Phóng viên (PV): Cơ hội việc làm rộng mở và thu nhập tốt nhưng tại sao chị vẫn chọn về quê lập nghiệp?
Trần Thị Hồng Thắm: Quê tôi có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, đặc biệt là ngành muối (hiện tại đang lưu giữ 660 ha sản xuất muối phơi cát truyền thống và cũng là vựa muối lớn nhất của khu vực bắc miền trung). Chuyên gia Nhật Bản đánh giá rất cao về vị ngon mặn dịu, giàu khoáng của dòng muối này. Tuy nhiên, muối của Quỳnh Lưu vẫn chưa có thương hiệu. Chính vì lẽ đó, nhiều cánh đồng muối bị bỏ hoang, người dân không còn gắn bó với làng nghề. Là người con Quỳnh Lưu, tôi rất đau xót về điều này và quyết định trở về quê lập nghiệp. Với kiến thức được đào tạo về kinh tế - xuất nhập khẩu nông sản học, cộng với tinh thần dấn thân, nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi đã bắt tay vào thực hiện ngay và nhanh các ý tưởng.
PV: Chị có thể chia sẻ rõ hơn về dự án muối Nanosalt mà mình đã tâm huyết suốt nhiều năm qua?
Trần Thị Hồng Thắm: Tôi cùng đội ngũ của mình đã bắt tay nghiên cứu ròng rã trong suốt 5 năm để tìm ra công nghệ phân tách khoáng đa tầng nhằm chế biến sâu các loại muối tốt cho sức khỏe từ nguồn mật muối sẵn có mà chưa được tận thu khai thác. Mật muối chính là phần nước biển cô đặc giàu dinh dưỡng còn sót lại trên các ruộng muối và sau khi bà con thu hoạch muối thô nhưng không được quay lại sản xuất. Và Nanosalt - Muối sức khỏe Việt Nam ra đời bắt đầu từ đây.
Sau khi đã hoàn thiện được công nghệ, tôi đã thành lập công ty và xây dựng nhà máy chế biến muối và các sản phẩm từ muối. Với công nghệ sản xuất muối mới, Nanosalt đã hợp tác với 12 hợp tác xã nghề muối truyền thống tại Nghệ An để thu mua mật muối. Từ nguyên liệu bị lãng phí trên cánh đồng muối, mật muối trở thành hàng hóa có giá trị, là nguyên liệu dồi dào để chế biến ra nhiều loại khoáng biển tự nhiên phục vụ sức khỏe con người.
PV: Khởi nghiệp chưa khi nào là dễ dàng với những người trẻ vì họ luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm trí trước bờ vực phá sản. Còn chị thì sao?
Trần Thị Hồng Thắm: Muối là nghề khó, vì đã bao năm nay hạt muối bị coi là rẻ, giá trị thấp, không được coi trọng, nhiều công ty sản xuất muối đã phải đóng cửa, chuyển sang ngành khác. Do đó, khi chọn dấn thân vào nghề, kết duyên cùng hạt muối, tôi cũng gặp nhiều thách thức trong việc giữ vững được lập trường, niềm tin với nghề và thuyết phục cộng sự, gia đình ủng hộ con đường mình đã chọn.
Quá trình bắt tay vào làm là sự khó khăn về công nghệ, thử nghiệm nhiều lần mà không hoàn thiện được công nghệ phân tách khoáng biển, thiếu tài liệu hướng dẫn, không có chuyên gia am hiểu, đội ngũ phải mày mò, kiên nhẫn tìm kiếm từng chút về công nghệ của dân gian và của thế giới. Vì đi vào nghiên cứu sâu về công nghệ, rồi mở nhà máy sản xuất cần nguồn vốn dài hạn rất lớn nên chúng tôi thường xuyên phải “liệu cơm gắp mắm”.
PV: Sau thành công bước đầu với dự án muối Nanosalt, chị dự định nghiên cứu lĩnh vực gì trong thời gian tới?
Trần Thị Hồng Thắm: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào phát triển thương mại hóa các sản phẩm từ muối khoáng biển để chế biến sâu hơn chứ không chỉ là bán nguyên liệu. Mới gần đây, trong một chuyến thiện nguyện tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), tôi nhận thấy nhiều bà con dân tộc thiểu số trồng gừng sẻ với sản lượng khá lớn mà chưa có đơn vị bao tiêu. Tôi nhận thấy gừng sẻ Kỳ Sơn có đặc tính cao nhất tại nước ta về tính dược liệu. Nếu kết hợp với muối thì sẽ tạo ra bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe tuyệt vời. Nghĩ là làm, tôi và cộng sự đã bắt tay để nghiên cứu và thương mại ra bộ sản phẩm kết hợp giữa muối biển sâu và gừng núi cao thành những sản phẩm được chắt lọc tinh túy của cả 2 nơi.
PV: Xin cảm ơn chị và chúc dự án ngày càng thành công!