Những sạp báo giấy

|

Hơn 20 năm trước, khi ông Lê Văn Hùng (54 tuổi) theo bà con, chòm xóm từ Quảng Nam vào Thành phố Hồ Chí Minh bán báo, tuyến đường quen thuộc quanh Hồ Con Rùa (Quận 3) chỉ vài trăm mét mà có đến mười mấy sạp báo, ai cũng biết mặt nhau. Từ sáng sớm, khách ghé mua rộn ràng cả góc phố. Rồi cuộc sống thay đổi, internet lên ngôi, sạp báo hết ăn nên làm ra, người bán nghỉ dần, giờ còn mình ông bám trụ.

Vương vấn ngày xưa…

Đang lui cui dọn dẹp, ông Hùng dừng tay, ngước ra xa khi nghe tiếng người lạ thở than “Tôi đạp xe gần cả giờ đồng hồ mới đến cái sạp này”. Cầm tờ báo giấy kèm tiền thối đưa cho khách, ông Hùng trấn an: “Tôi vẫn bán đó thôi, anh chịu khó qua đây là có”. Mân mê tờ báo vài phút, vị khách lạ dựng tạm xe trên lề, với lấy cái ghế nhựa, ngồi sát chủ sạp báo tỉ tê mấy chuyện ngày xưa. Ông Hùng biết, người đàn ông luống tuổi này cũng như mình, cứ mãi vấn vương những ngày vui với tờ báo trên tay mỗi sáng.

Ông khách tự giới thiệu mình tên Lê Thành Bá, tuổi ngoài 70, nhà ở tận Thành phố Thủ Đức. Ông mê đọc báo, mê luôn cách người ta bán báo dạo tận nhà, tận quầy cà-phê hay muốn đa dạng hơn thì ra sạp, tờ nào cũng có. “Tôi thích bắt đầu một ngày bằng tờ báo giấy, rà đủ mọi tin tức rồi ăn sáng, đi làm. Hồi xưa muốn mua bao nhiêu, ra đầu hẻm là có. Giờ sạp báo ít hơn, làm mình phải đạp xe xa hơn”. Câu chuyện cứ thế trải ra với rất nhiều ký ức. Ông khách nhắc ngày xưa khiến ông Hùng cũng bùi ngùi, nhớ lại thuở ban đầu chân ướt chân ráo rời quê vào miền nam mưu sinh với nghề bán báo.

Ngày mới của những người bán báo như ông Hùng thường bắt đầu từ 2 giờ sáng. Leo lên xe máy, rồ ga, ông chạy quanh tầm chục tòa soạn và đại lý khắp các quận trung tâm thành phố để gom cho đủ các đầu báo, tạp chí. Nơi nào cũng rộn rã tiếng chào hỏi, chốt số lượng, kiểm hàng. Ai nấy đều bận rộn nhưng gương mặt nào cũng háo hức. Nghề bán báo giúp nhiều người thoát nghèo, đủ tiền gửi về quê lo cho con cái, gia đình. Ông Hùng theo nghề được gần hai năm, thấy ổn ổn liền đưa vợ con vào cùng. Hai vợ chồng mở hai sạp báo, bận túi bụi. Xong khâu nhận hàng, ông bắt đầu hành trình giao báo tận nhà cho khách đặt theo tháng rồi quay về sạp, dọn dẹp, mở cửa, đợi mặt trời lên. Ông Hùng kể: “Mười mấy năm trước, ngày bán cả nghìn tờ, có bữa hơn. Cứ mở sạp là có thể ước lượng số tiền kiếm được trong ngày và chẳng khi nào có báo ế. Sau này bán ít hơn, vợ tôi nghỉ, ở nhà chăm con”.

Nằm trên đường Điện Biên Phủ (Quận 1), sạp báo của bà Huỳnh Kim Ngà đã nhuốm màu thời gian. Năm nay bà ngoài 70, chiếc sạp cũ kỹ cũng gần 30 năm hoạt động. Khi đông đúc, lúc vắng tanh nhưng chưa ngày nào sạp đóng cửa. Bữa nào bà mệt thì chồng phụ trông nom, còn không sẽ nhờ người giúp, đợi khách ghé thăm. Theo đà phát triển của xã hội hiện đại, khách mua báo giấy cũng không còn đông đảo như trước. Giờ đây, bà bán lại đều đặn mỗi ngày trên dưới 30 tờ. “Bà nhà tôi cực kỳ kỹ tính nên từ ngày bán báo đến nay toàn tự chạy xe đến từng tòa soạn gom, rất ít khi thông qua đại lý. Giờ già vậy chứ hỏi tòa soạn nào ở đâu, hình dáng ra sao, bà ấy kể vanh vách. Ngày trước bán đắt đến nỗi bà ấy gom báo khắp thành phố từ hơn 1 giờ sáng, về tới nhà là báo chất cao hơn người, xe khét mùi xăng. Có khi dọn sạp để vào ngủ mà khách vẫn tới hỏi mua”, ông Hà Minh Đức kể chuyện.

Ông Hùng (bên phải, áo xanh) vui vì còn nhiều khách quen ghé sạp mua báo mỗi ngày.

Khách vẫn thương

Ngày trước, mấy tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Chính Thắng hay Điện Biên Phủ thường được mọi người gọi vui là “con đường báo chí” của Thành phố Hồ Chí Minh vì ở đó tập trung rất nhiều sạp lớn nhỏ, muốn mua báo nào cũng có. Giờ các sạp ít dần đi. Bà Ngà là một trong số những người quyết tâm không bỏ nghề. Bà đã quen với mùi báo mỗi sáng hay mầu mực in vương trên đầu ngón tay. Mặc kệ tuổi tác, mỗi ngày, gần 5 giờ sáng, bà Ngà lại tự chạy xe máy tới các tòa soạn lấy báo về bán cho khách.

Bà nhớ như in từng tên từng đầu báo, ngày phát hành. Ngay cả vị trí sắp báo trên kệ, mấy chục năm vẫn giữ nguyên để “Khách hàng quen mắt dễ lựa”. Bà cụ gần 75 tuổi ấy còn nhớ cả sở thích của từng khách quen, chỉ cần họ dừng xe là báo ra tận chỗ, không sai sót hay thiếu tờ nào. Tóc có thể quên chải nhưng sáng ra bà đều xếp ngay ngắn từng tờ báo người ta đặt sẵn vào túi nylon, treo trên cây dù cũ. Nhiều khách ghé sạp, tự với tay báo rồi cúi đầu chào bà và đi vì tiền đã thanh toán trước cả tháng, có khi cả năm. Chiều muộn, anh Phạm Vân (sống tại quận Bình Thạnh) dừng xe tại “sạp báo cô Ngà”. Chẳng cần khách nói cần gì, chủ sạp đã cầm tờ báo quen trên tay, hỏi thêm: “Có lấy thêm báo cho ba má không?”.

Cả nhà anh Vân bao nhiêu năm nay chỉ mua báo ở sạp này, từ thời ba mẹ, anh chị, giờ đến anh và các con. Mỗi tuần, anh ghé đây ba, bốn bận, thành quen. Bà Ngà thuộc danh sách báo cần mua của từng người trong gia đình anh Vân và cũng hay chuyện trò, hỏi thăm. Dù có thể đặt dịch vụ giao tận nhà nhưng anh Vân vẫn thích ra sạp chọn mua từng tờ. “Ngày trước ba mẹ hay mua báo cho tôi đọc, giờ tôi làm điều ngược lại. Giữa thành phố xô bồ mà vẫn còn những sạp báo như vầy thì thật thú vị. Tôi có thể đọc báo trên mạng, cầm cái điện thoại ra quán cà-phê ngồi là xong. Nhưng tôi thích cái cũ, thích những điều thuộc về ký ức như ngồi cạnh ba mẹ, uống tách trà, chạm tay vào tờ báo giấy rồi cùng bàn về các chủ đề mà mình quan tâm”, anh Vân chia sẻ.

Sạp báo ông Hùng cũng có nhiều mối ruột suốt năm này tháng nọ. Như ông khách đặc biệt kia, ngay cả khi rời Thành phố Hồ Chí Minh về Khánh Hòa sinh sống vẫn duy trì việc đặt báo tại sạp suốt mấy năm nay. Có lần, ông Hùng hỏi sao không đặt gần nhà cho tiện, khỏi đợi chờ lâu, vị khách đáp “Sạp gần nhà có thì cũng chưa chắc đa dạng đầu báo, các loại tạp chí như của sạp anh. Tôi mua quen bao năm nay rồi, giờ nói đổi, tôi thấy buồn. Thôi thì anh cứ gom như trước, tiện tôi nhờ người nhà ghé lấy, không thì chịu khó gửi bưu điện giúp. Tôi đợi được”. Nghe khách trải lòng, ông Hùng tự dưng thấy vui. Tính ra, ông là người lưu giữ ký ức cho hàng triệu độc giả suốt mấy chục năm nay. Cái nghề nhìn đơn giản nhưng chứa đựng biết bao ân tình.

Có bữa ông Hùng bận việc phải nghỉ bán. Đi ngang góc đường quen thuộc thấy trống vắng, nhiều khách quen vội gọi điện hỏi thăm. Những lúc như vậy, ông Hùng đều cười thật tươi ở đầu dây bên kia: “Khách còn đọc báo là tôi còn bán, đừng lo. Tôi vào đây với hai bàn tay trắng, cái nghề đã giúp tôi ổn định cuộc sống, nuôi con cái ăn học đàng hoàng, đâu phải nói bỏ là bỏ. Mai ghé lại là thấy tôi”. Nhiều người rủ đổi nghề để tăng thu nhập, ông Hùng chẳng giải thích, chỉ lắc đầu. Ông thường trải lòng với mấy người bạn già hay ghé sạp, rằng nghề bán báo giấy giờ giảm thu nhập nhưng niềm vui thì vẫn thế. Sáng mở báo tranh thủ đọc, mình là người biết tin tức sớm. Rồi người này, người kia ghé thăm, hỏi han suốt. Nghề này coi vậy mà hay.