Mâu thuẫn sau những barie tự phát

|

Thời gian vừa qua, câu chuyện về những chiếc barie được dựng lên ở đầu ngõ dọc phố Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã khiến nhiều người bức xúc. Nhưng đằng sau đó không chỉ là nỗi niềm của người dân hai phía mà còn là chuyện phát triển hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển phương tiện ở Thủ đô.

Nỗi niềm của người dân

Câu chuyện về các thanh barie dựng tại các con ngõ trên phố Thượng Đình những ngày qua đã làm dấy lên nhiều bức xúc từ người tham gia giao thông. Những chiếc barie do người dân tự lập án ngữ tại lối vào các ngõ 105, 127 đường Nguyễn Trãi; ngõ 58, 94, 126 và 144 đường Thượng Đình đã có từ năm 2022, thời gian đóng mở từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút mỗi sáng.

Vào giờ cao điểm, các ngõ trên có lượng phương tiện lưu thông khá lớn. Nếu theo lối chính, các phương tiện từ Thượng Đình muốn sang phố Tây Sơn phải qua đường Nguyễn Trãi, rẽ phải vào đường Trường Chinh rồi quay đầu, mất tầm 15-20 phút. Nhưng đi tắt qua các ngõ trên, đặc biệt là ngõ 126 và 144 Thượng Đình, đường đi ra Nguyễn Trãi sẽ nhanh hơn nhiều. Theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả các barie này đều do người dân sinh sống trong các ngõ trên tự đóng góp.

Không ít người cho rằng, hành động dựng barie trên vi phạm quyền sử dụng lối đi chung. Đáng nói, tình trạng ùn tắc thường xuyên tại các tuyến đường chính càng làm vấn đề trở nên gay gắt hơn. Tuy nhiên, sự tiện lợi của những người tham gia giao thông lại trở thành phiền toái, thậm chí là nỗi lo của những hộ dân sinh sống trong nhưng con ngõ này. Nhiều xe máy đi lối tắt sang đường Nguyễn Trãi với vận tốc nhanh, bấm còi inh ỏi gây ô nhiễm tiếng ồn. Giờ cao điểm từng đoàn xe nối đuôi nhau vào con ngõ dài 200 m, rộng chưa đến 1 m, gây ùn tắc nhiều giờ. Nhiều người dân từng bị xe máy va quệt trong lúc đi bộ bởi ngõ có nhiều khúc cua, khuất tầm nhìn.

Anh Tạ Quang Tú (36 tuổi, một người dân sống trong ngõ 144 Thượng Đình) bức xúc, mặc dù đường ở trước cổng nhưng sáng nào cũng muộn giờ làm, giờ đưa con đi học do người đi xe máy ùn ùn kéo vào trong ngõ, người dân ở trong nhà cũng khó di chuyển ra ngoài. Có những hôm tắc cứng do lượng phương tiện quá nhiều cũng chỉ bất lực đứng nhìn. Cực chẳng đã các hộ dân mới họp bàn và lắp đặt, cũng chỉ đóng mở 1 tiếng mỗi ngày để bảo đảm an toàn chứ không phải đóng cả ngày.

Tuy nhiên vì sai luật, sau khi sự việc được phản ánh trên báo chí, vừa qua, UBND phường đã họp bàn cùng các cơ quan liên quan và đại diện Khu dân cư Cơ khí 2A, 2B sống trong các con ngõ này để yêu cầu tháo dỡ thanh chắn.

Chờ giải pháp dài hạn

Ghi nhận sáng 9/12 tại phố Thượng Đình, các thanh barie trước đây đã được tháo gỡ. Hàng chục phương tiện không ngần ngại tiếp tục đi tắt qua các ngõ này để tiết kiệm thời gian, lao ra đường lớn, cắt ngang đầu ô-tô để lên cầu vượt Ngã Tư Sở, mặc cho cơ quan chức năng đang phân luồng tại đường Nguyễn Trãi. Nhiều phương tiện còn chọn cách chuyển làn nguy hiểm, bất chấp an toàn giao thông để đi tắt, thay vì tuân thủ lộ trình vòng qua đường Trường Chinh rồi quay đầu lại.

Chị Đặng Thanh Nga (40 tuổi, người dân sống trong ngõ 126 Thượng Đình) bức xúc: Những thanh chắn này đã bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân từ lâu. Trước đây dù đã có nhiều phương tiện cố tình lao qua, phá khóa hay đâm gãy trục thì chúng tôi vẫn họp bàn sửa chữa và lắp mới. Duy chỉ có lần này là bắt tháo dỡ triệt để. Sự việc ầm ĩ thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân ở đây.

Dưới góc nhìn luật pháp, theo luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật), hành động dựng barie tự phát của người dân là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Luật nghiêm cấm việc đặt chướng ngại vật trái phép trên đường, gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong các tình huống khẩn cấp như cứu thương hoặc hỏa hoạn. Người vi phạm có thể phải chịu phạt hành chính lên đến 6 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Câu chuyện về những thanh barie ở Thượng Đình không chỉ phản ánh xung đột giữa quyền lợi cá nhân và lợi ích cộng đồng, mà còn là vấn đề lớn trong quản lý giao thông đô thị. Khi chính quyền tháo dỡ thanh chắn, người dân mất đi “tấm lá chắn” bảo vệ họ. Nhưng khi thanh chắn tồn tại, người đi đường lại chịu cảnh bất tiện và bức xúc. Bài toán này không giải quyết "bên thắng, bên thua". Một giải pháp dài hạn và cân bằng cần được đặt ra như tăng cường phân luồng giao thông hiệu quả hơn, hoặc cải thiện hạ tầng khu vực để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân.