Khi bác sĩ dứt áo ra đi

|

Trong khi yêu cầu công việc ngày càng cao thì chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện tuyến huyện ở Hà Tĩnh lại chưa tương xứng với những áp lực, công sức lao động. Vì vậy, mặc dù được tạo điều kiện đào tạo chuyên sâu, thậm chí được quy hoạch cán bộ nguồn nhưng các bác sĩ ở đây vẫn đồng loạt xin nghỉ việc, đến đầu quân cho các bệnh viện, phòng khám tư nhân.

Lao đao vì bác sĩ nghỉ việc

Năm 2015, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đáp ứng nguyện vọng được công tác lâu dài tại Khoa Da liễu nên đã cử và tạo điều kiện cho bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền đi đào tạo chuyên sâu. Bên cạnh đó, BV đã đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại để bác sĩ triển khai các kỹ thuật mới. Tuy vậy, chỉ hơn một năm sau, khi có chứng chỉ hành nghề, bác sĩ Huyền lập tức xin nghỉ việc! Trong khi, giữa BV và bác sĩ Huyền không có hợp đồng ràng buộc trách nhiệm.

Thời gian gần đây, không chỉ có bác sĩ trẻ bị hấp dẫn bởi môi trường bên ngoài mà ngay cả những bác sĩ đã có thâm niên, có nhiều cống hiến của BVĐK Nghi Xuân, thuộc diện quy hoạch nguồn cũng bỏ sang “đầu quân” cho BV tư. Đơn cử, trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi được BV cử đi học trung cấp chính trị, đưa vào diện quy hoạch Phó Giám đốc nhưng sau khi học xong thì xin chuyển việc. Năm 2016, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, thuộc cơ cấu phó giám đốc BV cũng “dứt áo” ra đi. Năm 2017, phó trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ CKI - bác sĩ chuyên khoa xét nghiệm duy nhất của BV tuyến huyện cũng “đầu quân” cho BV ở TP Vinh…

Hiện tượng “chảy máu chất xám” tại BVĐK Nghi Xuân đã và đang khiến cho việc tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh ở đây gặp rất nhiều khó khăn. “Hiện tại mỗi vị trí việc làm tại đây chỉ có duy nhất một bác sĩ. Vì vậy, nếu một bác sĩ nghỉ làm vì lý do nào đó là cả hệ thống rối loạn. Ngay cả hai Phó Giám đốc của BV cũng rất khó thực hiện công tác quản lý vì hầu hết thời gian phải dành cho nhiệm vụ khám, chữa bệnh. Vẫn còn một số bác sĩ vẫn chưa thật sự yên tâm công tác, thậm chí những trường hợp cá biệt có lúc còn đe dọa nghỉ việc…”, bác sĩ Hà Thanh Sơn, Giám đốc BVĐK Nghi Xuân chia sẻ.

Tương tự, tại BVĐK huyện Hương Khê, trong hai năm trở lại đây, đã có một bác sĩ CKI ngoại và một bác sĩ là trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh xin nghỉ việc để ra làm ở BV tư tại Nghệ An. Mới đây, ba bác sĩ trưởng, phó khoa của BV này cũng đã nhận quyết định nghỉ chế độ 108. Điều khiến nhiều người băn khoăn, đó là chế độ 108 dành cho những đối tượng như dôi dư do rà soát, cơ cấu lại cán bộ; chưa đạt trình độ theo tiêu chuẩn đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; ngành đào tạo không phù hợp; sức khỏe yếu, nghỉ làm việc quá nhiều…, nhưng với BV Hương Khê, về theo diện tinh giản biên chế lại là đội ngũ cốt cán, chủ lực lao động đang rất cần cho BV.

Bác sĩ Nguyễn Phi Hùng, một trong ba bác sĩ đã có quyết định về nghỉ theo chế độ 108 trong năm 2018, thẳng thắn cho rằng: Hơn 30 năm gắn bó với nghề, là bác sĩ chính, nhưng thu nhập hiện nay chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Cùng là bác sĩ trong BV, nhưng so với thu nhập của bác sĩ khoa Ngoại thì đã có sự chênh lệch rất lớn, đó là chưa nói đến thù lao các BV tư nhân trả cho bác sĩ hiện nay hay thu nhập từ phòng khám tư...

Theo chia sẻ của Giám đốc BVĐK Kỳ Anh Phan Thị Xuân Liễu, hầu hết các bác sĩ trẻ chỉ quan tâm ba điều: Chế độ đãi ngộ thế nào? Có được quyền chọn khoa mình yêu thích không? Có được đi đào tạo sớm không? Những năm trước còn có người đăng ký về khoa Ngoại, Hồi sức cấp cứu, Sản nhưng xu hướng hiện nay các em chủ yếu đăng ký vào những chuyên khoa rủi ro ít mà có thể làm ngoài được. Điều đáng lo lắng nhất hiện nay là sau khi về BV công tác, được cử đi đào tạo chuyên khoa, được cấp chứng chỉ hành nghề, các em lại bắt đầu rục rịch tìm môi trường bên ngoài.

Bệnh viện cần vai trò tự chủ

Hiện nay, việc thu hút và “giữ chân” bác sĩ ở BV tuyến huyện đang gặp nhiều khó khăn. Hầu hết bác sĩ trẻ nộp đơn đăng ký về tỉnh công tác phần lớn đều có nguyện vọng vào làm việc tại BVĐK tỉnh. Ngoài ra, hiện nay chính sách thu hút của tỉnh Hà Tĩnh chưa thật sự hấp dẫn được đội ngũ bác sĩ. Vì vậy, việc thu hút được bác sĩ trẻ về công tác đang hoàn toàn phụ thuộc vào các BV tuyến huyện.

Tại BVĐK Nghi Xuân, trước áp lực thiếu nguồn bác sĩ, BV đã tham mưu cho huyện thực hiện chính sách thu hút. Đối với BVĐK Nghi Xuân hiện nay, mỗi bác sĩ trẻ về sẽ nhận được nguồn hỗ trợ là 120 triệu đồng, trong đó, huyện 40 triệu, nguồn BV 40 triệu và tỉnh 40 triệu đồng. Ban Giám đốc BV đã trực tiếp đến Trường đại học Y khoa Vinh để vận động các em và đã có 15 bác sĩ trẻ đăng ký về làm việc ở BV. Tháng 8-2018, BV đã ký hợp đồng với tám bác sĩ và đang xem xét, gửi đào tạo chuyên khoa tại các BV lớn trong nước. Đồng thời, sẽ ràng buộc trách nhiệm bằng việc giữ chứng chỉ hành nghề của các em trong thời gian 5 năm.

Các BV tuyến huyện khác cũng đang bằng mọi cách để thu hút bác sĩ trẻ mới ra trường. Tuy nhiên, hầu hết các BV tuyến huyện vẫn nơm nớp nỗi lo tình trạng “chảy máu chất xám”, ngay cả với bác sĩ trẻ thuộc diện thu hút sau khi đã được đào tạo, được cấp chứng chỉ hành nghề.

Nhiều giám đốc BV tuyến huyện cho rằng, giải pháp cốt yếu nhất để “giữ chân” được các bác sĩ hiện nay là thực hiện cải cách chế độ tiền lương để tạo cơ chế trả thù lao phù hợp với thực tiễn. Như hiện nay, quy định về chế độ phụ cấp rất cồng kềnh, gây bất cập trong thu nhập lao động. Chẳng hạn như có những điều dưỡng khoa lây ở BVĐK huyện hiện nay tiền lương và phụ cấp nhận đến 11 triệu đồng/tháng, trong khi bác sĩ là phó giám đốc, giám đốc BV chỉ nhận được 10 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể đến số đông bác sĩ khác chỉ có thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng…

Trong điều kiện chế độ đãi ngộ của tỉnh còn hạn chế so nhiều địa phương khác, cách duy nhất là thực hiện cơ chế tự chủ, vì vậy, tỉnh cần tạo điều kiện cho BV công được cải cách chế độ tiền lương theo cơ chế của BV tư, chỉ có một chế độ tiền lương (không có phụ cấp). Có như vậy, các BV mới phân chia thu nhập một cách công bằng và tạo được nguồn để nâng mức thu nhập thỏa đáng cho bác sĩ.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh - Lê Ngọc Châu, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tham mưu HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số chính sách đãi ngộ đối với nhân lực y tế chất lượng cao để giảm sự chênh lệch về thu nhập giữa các đơn vị, vùng, miền và tỉnh bạn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực cao về làm việc tại các BV tuyến huyện, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ chính quy dài hạn (mỗi năm, các BV tuyến huyện thu hút từ 35 - 40 bác sĩ chính quy dài hạn về công tác). Mặt khác, ngành tiếp tục nỗ lực huy động nguồn lực, đầu tư cải thiện cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị hiện đại, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và chuyên sâu tại các BV tuyến huyện; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án BV vệ tinh tại BVĐK thị xã Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Hương Sơn và mở rộng đề án BV vệ tinh đến các BV tuyến huyện khác...

“Vấn đề cốt yếu là các BV phải xây dựng được chính sách để giữ nguồn nhân lực. Đặc biệt, với cơ chế tự chủ hiện nay thì BV càng phát huy được vai trò trong vấn đề này”. Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh - Lê Ngọc Châu nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Tĩnh, từ năm 2012 - 2017, toàn tỉnh có 45 bác sĩ nghỉ việc, trong đó có một tiến sĩ, 22 thạc sĩ. Riêng giai đoạn 2016 - 2017 đã có 26 bác sĩ, dược sĩ đại học bỏ việc, thôi việc.