Lũng đoạn thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

|

Theo Luật Đất đai 2013 thì đất công, đất sạch do Nhà nước quản lý, muốn bán hay chuyển nhượng đều phải thông qua đấu giá công khai. Tuy nhiên, nhờ việc thoái vốn nhà nước của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tại Công ty CP Sài Gòn Gôn, Công ty CP địa ốc Thành Nhơn (Công ty Thành Nhơn) đã “bỏ qua” được khâu đấu giá công khai nhưng vẫn có thể đạt được mục tiêu là “chiếm trọn” 156 ha đất công tại Nông trường Dừa để làm khu dân cư, đô thị. Vấn đề đặt ra là Nhà nước mất đi quyền kiểm soát đất và những khoản chênh lệch giá trị từ đất mang lại, tư nhân được hưởng lợi.

Kỳ 2: Thâu tóm đất công, ai mất, ai hưởng lợi?

(Tiếp theo và hết)

Câu chuyện được và mất!

Việc thoái vốn nhà nước của Saigontourist tại Sài Gòn Gôn đã hoàn tất và được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, Sài Gòn Gôn đã mang về cho Saigontourist khoản lãi hơn 545 tỷ đồng, hay như đầu tư 100 tỷ đồng, Saigontourist thu lãi 545 tỷ đồng khi bán một công ty…

Cũng theo các phương tiện thông tin đại chúng, sáu tháng đầu năm 2017, Saigontourist ghi nhận 2.925 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ. Trong đó, dịch vụ lữ hành tiếp tục dẫn đầu tỷ trọng đóng góp doanh thu với khoảng 65,6%. Kết quả này chênh lệch không đáng kể so cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Saigontourist lại tăng đến 44%, lên mức 990 tỷ đồng nhờ nguồn thu từ hoạt động tài chính trong các tháng đầu năm cao gấp bốn lần cùng kỳ.

Những số liệu được các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra cũng khá phù hợp bảng cân đối tài chính hợp nhất của Saigontourist tại thời điểm 31-12-2017. Ở đây có nghĩa “phi vụ” đầu tư vào Sài Gòn Gôn đã giúp cho Saigontourist thu được một khoản lãi lớn, nhưng nhìn vào đây thì thấy Nhà nước đã mất đi quyền kiểm soát 50% giá trị toàn bộ diện tích 156 ha đất công tại dự án Khu dân cư Nông trường Dừa (?). Với mức giá được đưa ra và Saigontourist đã thu về thì có thể thấy, Công ty Thành Nhơn sau khi đầu tư 100 tỷ đồng với quyền kiểm soát 50% vốn điều lệ tại Công ty Gôn đã được hưởng lợi nhuận mang lại với tổng giá trị lên đến hơn 645 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo Báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31-12-2017 của Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc NoVa (Nova land) - (công ty mẹ của Công ty Thành Nhơn) thì vào ngày 14-4-2017, Tập đoàn đã hoàn tất việc mua 98,02% lợi ích vốn chủ sở hữu của Sài Gòn Gôn với tổng giá phí là hơn 1.422,7 tỷ đồng. Lợi thế thương mại trị giá hơn 149 tỷ đồng phát sinh từ việc mua lại này phần lớn bao gồm sự hợp nhất và tính kinh tế theo quy mô dự kiến thu được từ việc kết hợp hoạt động của Tập đoàn và Sài Gòn Gôn.

Một vấn đề đặt ra là, Saigontourist đã thu về cho mình khoản lợi nhuận lên đến hơn 545 tỷ đồng nhưng việc thoái vốn tại Sài Gòn Gôn có gây thiệt hại gì cho Nhà nước và đây có phải là giá trị thật của 156 ha đất công tại dự án Khu dân cư Nông trường Vườn Dừa?

Thực tế, dự án Khu dân cư Nông trường Dừa là một khu cù lao nằm trọn trên sông Đồng Nai. Để đi vào khu dự án, từ trung tâm phường Long Trường, quận 9 có thể theo đường Tam Đa (phường Trường Thạnh) hoặc đường Trường Lưu (phường Long Trường). Theo Bảng giá đất ở quận giai đoạn 2015 đến 2019, được ban hành theo Quyết định số 51/2014/QĐ-UBND thành phố Hồ Chí Minh ngày 31-12-2014 và có hiệu lực từ đầu năm 2015, thì giá đất trên đường Trường Lưu là 2,4 triệu đồng/m², đường Tam Đa (sông Tắc) là giá 2,1 triệu đồng/m². Như vậy, chỉ cần lấy giá đất tại bảng giá đất của UBND thành phố Hồ Chí Minh, với giá khu vực đường Tam Đa là 2,1 triệu đồng/m² thì với 156 ha đất của dự án Khu dân cư khu Nông trường Dừa, giá trị có thể là hơn 3.276 tỷ đồng; nếu lấy giá 2,4 triệu đồng/m² theo bảng giá tại đường Trường Lưu thì tổng giá trị của khu đất có thể lên đến 3.744 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng giá phí tại Sài Gòn Gôn được định giá là 1.422,7 tỷ đồng, chưa bằng một nửa giá trị của mức giá đất thấp nhất theo quy định của Nhà nước.

Theo khảo sát của phóng viên, giá đất trên thị trường tại các dự án bất động sản trên hai tuyến đường Tam Đa và Trường Lưu như dự án Nhà Việt Nam, dự án đất nền SaigonLand, dự án Singa City đều có giá bán từ 16 đến 22 triệu đồng/m². Đặc biệt, dự án Khu đô thị Đại Phước (cù lao Đại Phước) thuộc về huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), nằm vị trí xa hơn dự án Khu dân cư Nông trường Dừa hàng chục km, điều kiện đi lại khó khăn hơn rất nhiều nhưng đang có giá bán từ 15 đến 20 triệu đồng/m². Như vậy, nếu được đưa vào kinh doanh, khai thác thì doanh thu và lợi nhuận mang lại từ dự án Khu dân cư Nông trường Dừa sẽ là bao nhiêu? Việc Sài Gòn Gôn được đánh giá và thẩm định về giá trị thật tại dự án Khu dân cư Nông trường Dừa liệu có phù hợp và ai mất, ai là người được hưởng những giá trị thật dự án mang lại?

Ai chịu trách nhiệm?

Thêm một câu hỏi đặt ra: Những cổ đông tại Sài Gòn Gôn đã làm được những gì mà hưởng lợi đến hàng nghìn tỷ đồng hay chỉ là “ăn theo” giá trị 156 ha đất công? Tại Văn bản số 08/2014-CV-SGG tháng 12-2014 của ông Bùi Cao Nhật Quân, Tổng Giám đốc Sài Gòn Gôn báo cáo Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh về việc đã triển khai dự án Khu đô thị dân cư Vườn Dừa (156 ha) tại phường Long Trường - Trường Thạnh với hàng chục đầu mục công việc đã được công ty thực hiện. Trong đó, tập trung nhiều vào việc thuê tư vấn, khảo sát địa chất, lập và phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch 1/2000, trải qua 25 lần cùng Viện Quy hoạch trình duyệt và chỉnh sửa… Đặc biệt, theo văn bản này thì sau gần 10 năm chủ đầu tư vẫn loay hoay với công tác bảo vệ và quản lý để khu đất dự án không bị lấn chiếm, sạt lở là chính. Tính đến ngày 31-3-2014, Sài Gòn Gôn đã thực chi cho các công việc nêu trên ước tính vào khoảng 109,88 tỷ đồng. Cũng theo văn bản này thì vốn điều lệ Sài Gòn Gôn được nâng lên 215 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy rằng, sau hơn 10 năm và đến khi được UBND TP Hồ Chí Minh giao lại cho Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư giai đoạn I dự án Khu dân cư Nông trường Dừa vào tháng 12-2015 thì đã mang lại giá trị lợi nhuận cho cổ đông gấp hơn 10 lần số giá trị thật tiền đã đầu tư. Cụ thể, lấy số tiền đã được định giá là 1.422,7 tỷ đồng trừ đi 109,88 tỷ đồng vốn đã đầu tư thì tổng lợi nhuận sẽ là hơn 1.312 tỷ đồng.

Liên quan vấn đề thoái vốn của Saigontourist tại Sài Gòn Gôn, tại văn bản báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh ngày 23-1-2018, Chi cục Tài chính Doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh đã viện dẫn hàng loạt cơ sở pháp lý liên quan việc thực hiện thoái vốn. Theo văn bản này, việc thoái vốn của Saigontourist là đã đúng “quy trình” và đã được UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 432/UBND - KT chỉ đạo về việc chấp thuận chủ trương cho phép Saigontourist chuyển nhượng vốn góp cho Công ty Thành Nhơn. Đồng thời, UBND thành phố giao cho Hội đồng thành viên Saigontourist chịu trách nhiệm về đề án tái cơ cấu của Saigontourist, đánh giá tiềm năng, khả năng sinh lời của Sài Gòn Gôn để xem xét, quyết định việc thực hiện thoái vốn theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm việc thoái vốn được công khai minh bạch và đạt hiệu quả cao nhất… Tại văn bản này, Chi cục Tài chính Doanh nghiệp cho rằng việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải trên nguyên tác tuân thủ quy định của pháp luật về doanh nghiệp, chứng khoán và quy định khác của pháp luật liên quan; Phản ánh đầy đủ giá trị thực tế doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Bảo đảm nguyên tác thị trường, công khai, minh bạch.

Tuy vậy, trước những biến tướng làm cho 156 ha đất công tại Nông trường Dừa bị Công ty Thành Nhơn “thâu tóm” và Nhà nước có nguy cơ thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Để giải đáp những vấn đề này, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng.