ - văn hóa với 42.500 TS đăng ký (chiếm 6,7%). Đặc biệt, nhóm ngành đào tạo giáo viên vẫn xếp vị trí thứ 3 với hơn 39.000 TS đăng ký (chiếm 6,2%), sau đó mới đến nhóm ngành luật (5,5%), y - dược (5%), công nghệ thông tin (4,3%), công nghệ kỹ thuật cơ khí (3,7%), tài chính - ngân hàng...
Lý giải việc ngành sư phạm thất nghiệp nhiều, khó xin việc nhưng thí sinh vẫn “chuộng”, các chuyên gia giáo dục cho rằng: Sức hấp dẫn của ngành học này vẫn nằm ở việc miễn học phí và điểm đầu vào không quá cao.
“Trước đây, việc xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên rất khó khăn, điểm trúng tuyển phần lớn rơi vào khoảng từ 20 - 24 điểm. Tuy nhiên, mấy năm gần đây khi nhu cầu giáo viên đã bão hòa, điểm trúng tuyển sư phạm chỉ dao động từ 17 - 21 điểm, thậm chí rất nhiều ngành chỉ lấy bằng điểm sàn. Điểm đầu vào thấp cùng với việc ưu đãi học phí, môi trường làm việc trẻ trung, được tôn vinh là một nghề cao quý, được nghỉ hè có lương... vẫn khiến ngành sư phạm thu hút TS, “bất chấp” cảnh báo thất nghiệp, khó kiếm việc làm”, một chuyên gia giáo dục phân tích.
Theo các chuyên gia giáo dục, hiện không chỉ có các trường chuyên sư phạm đào tạo ngành này mà thực tế có nhiều trường đào tạo đa ngành (như dân lập và tư thục) cũng mở lớp đào tạo giáo viên (GV). Cụ thể, hiện nay Bộ GD&ĐT chỉ chủ quản 10 trường có đào tạo sư phạm (bằng khoảng 10% cơ sở đào tạo sư phạm), còn lại là các trường CĐ sư phạm do địa phương và các bộ, ngành khác quản lý nên việc khống chế chỉ tiêu sư phạm bằng biện pháp hành chính là rất khó khăn.
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý, thừa nhận tình trạng dư thừa giáo viên, Bộ GD&ĐT đặt ra quy định giảm dần chỉ tiêu đào tạo sư phạm, nhưng trên thực tế mức kinh phí từ ngân sách dùng để cấp bù học phí cho trường sư phạm vẫn tăng đều đặn hằng năm. Đơn cử, năm 2012, tổng mức chi bù học phí thực tế từ nguồn ngân sách cho các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT đã nâng lên con số hơn 354 tỷ đồng. Đến năm 2013, dự toán của Bộ GD&ĐT về mức chi ngân sách bù học phí sinh viên sư phạm các trường ĐH-CĐ và cấp bù miễn giảm học phí tăng lên hơn 440 tỷ đồng và năm 2014 dự toán ngân sách phân bổ cho nhiệm vụ này lại tăng lên hơn 484 tỷ đồng.
Đào tạo không dựa trên nhu cầu thực tế
Thời gian tới, để khắc phục tình trạng thừa nhân lực sư phạm, không còn cách nào khác là quy hoạch lại các trường sư phạm, chỉ giữ lại một số cơ sở đào tạo sư phạm bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu đào tạo. Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 Nguyễn Văn Tuyến, việc cho phép mở ngành đào tạo tràn lan không dựa trên nhu cầu thực tế là nguyên nhân khiến mỗi năm có hàng nghìn sinh viên sư phạm ra trường bị thất nghiệp. Bởi đối với bảy trường ĐH sư phạm trọng điểm thì tổng chỉ tiêu đào tạo chưa đến 10.000, còn lại phần lớn chỉ tiêu thuộc về các trường sư phạm của địa phương, thậm chí các trường dân lập, tư thục. Đã đến lúc chúng ta cần phải có quy hoạch nhân lực, phê duyệt chỉ tiêu sát với nhu cầu thực tế và đặc biệt phải quản lý việc đào tạo để bảo đảm chất lượng.
Đồng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đối với các trường trực thuộc Bộ quản lý thì cùng với việc giảm chỉ tiêu sẽ tạm dừng xem xét hồ sơ mở ngành đào tạo sư phạm ở các trình độ ĐH - CĐ và dừng việc thực hiện đào tạo GV hệ đào tạo từ xa; tạm dừng việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm GV trung học cho các cử nhân ở các ngành đào tạo khác có nhu cầu trở thành GV…
Tuy nhiên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, lại băn khoăn về chất lượng sinh viên sư phạm ra trường còn thấp nếu theo chuẩn. Và không có thầy giỏi thì không có trò giỏi... Do đó, nếu các trường không chọn lọc kỹ TS ngay từ đầu thì sẽ gây lãng phí cho người học, cho xã hội. Cũng chung quan điểm này, PGS, TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp cho rằng: “Nhà nước cần có chính sách mới nhằm thu hút người giỏi vào học các ngành sư phạm, tập trung quy hoạch lại hệ thống trường đào tạo sư phạm, tạo cơ chế để tăng cơ hội việc làm đối với sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp”.
Bên cạnh đó, ngành sư phạm còn có sự bất cập về cơ cấu đội ngũ, thừa GV phổ thông nhưng lại thiếu GV ở mầm non và giảng viên những ngành đặc thù. Vì vậy, không thể cứ thấy dư thừa thì hạn chế mà cần phải có sự rà soát, quy hoạch lại tổng thể ngành này bài bản và chặt chẽ hơn.