Kỳ 2: Điều chỉnh dự án, hợp thức hóa cho sai phạm?
Điều chỉnh hay hợp thức hóa?
Ngày 15-1-2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn (CV) số 562/UBND-THKH về việc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tham mưu điều chỉnh DA TTTM Bờ Hồ. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đơn vị: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Công thương và UBND TP Thanh Hóa, Sở KH&ĐT đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư DA TTTM Bờ Hồ của Công ty CP Đầu tư TTTM Bờ Hồ.
Lý do mà Sở KH&ĐT căn cứ để tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh DA này là “tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư”, cũng như đúng với bản vẽ thi công và thực tế công trình đã được thi công. Câu hỏi đặt ra là, nếu đã thi công đúng theo thiết kế, tại sao phải điều chỉnh DA?
Về phần diện tích đất bị sử dụng không phép, Sở TN&MT đề xuất tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty CP Đầu tư TTTM Bờ Hồ hoàn thiện, chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ đầu tư xây dựng, hồ sơ đất đai, trình UBND tỉnh phê duyệt; làm căn cứ để xác định diện tích đất tăng thêm so Giấy CNQSDĐ, để thực hiện giao đất theo quy định của pháp luật.
Ngày 3-4-2018, Sở Xây dựng có CV số 1587/SXD-HĐXD báo cáo UBND tỉnh về việc điều chỉnh DA của TTTM Bờ Hồ. Tại CV này, Sở Xây dựng đề xuất, nếu công trình bảo đảm an toàn chịu lực, đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương điều chỉnh DA… Nếu công trình không bảo đảm an toàn chịu lực, yêu cầu chủ đầu tư phải có giải pháp tháo dỡ.
Gần đây nhất, Sở Xây dựng có CV số 3970/SXD-HĐXD và CV số 4775/SXD-HĐXD thống nhất đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương cho phép Công ty CP Đầu tư TTTM Bờ Hồ được điều chỉnh DA.
Cùng quan điểm với các đơn vị trên, UBND TP Thanh Hóa cũng thống nhất đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh DA trên cơ sở khi cấp có thẩm quyền phê duyệt về độ an toàn của công trình.
Trong khi đó, bà Doãn Thu Hà, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư TTTM Bờ Hồ cho rằng, quy trình quản lý của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa khá chặt chẽ, nhưng cũng gây nhiều khó khăn cho DN, đặc biệt là giấy tờ, thủ tục.
Tưởng rằng trước những sai phạm rõ ràng tại DA đầu tư xây dựng TTTM Bờ Hồ, UBND tỉnh Thanh Hóa và các sở, ban, ngành liên quan sẽ có những biện pháp hữu hiệu giải quyết dứt điểm vụ việc này. Nhưng ngày 5-9-2018, UBND tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở những tham mưu của các đơn vị có liên quan như: Sở KH&ĐT; Sở TN&MT; Sở Xây dựng và UBND TP Thanh Hóa, đã ban hành Văn bản số 10782/UBND-THKH đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô của DA chồng chất sai phạm này.
Trong đó, trực tiếp tham mưu điều chỉnh DA là Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa thông qua Văn bản số 4775/SXD-HĐXD ngày 22-8-2018. Tại văn bản này, Sở Xây dựng đã có những đánh giá tổng thể về công trình tòa nhà TTTM Bờ Hồ, đồng thời cũng chỉ rõ những tồn tại về hồ sơ quản lý chất lượng công trình. Cụ thể những tồn tại đó là: thiếu hồ sơ về phòng cháy, chữa cháy; thiếu nhật ký thi công giai đoạn thi công từ ngày 30-12-2013 đến nay; thiếu hồ sơ nghiệm thu công tác hoàn thiện; thiếu bản vẽ hoàn công công trình từ tầng 3 đến tầng mái; không có chứng chỉ xuất xứ vật tư, vật liệu xây dựng khác; thiếu hồ sơ năng lực của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình…
An toàn công trình & sự “ưu ái” bất thường
Theo Sở Xây dựng, công trình DA TTTM Bờ Hồ vẫn bảo đảm khả năng chịu lực. Căn cứ để Sở Xây dựng đưa ra khẳng định trên là báo cáo kết quả kiểm định số 226/TTKĐ-KĐXD ngày 25-6-2018 và báo cáo kết quả kiểm định bổ sung số 246/TTKĐ-KĐXD ngày 12-7-2018 của Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng tỉnh Thanh Hóa.
Đáng nói, cụm từ mà Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng tỉnh Thanh Hóa dùng để lượng hóa các chỉ số kiểm định là “cơ bản phù hợp”. Thực tế, cụm từ này, không phải là một thuật ngữ trong ngành xây dựng, cũng không có trong các văn bản pháp quy, rất chung chung và có nhiều cách hiểu khác nhau.
Câu hỏi đặt ra “cơ bản phù hợp” có an toàn không? Những người dân sống trong các căn hộ và khu vực chung quanh công trình này có được an toàn không? Công trình hiện và sẽ ra sao khi đã được khởi công xây dựng hơn một thập kỷ qua nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn thiện?
Nhận định về vấn đề này, một số chuyên gia trong lĩnh vực kiểm định chất lượng công trình xây dựng cho rằng, các cơ quan chức năng cần kiểm định lại chất lượng công trình một cách nghiêm túc và thận trọng, bởi công trình này đã được xây dựng từ lâu (năm 2006), khi công nghệ xây dựng không hiện đại như bây giờ.
Ở đây, dư luận không thể không quan tâm đến việc, phải chăng UBND tỉnh Thanh Hóa đã quá “sốt sắng” chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy mô DA đầu tư xây dựng TTTM Bờ Hồ?
Về vấn đề này, ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa, khẳng định rằng, hiện nay, với DA TTTM Bờ Hồ, UBND tỉnh chưa có quyết định về điều chỉnh chủ trương đầu tư, đang yêu cầu Sở Xây dựng, TTTM Bờ Hồ phải kiểm định lại chất lượng công trình… Sau khi có ý kiến của các cơ quan chuyên môn, Sở KH&ĐT sẽ tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh cho phép điều chỉnh hoặc không điều chỉnh.
Khi chúng tôi cung cấp thông tin UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô DA đầu tư xây dựng TTTM Bờ Hồ, ông Lê Anh Tuấn tỏ ra bất ngờ và giải thích rằng vừa qua ông đang đi học nên có thể không nắm được, thẩm quyền của UBND tỉnh cho phép điều chỉnh thì điều chỉnh thôi!
Mặc dù không nắm được, nhưng ông Lê Anh Tuấn cũng có quan điểm rất thẳng thắn, rằng nếu để xảy ra sai phạm nghiêm trọng rồi mới xin điều chỉnh DA thì phải xử lý ngay!
Việc xử lý thiếu triệt để, thậm chí có phần “ưu ái” với những sai phạm tại DA TTTM Bờ Hồ tại tỉnh Thanh Hóa, liệu có thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật? Và liệu tới đây tình trạng ngang nhiên vi phạm như tại DA TTTM Bờ Hồ có tiếp tục diễn ra khi mà ngay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa Công ty CP Đầu tư TTTM Bờ Hồ đang tiếp tục liên danh với một số công ty, nhà thầu khác thực hiện nhiều DA lớn khác.